Sự kiện hot
9 năm trước

“Thổi bong bóng” 10 năm, Tân Hoàng Minh chưa cho ra sản phẩm?

Dù nắm trong tay hàng loạt dự án “khủng”, nằm ở các vị trí đắc địa, các khu “đất vàng” của Hà Nội, tuy nhiên, sau nhiều năm trời, Tân Hoàng Minh vẫn chưa “trình làng” một sản phẩm nào hoàn thiện…


Những tấm biển quảng cáo tại dự án D’El Dorado điêu đứng, rách nát, trái ngược với lời hứa hẹn trước đó của chủ đầu tư.

Hành trình thâu tóm "đất vàng"

Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh ( Tập đoàn Tân Hoàng Minh ) thành lập ngày 16/6/1993 tại thành phố Hồ Chí Minh. Khi mới bắt đầu, Tập đoàn Tân Hoàng Minh hoạt động kinh doanh trên nhiều lĩnh vực như: mua, bán buôn, bán lẻ, cung cấp, xuất khẩu tư liệu sản xuất, máy móc thiết bị phụ tùng, điện lạnh, hàng may mặc, hàng da, xe máy và phụ tùng, vận tải hành khách bằng taxi, kinh doanh khách sạn, kinh doanh phát triển nhà, xây dựng, sửa chữa nhà để bán hoặc cho thuê,…

Theo lời tự giới thiệu của Công ty, năm 1995, Tân Hoàng Minh bắt đầu kinh doanh vận tải hành khách công cộng bằng xe taxi với số lượng ban đầu là 100 chiếc. Tới năm 2001, Tập đoàn Tân Hoàng Minh  mở rộng thị trường kinh doanh ra Hà Nội và Nha Trang, nâng số lượng xe phục vụ khách hàng lên 700 xe. Cùng với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách công cộng, năm 1998, Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, công nghệ xây dựng nhà máy sản xuất mây tre thủ công mỹ nghệ tại Nha Trang (tỉnh Khánh Hoà) với sản phẩm mang thương hiệu Ratex 

Ngoài ra, Tân Hoàng Minh cũng cho biết, từ năm 1993, đã chú trọng đầu tư vào lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, phải đến năm 2003, Tân Hoàng Minh mới có dự án đầu tiên với việc đầu tư, cải tạo Công viên Thống Nhất thành Trung tâm văn hoá, vui chơi, giải trí lớn nhất Thủ đô và đã được UBND Thành phố Hà Nội chấp thuận. Tuy nhiên, kế hoạch này bị phản đối, vì nhiều người lo ngại cảnh quan bị phá nát và giá trị văn hóa, lịch sử của một địa danh đã ăn sâu trong lòng người dân Thủ đô sẽ bị hủy hoại. Nay dự án đang được UBND Thành phố xem xét về mặt Quy hoạch cho phù hợp với giai đoạn hiện nay.


Phối cảnh dự án trong mơ của Tân Hoàng Minh.

Kể từ năm 2006, Tập đoàn Tân Hoàng Minh tập trung đầu tư và phát triển các dự án bất động sản cao cấp, nhằm cố gắng tạo sự khác biệt trong sản phẩm và dịch vụ như: đầu tư vào các dự án có vị trí đắc địa trong trung tâm thành phố, có tính thanh khoản cao, sử dụng nguyên vật liệu chất lượng, nội thất sang trọng và giá trị cao, dịch vụ và chức năng hoàn hảo, mỗi dự án là một tác phẩm nghệ thuật mang phong cách kiến trúc Pháp cổ điển, lãng mạn của thế kỷ XVII-XVIII.

Trong chiến lược phát triển của mình, Tân Hoàng Minh Group có tham vọng quyết tâm xây dựng các công trình hoàn hảo tới từng chi tiết nhỏ nhất, tôn vinh nghệ thuật cổ điển và đương đại, những “Kiệt tác vượt thời gian” với những giá trị bất biến, nhằm bảo tồn và phát huy tinh hoa dân tộc và thế giới, đem lại lợi ích thiết thực cho xã hội và cho các chủ nhân trong tương lai.

10 năm, chưa có sản phẩm nào ra mắt!

Các dự án của Tập đoàn Tân Hoàng Minh nằm rải rác tại các vị trí đắc địa của Hà Nội. Cụ thể: D’. Le Pont D’or ở Hoàng Cầu (Đống Đa), D’.LeRoi de Soleil ở Đặng Thai Mai (Tây Hồ), D’El Dorado ở Lạc Long Quân (Tây Hồ), D’.San Raffles ở số 22-24 Hàng Bài và 25-27 Hai Bà Trưng (Hoàn Kiếm) và D’.Palais de Louis ở số 6 Nguyễn Văn Huyên (Cầu Giấy)…

Như đã trình bày ở trên, từ năm 2006, Tân Hoàng Minh bắt đầu thâu tóm những mảnh đất "vàng tại Hà Nội để đầu tư xây dựng những dự án của mình thì doanh nghiệp này đã có khoảng thời gian 8 năm hoạt động trong lĩnh vực này, (nếu tính từ năm 2003, khi Tân Hoàng Minh chính thức có dự án đầu tư đầu tiên thì con số này là 11 năm). Tuy nhiên đến nay, đã rất nhiều năm trôi qua nhưng thị trường bất động sản Hà Nội vẫn chưa đón nhận bất cứ một sản phẩm nào của tập đoàn này ra mắt thị trường.

Hầu hết các dự án của Tân Hoàng Minh hiện đều đang chậm tiến độ rất nhiều so với tiến độ thực tế.

Chậm chạp nhất là dự án tổ hợp khách sạn và căn hộ cao cấp D’.LeRoi de Soleil ở số 2 đường Đặng Thai Mai (Tây Hồ, Hà Nội).


Dự án D’.LeRoi de Soleil ở số 2 đường Đặng Thai Mai (Tây Hồ, Hà Nội).

Được chủ đầu tư khẳng định dự án sẽ là một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc chạm trổ bằng đá, cao 25 tầng và 5 tầng hầm, nhưng đến nay D’.LeRoi de Soleil đã trễ hẹn ngày khởi công theo dự kiến tới hơn 1 năm.

Hiện, lô đất này vẫn đang được quây hàng rào, banner áp phích quảng cáo quanh lô đất, nhưng đã rách nát, phai màu và trở thành chỗ để cho người đi đường dán các tờ rơi quảng cáo đủ loại. Cổng vào dự án được khóa chặt bằng xích thép, với bức tường quây xung quanh nhưng không che được những lùm cỏ mọc um tùm bên trong. Không máy móc, không bảo vệ, hoang tàn…

Một trong những dự án “đắp chiếu” lâu nhất khác của Tân Hoàng Minh là dự án D’.San Raffles ở số 22-24 Hàng Bài và 25-27 Hai Bà Trưng (Hoàn Kiếm).


Một trong những dự án “đắp chiếu” lâu nhất của Tân Hoàng Minh là dự án D’.San Raffles ở số 22-24 Hàng Bài và 25-27 Hai Bà Trưng (Hoàn Kiếm). Theo quảng cáo đây là dự án Trung tâm thương mại và căn hộ mang phong cách Châu Âu đẳng cấp nhất từ trước tới nay.

Theo người dân, dự án D’.San Raffles được khởi công từ tháng 2/2013, giá giải phóng mặt bằng lên tới gần 1 tỷ đồng/m2. Khi thi công, chủ đầu tư dự kiến đến cuối năm 2014 sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, cho đến chiều ngày 24/11/2014, ghi nhận hiện tại nơi này vẫn chỉ là bãi đất hoang, cỏ mọc...

Một dự án khác của đơn vị này cũng trong cảnh “đắp chiếu” là dự án D’El Dorado nằm trên đường Lạc Long Quân và Nguyễn Hoàng Tôn (đối diện quận ủy Tây Hồ, Hà Nội). Đây là dự án được chủ đầu tư giới thiệu là tổ hợp văn phòng, khách sạn và căn hộ 6 sao để bán và cho thuê, dự kiến khởi công năm 2013. Thế nhưng, hiện nay dự án vẫn là bãi đất trống, cỏ mọc, chưa biết đến bao giờ mới khởi công. Bên trong thì cỏ mọc, bên ngoài pano giới thiệu dự án đã phai màu, cũ kỹ, rách nát…

Đáng nói nhất là dự án D’.Palais de Louis, trên trang chủ của Tân Hoàng Minh giới thiệu dự án dự tính sẽ hoàn thành vào năm 2013. Tuy nhiên đến thời điểm này theo tìm hiểu phóng viên, dự án này cũng mới hoàn thành việc xây thô...

Gần đây, trước những thông tin xoay quanh hàng loạt các dự án "đắp chiếu" của mình, Tân Hoàng Minh đã tổ chức họp báo công bố kế hoạch phát triển một số dự án trọng điểm. Tuy nhiên, bản kế hoạch phát triển các dự án của tập đoàn này cũng chưa cho thấy bất cứ một sự hứa hẹn chắc chắn nào trong khoảng thời gian ít nhất là 6 tháng nữa?

Theo Điều 64 (Luật Đất đai), quy định Thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai trong trường hợp: 

i) Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng; trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này; hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng.

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin...

Minh Võ
theo Báo pháp luật

Từ khóa: