Sự kiện hot
7 năm trước

Thủ tướng trả lời chất vấn ĐBQH về 'taxi công nghệ' Grab, Uber

Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản trả lời ông Dương Trung Quốc về "taxi công nghệ" Grab, Uber.

"Taxi công nghệ" Grab, Uber đang phát triển mạnh ở Việt Nam. Ảnh minh họa

Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản trả lời chất vấn của ĐBQH Dương Trung Quốc liên quan đến việc thử nghiệm "taxi công nghệ" Grab, Uber.

Văn bản nêu rõ việc ứng dụng công nghệ được Việt Nam và các nước trên thế giới chú trọng phát triển ngay khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 được đề cập từ năm 2011.

Vì vậy, trong những năm gần đây, Chính phủ đã chỉ đạo các ngành đẩy mạnh việc áp dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất lao động.

Ngoài ra, ngành Giao thông cũng đã đẩy mạnh việc áp dụng ứng dụng công nghệ thông tin (thu phí tự động, dịch vụ đỗ xe qua phần mềm kết nối điện thoại, quản lý hoạt động của phương tiện qua thiết bị giám sát hành trình…).

Trên cơ sở đề xuất của Bộ GTVT, Chính phủ đã cho phép thí điểm ứng dụng hợp đồng điện tử thay cho hợp đồng bằng văn bản giấy trong hoạt động vận tải khách bằng xe hợp đồng.

"Việc thí điểm thay hợp đồng giấy bằng hợp đồng điện tử là đúng với quy định của Luật giao dịch điện tử", Thủ tướng cho biết.

Thí điểm ứng dụng hợp đồng điện tử được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép áp dụng với tất cả các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng đối với xe dưới 9 chỗ và các đơn vị cung cấp dịch vụ ứng dụng khoa học công nghệ (hợp đồng điện tử) phối hợp với đơn vị vận tải.

Như vậy, việc thí điểm này không dành riêng cho Grab hay Uber mà được thực hiện cho các đơn vị kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi có sự phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ kết nối hợp đồng điện tử.

Việc quản lý xe kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng được thực hiện trực tiếp tại cơ quan của tỉnh, thành phố (Sở Giao thông vận tải cấp phù hiệu cho phương tiện, cấp giấy phép kinh doanh cho đơn vị kinh doanh, phương tiện để được cấp phù hiệu phải đáp ứng đã lắp thiết bị giám sát hành trình) qua đó đảm bảo được sự giám sát, quản lý từ cơ sở.

Được biết, hiện không chỉ có Grab, Uber mà đã có 7 đơn vị của Việt Nam tham gia cung ứng dịch vụ tương tự như của Grab và Uber, trong đó có cả các hãng taxi lớn như Vinasun, Mai Linh.

Ngoài ra, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT hoàn thiện để trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, trong đó bổ sung quy định quản lý phù hợp đối với xe hợp đồng và xe taxi, quản lý và áp dụng hợp đồng điện tử, kết nối quản lý thuế...

Trước đó, ĐBQH Dương Trung Quốc đã chất vấn Chính phủ về "taxi công nghệ" Grab, Uber.

Ông Dương Trung Quốc cho rằng: "Chủ trương cho phép Grab, Uber thử nghiệm vào thời điểm sự phát triển của taxi truyền thống trên những địa bàn đô thị quan trọng ở nước ta đã tới ngưỡng của sự cần thiết phải giới hạn về số lượng tương quan với nhu cầu và hạ tầng giao thông.

Từ đó nẩy sinh xung đột lợi ích và nhất là xung đột với mục tiêu quản lý của nhà nước trên cơ sở quy hoạch về số lượng, sẽ làm trầm trọng hơn áp lực quá tải lên hạ tầng và ách tắc giao thông".

Ông Quốc cũng cho rằng, việc thử nghiệm sẽ đi đến kết cục là "chấp nhận hay không chấp nhận cho hoạt động chính thức thì cả hai đều đi đến những hệ lụy tiêu cực".

Cụ thể, nếu chấp nhận, thì đương nhiên số lượng xe tham gia vận chuyển khách chính thức sẽ tăng vọt. Nếu không chấp nhận thì chủ hãng ở nước ngoài kết thúc cuộc làm ăn ở Việt Nam với những món lợi kếch xù đã bỏ túi, để lại hàng vạn người lao động có xe mà không có quyền hoạt động.

D.L

Theo ĐS&PL, Vietnammoi

Từ khóa: