Sự kiện hot
8 năm trước

Thủ tướng: Tạo khí thế mới để du lịch phát triển táo bạo hơn

Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang xây dựng và sẽ trình QH ban hành luật mới về du lịch, để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Sáng 9/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam chủ trì Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch. Đây là lần đầu tiên Chính phủ tổ chức hội nghị quy mô lớn toàn quốc về du lịch.

Du lịch Việt Nam là ngôi sao cô đơn

Với gần 50 ý kiến phát biểu từ chính quyền địa phương, cơ quan quản lý, các chuyên gia du lịch và đặc biệt là những phản ánh tâm huyết của nhiều doanh nghiệp kinh doanh, bức tranh hiện trạng du lịch Việt Nam đã được chỉ rõ.


Thủ tướng thăm các gian hàng tại phố cổ Hội An. (Ảnh: TTXVN)

Điều mà nhiều đại biểu băn khoăn là tại sao một nước đứng thứ 16 về tiềm năng của du lịch của thế giới nhưng thu hút khách du lịch quốc tế lại kém đến như vậy?!

Ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng VH-TT&DLcho biết, năm 2015, du lịch đóng góp 6,6% GDP, tạo 2,25 triệu việc làm và giá trị xuất khẩu 8,5 tỷ USD.

Tuy nhiên ông Thiện cho rằng sự phát triển của ngành còn nhiều hạn chế, yếu kém, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế.

"Hiện tượng chặt chém, ép giá, ép mua, đeo bám và chưa bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách còn xảy ra ở nhiều nơi. Vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm chưa được quan tâm. Thái độ  ứng xử của một bộ phận người làm du lịch còn thiếu chuyên nghiệp, gây bức xúc", ông Thiện thừa nhận.

Trong khi đó Chủ tịch HĐQT ngân hàng BIDV Trần Bắc Hà đánh giá, du lịch Việt Nam như ngôi sao cô đơn, thiếu sự kết nối với các ngành khác như hải quan, thuế, ngoại vụ...

Còn Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Trần Sơn Hải băn khoăn về cơ chế hội nhập du lịch, tạo cửa thông thoáng để thu hút các nhà đầu tư tham gia vào các tour du lịch, các cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng cao cấp.

"Vẫn có địa phương coi du lịch là vui chơi, giải trí. Với quan điểm như thế thì quan tâm đầu tư, chính sách cho du lịch, các ưu đãi đang bị phân luồng, không tập trung được”, ông Hải nói.

Các ý kiến khác đề xuất Việt Nam nên mở rộng quốc gia được miễn thị thực để đạt được 3 giảm là giảm thời gian, giảm chi phí và giảm thủ tục.

Đến nay Việt Nam mới miễn thị thực cho 22 nước và vùng lãnh thổ, trong khi các nước trong khu vực đã miễn thị thực cho từ 60 đến gần 160 nước và vùng lãnh thổ.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nêu ví dụ, một gia đình khách quốc tế rất yêu mến Việt Nam nhưng sau khi cân nhắc họ đã chọn đến Thái Lan du lịch, bởi vì chi phí thị thực ở ta quá cao, bằng với chi phí tiền phòng ở Thái Lan. 

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng trăn trở về nguy cơ tụt hậu của du lịch Việt Nam khi có tới 70% khách đến Việt Nam không quay trở lại vì 7 nỗi sợ: Sợ cướp giật, sợ trộm cắp, sợ kẹt xe, sợ tai nạn giao thông, sợ thái độ phục vụ và sự trân trọng du khách, sợ nhà vệ sinh mất vệ sinh, sợ ô nhiễm môi trường.

Yêu cầu mở cửa từ mọi hướng

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Chính phủ đang xây dựng và sẽ trình QH ban hành Luật mới về du lịch, để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Thủ tướng yêu cầu các đại biểu tham dự hội nghị tập trung đánh giá lại tầm quan trọng của du lịch, cũng như các mặt yếu kém, bất cập, từ đó xác định những giải pháp cần thiết để tạo nên một khí thế mới tiến tới chấm dứt tồn tại, bất cập mà du khách kêu ca. 

