Sự kiện hot
5 năm trước

Thừa Thiên Huế: Bồi thường đất giá "bèo", dân bức xúc khiếu nại

Diện tích đất canh tác sử dụng ổn định trên 40 năm nhưng không được bồi thường hoặc áp giá bồi thường quá thấp - Đó là thực trạng khiến bà con tổ 16, 17 phường Thủy Xuân, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế (cách nhà GA Huế 3km) bức xúc, kiến nghị.

Tại quyết định số 6211/QĐ-UBND ngày 21/12/2018, UBND TP. Huế đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khi nhà nước thu hồi đất để thực hiện công trình bể chứa nước sạch Quảng Tế 3 (phường Thủy Xuân, TP.Huế). Theo đó, tổng giá trị phương án bồi thường, hỗ trợ về đất và tài sản gắn liền với đất là 7.468.634.000 đồng. Trong đó, chi phí tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng 125.974.000 đồng, còn lại là chi phí hỗ trợ giải tỏa.

Tuy nhiên, việc triển khai dự án các hạng mục khiến 43 hộ dân sinh sống ở các tổ 16 và 17 phường Thủy Xuân bị ảnh hưởng rất lớn do bị thu hồi 3,7 ha đất nông nghiệp, đất ở...

40 năm sử dụng đất nhưng không được bồi thường

Ông Nguyễn Văn Xưng là người đại diện cho dòng họ Nguyễn sở hữu các thửa đất nông nghiệp số 10, 29, 41, 58, 113 tại tổ 16 phường Thủy Xuân. Tổng diện tích đất bị thu hồi của ông Xưng là 2.504,5m2.

Hộ Bà Nguyễn Thị Vui (có diện tích hơn 4000m2) bức xúc chỉ trên lô đất canh tác có giấy tờ đầy đủ mà sao họ bồi thường giá rẻ không đủ suất ăn sáng.
Hộ Bà Nguyễn Thị Vui (có diện tích hơn 4000m2) bức xúc chỉ trên lô đất canh tác có giấy tờ đầy đủ mà sao họ bồi thường giá rẻ không đủ suất ăn sáng.

Ông Xưng cho biết, toàn bộ diện tích đất này dòng họ Nguyễn quản lý, sử dụng ổn định từ trước năm 1945 và nộp thuế cho nhà nước theo quy định, sau này được miền thuế. Trong tổng diện tích đất trên, chính quyền chỉ bồi thường 1.475m2 số đất còn lại không được bồi thường.

“Toàn bộ 2.504,5m2 này dòng họ Nguyễn sử dụng ổn định từ trước năm 1945 cho đến nay mà không có tranh chấp với ai. Chính quyền chỉ bồi thường 1.475m2 với giá bèo, số còn lại hơn 1.029 còn lại không bồi thường là thực hiện không đúng quy định của pháp luật”, ông Xưng bức xúc.

Đơn khiếu nại của bà con được gửi đến lãnh đạo UBND TP Huế xem xét.
Hộ Bà Nguyễn Thị Vui (có diện tích hơn 4000m2) bức xúc chỉ trên lô đất canh tác có giấy tờ đầy đủ mà sao họ bồi thường giá rẻ không đủ suất ăn sáng.

Ngoài trường hợp ông Xưng còn có 12 hộ dân khác có những diện tích đất bị thu hồi bởi dự án nhưng không được bồi thường về đất. Theo các hộ dân, đa số những diện tích đất không được bồi thường này họ đều khai hoang, phục hóa và canh tác từ trước năm 1963 và chậm nhất là từ năm 1976- khi chính quyền chia đất cho dân canh tác. Người dân canh tác, sử dụng đất này đều thực hiện kê khai đất theo sổ mục kê khai và theo Chỉ thị 299/CT-TTg nhưng đến nay không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Chiếu theo quy định, những người dân canh tác, sử dụng các diện tích đất này phải được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất mà không thu tiền sử dụng đất, vì có nguồn gốc đất giao trước Hiến pháp 1980.

Chỉ 23.300 đồng/m2 (!?)

Gia đình ông Lê Văn Nhuận (tổ 16 phường Thủy Xuân) có 298,4m2 đất nông nghiệp (thửa đất số 75) bị thu hồi để thực hiện công trình bể chứa nước sạch Quảng Tế 3. Mặc dù bị thu hồi diện tích đất lớn như trên nhưng gia đình ông Nhuận chỉ được bồi thường về đất với mức giá 13.905.000 đồng.

Cũng như trường hợp gia đình ông Nhuận là những hộ dân khác bị ảnh hưởng bởi dự án. Trong số 43 hộ dân trên, có 7 hộ dân ngoài bị thu hồi đất nông nghiệp còn bị thu hồi đất ở, và đất này cũng được đền bù với giá rất thấp.

Với hộ ông Nguyễn Minh Hiền (tổ 16), ngoài bị thu hồi 71,1m2 đất nông nghiệp và được bồi thường với mức 23.300 đồng/m2, hộ ông Hiền còn bị thu hồi 60m2 đất ở (vị trí 4 đường Thích Tịnh Khiết) và được bồi thường với mức 940.000 đồng/m2. Tổng số tiền ông này được bồi thường đất ở là 78.960.000 đồng.

Ông Võ Quang Bằng (người đại diện theo ủy quyền của nhiều hộ dân có đất và tài sản trên đất bị ảnh hưởng bởi dự án) cho biết, quyết định 6211/QĐ-UBND ngày 21/12/2018 của UBND TP.Huế giải quyết bồi thường giá trị về quyền sử dụng đất, tài sản trên đất đối với các hộ dân áp dụng khung giá 23.300 đồng/m2 đất nông nghiệp là không phản ánh đúng thực trạng về đất hiện hữu, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 3 của Nghị định số 01/2017/NĐ-CP, đất nông nghiệp của các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án là đất đang sử dụng ổn định mà không phải do lấn, chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép nên được xác định theo hiện trạng đang sử dụng. Như vậy, người dân có đất nông nghiệp bị thu hồi trong trường hợp này phải được bồi thường về giá đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, ông Bằng cho hay.

Cũng theo ông Bằng, giữa khung giá đất nông nghiệp của UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế so với giá đất thực tế người dân chuyển nhượng có vị trí tương tự trong khu vực chênh lệch nhau gần 100 lần. Vì vậy cần xác định giá đất theo hướng trung bình của 3 giá đất, gồm khung giá của Chính phủ, giá thị trường và khung giá của UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế. Với cách tính này, đất nông nghiệp của người dân phải được bồi thường ở mức giá 1.010.013 đồng/m2 khi bị thu hồi. Cụ thể, lấy 99.750 đồng/m2 (khung giá đất của Chính phủ) + 2.900.000 đồng/m2 (theo giá đất thị trường)+ 30.290 đồng/m2 (khung giá của UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế)= 3.030.040: 3=1.010.013 đồng/m2.

Về đất ở, theo khung giá đất tại quyết định 75/2014/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế là 940.000 đồng/m2, hệ số điều chỉnh giá đất theo Quyết định 16/2018/QĐ-UBND của tỉnh là 1,3 nền 1m2 đất có giá 1.222.000 đồng. Mức giá này cộng với giá đất ở thị trường trong khu vực là 5.000.000 đồng/m2 đem chia 2 sẽ bằng 3.111.000 đồng/m2.

“Người dân cần phải được tính giá đất theo đúng quy định khi thu hồi. Đất nông nghiệp phải được bồi thường 1.010.013 đồng/m2, còn đất thổ cư là 3.111.000 đồng/m2. Các cấp có thẩm quyền cần xem xét và thẩm định chính xác về giá đất, tránh gây thiệt thòi quyền, lợi ích chính đáng của người dân”, ông Bằng nhấn mạnh.

Ngày 19/8, trao đổi với báo chí Bà Trần Thị Huyền - Cán bộ địa chính UBND phường Thủy Xuân cho biết, trong số 43 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án có 7 hộ phải di dời tái định cư vì bị thu hồi cả đất ở, số còn lại chỉ bị thu hồi đất nông nghiệp.

Theo bà Huyền, đất đai bị thu hồi bởi dự án được người dân sử dụng ổn định từ trước năm 1975 đến nay, trong đó gồm những diện tích đất không được bồi thường. Những diện tích đất không được bồi thường có hồ sơ địa chính, có số thửa, diện tích đúng như người dân đang sử dụng, nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Hiện tại người dân đã gửi đơn khiếu nại lên các cấp và cũng chưa nhận tiền bồi thường, hỗ trợ giải tỏa.

Báo Đời sống & Tiêu dùng tiếp tục thông tin sự việc.

Quốc Dũng
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng

Từ khóa: