Kinh doanh lĩnh vực Spa, làm đẹp tại Việt Nam đang dần trở thành một lĩnh vực thời thượng thu hút rất nhiều nhà đầu tư cũng như sự quan tâm của người dùng. Tuy nhiên, bên cạnh những Spa hoạt động đúng pháp luật thì ngày càng xuất hiện nhiều cơ sở “chui” kém chất lượng.
Chất lượng đang bị thả nổi
Nhu cầu làm đẹp tăng cao dẫn đến số lượng các cơ sở spa, phẫu thuật thẩm mỹ xuất hiện ngày càng nhiều. Chỉ cần sử dụng công cụ tìm kiếm của Google, gõ từ khoá “Spa” hay “thẩm mỹ viện”, Google sẽ trả về hàng ngàn kết quả với các thông tin dịch vụ cùng những lời quảng cáo không thể hay hơn.
Đặc biệt, với sự phát triển của mạng xã hội, thị trường làm đẹp này càng có nhiều cơ hội để phát triển và biến tướng dưới nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên, chất lượng của các Spa và cơ sở làm đẹp đang bị thả nổi khiến những người mới quan tâm không tránh khỏi “ma trận” thông tin.
Dù đã có nhiều cảnh báo về việc phẫu thuật thẩm mỹ tại các trung tâm kém uy tín, nhiều phụ nữ vẫn chấp nhận phẫu thuật. Đã có không ít trường hợp “rước hoạ vào thân”, ảnh hưởng đến sức khoẻ vì thực hiện thẩm mỹ tại những cơ sở không uy tín.
Mới đây, một phụ nữ tại Hoàn Kiếm - Hà Nội đã bỏ ra gần 300 triệu đồng để nâng ngực, nâng mũi tại một BV thẩm mỹ. Tuy nhiên, ít ngày sau ngực chị có dấu hiệu bầm dập, rỉ máu.
TS.BS Phạm Trịnh Quốc Khanh, Trưởng khoa Bỏng - Tạo hình Thẩm mỹ Bệnh viện Trưng Vương (TP.HCM) thông tin, vừa qua bệnh viện cũng tiếp nhận hai trường hợp bị biến dạng khuôn mặt vì đi làm đẹp tại cơ sở thẩm mỹ kém chất lượng.
Thông tin học viện Thẩm mỹ viện Bích nguyệt đào tạo không giấy phép cũng gây xôn xao dư luận trong thời gian qua. Với những lời quảng cáo “có cánh” cùng với danh “học viện” mà nơi này thu hút được rất nhiều học viên. Tuy nhiên, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội chỉ cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đào tạo nghề “chăm sóc da” nhưng học viện này lại đào tạo và cấp chứng chỉ cho học viên ở 05 chuyên ngành khác. Vậy thực tế tay nghề của các học viên sau khi tốt nghiệp sẽ như thế nào và thị trường spa sẽ đi về đâu giữa thời “vàng thau lẫn lộn” ?
Cơ quan quản lý khó quản lý
Mặc dù không được cấp phép hoạt động, nhân viên không có chuyên môn, nghiệp vụ nhưng nhiều Spa, Thẩm mỹ viện vẫn sử dụng dịch vụ tiêm, phẫu thuật, hành nghề trái quy định.
Theo tìm hiểu được biết, nguyên nhân khiến dịch vụ thẩm mỹ nở rộ và xuất hiện các cơ sở “chui” là do lực lượng kiểm tra của các sở, ngành, địa phương quá mỏng, cộng thêm chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe, trong khi số lượng cơ sở làm đẹp quá lớn nên dù đã cố gắng, công tác kiểm tra chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục.
Mặt khác, đa số các cơ sở đều đăng ký hoạt động dưới hình thức những trung tâm làm đẹp đơn thuần, vốn không có chức năng phẫu thuật thẩm mỹ nên không thuộc sự quản lý của Sở Y tế. Các cơ sở kinh doanh này lại do chính quyền địa phương cấp phép. Nếu ngành y tế muốn kiểm tra, phải có chứng cứ sai phạm, còn không là trái quy định...
Chính việc phân cấp quản lý các cơ sở thẩm mỹ như hiện nay (có phẫu thuật thì do Sở Y tế quản lý, không phẫu thuật do chính quyền địa phương quản lý) đang là một kẽ hở để các cơ sở làm đẹp lợi dụng hoạt động vượt quá chức năng, nhiệm vụ của mình.
Theo bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, thị trường phẫu thuật thẩm mỹ hiện nay cần minh bạch, an toàn, các bác sĩ giỏi phải được công nhận, người dân cần biết được các cơ sở nào không đủ điều kiện hoạt động để tránh xa. Chúng ta cần phải có những biện pháp quản lý quyết liệt nhằm đưa các cơ sở làm đẹp vào nề nếp, không để xảy ra những sự cố đau lòng. Công tác thanh tra, kiểm tra sẽ được triển khai thực hiện một các công khai, minh bạch, công bằng.
“Chúng tôi rất mong có được sự phối hợp chặt chẽ giữa người dân, cơ quan truyền thông với cơ quan quản lý nhà nước. Khi phát hiện hành vi vi phạm tại các cơ sở làm đẹp, mọi người hãy gọi ngay tới Sở Y tế, chúng tôi sẽ thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm kịp thời”, bà Trần Thị Nhị Hà khẳng định.
Theo quy định, các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người), xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm chỉ được thực hiện tại bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ, hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ, tùy theo phạm vi hoạt động chuyên môn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt...
|
Ngọc Chi
Theo Đời sống & Tiêu dùng