Đánh giá về du lịch Việt Nam, Thủ tướng nêu rõ, phát triển du lịch chưa tương xứng với tiềm năng, còn yếu kém, bất cập, khiếm khuyết trong tổ chức.

Thủ tướng cho rằng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của toàn dân là nhân tố quyết định cho sự thành công của du lịch, phải phát động tinh thần ở các địa phương, các cấp, các ngành, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để phát triển du lịch táo bạo hơn, mạnh mẽ hơn.

Về một số giải pháp cụ thể, Thủ tướng yêu cầu phải đổi mới tư duy phát triển du lịch, tận dụng mọi điều kiện của người dân và doanh nghiệp, của xã hội hóa để phát triển. Trong đó, phát triển, gìn giữ văn hóa truyền thống của đất nước.

Tại hội nghị này, Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam sẽ không có phố đèn đỏ, không làm casino tràn lan. “Chúng ta không phát triển theo hướng đó”, Thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng giao chỉ tiêu đến 2020, du lịch Việt Nam đóng góp 10-20% vào GDP. Ít nhất có 20 tỷ USD xuất khẩu tại chỗ từ du lịch. Ít nhất 15 triệu lượt khách quốc tế, 75 triệu khách nội địa. Phải phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, có tính chuyên nghiệp.

“Ai làm du lịch? Đúng là toàn dân làm du lịch, đây là xu hướng của thế giới, nhưng trong đó phải phát huy vai trò của doanh nghiệp. Nếu chúng ta không có hệ thống doanh nghiệp lớn mạnh có thương hiệu, biết cách quảng bá, xúc tiến sản phẩm, dịch vụ du lịch thì khó thành công”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Để tháo gỡ khó khăn trước mắt, Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì khẩn trương triển khai Đề án cấp thị thực điện tử, cấp thị thực tại cửa khẩu, thực hiện từ ngày 1/1/2017.

Các Bộ Tài chính, VH-TT&DL, Công an, Ngoại giao chủ trì đề xuất áp dụng mức lệ phí thị thực nhập cảnh phù hợp; nghiên cứu, đề xuất giải pháp sửa đổi các quy định về xuất nhập cảnh nhằm tạo thuận lợi cho khách du lịch.

Các Bộ Ngoại giao, Công an, Quốc phòng thực hiện các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi về cấp thị thực nhập cảnh, từ việc cung cấp thông tin, cải tiến quy trình, thủ tục, đón tiếp, trả kết quả, giảm tối đa thời gian cấp thị thực.

Thủ tướng giao cho Bộ GTVT chủ trì cùng các Bộ Ngoại giao, Quốc phòng, Công an, Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẩn trương có đề án trình Chính phủ về việc mở các đường bay trực tiếp từ các quốc gia, địa bàn khách du lịch quốc tế trọng điểm đến nước ta với tinh thần là mở cửa bầu trời.

Ngoài ra Thủ tướng đồng ý thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, theo đó, ngân sách nhà nước sẽ cấp ban đầu một khoản kinh phí cần thiết 200-300 tỷ đồng và sử dụng một phần từ nguồn lệ phí thị thực nhập cảnh, tham quan du lịch, khoản đóng góp của các doanh nghiệp du lịch, các chủ thể hưởng lợi từ du lịch và các nguồn khác.

Bộ VH-TT&DL chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định thành lập Quỹ ngay trong tháng 8/2016.

Đồng thời Bộ này chịu trách nhiệm ban hành, tổ chức thực hiện Bộ quy tắc ứng xử trong lĩnh vực du lịch; giải quyết tình trạng thiếu hướng dẫn viên du lịch hiện nay, nhất là hướng dẫn viên du lịch các ngoại ngữ hiếm.

Trong hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch tại nước ngoài, Thủ tướng yêu cầu phải rà soát, đánh giá hiệu quả của các hội chợ du lịch, các lễ hội du lịch trong cả nước, nhất là các hội chợ du lịch quốc tế; tập trung nguồn lực tổ chức hội chợ du lịch quốc tế trọng điểm trong năm, tránh dàn trải, hình thức.

Theo Vietnamnet

Từ khóa: