Sự kiện hot
6 tháng trước

Thúc đẩy sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh vươn lên tầm mới

Tỉnh Hà Tĩnh vừa tổ chức chương trình hội nghị xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhằm kêu gọi nhà đầu tư, các đơn vị hợp tác để đưa sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh vươn ra thị trường trong nước và quốc tế.

Toàn cảnh Hội nghị  xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhằm kêu gọi nhà đầu tư, các đơn vị hợp tác để đưa sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh.

Đưa sản phẩm vào các siêu thị lớn

Chiều 23/10, Sở Công thương tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Hà Tĩnh năm 2023.

Tại hội nghị là cơ hội để các cơ sở, sản xuất kinh doanh trưng bày, giới thiệu những sản phẩm đặc trưng của địa phương mình nhằm kêu gọi được các nhà đầu tư, mở rộng thị trường.

Thời gian qua, các cơ sở sản xuất, HTX, doanh nghiệp đã chú trọng đến quy trình sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm gắn với truy xuất nguồn gốc, hoàn thiện bao bì mẫu mã và quan tâm đến hoạt động xúc tiến thương mại.

Sở Công thương đã tích cực phối hợp với các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối đưa sản phẩm vào các hệ thống phân phối lớn như các siêu thị BigC, Co.opmart, Winmart...

Các đại biểu tham gia hội nghị xem video clip giới thiệu về các sản phẩm OCOP đặc sản Hà Tĩnh.

Tại hội nghị, các doanh nghiệp, đơn vị phân phối đánh giá cao chất lượng, mẫu mã các sản phẩm miền núi Hà Tĩnh và khẳng định sẽ phối hợp, đồng hành cùng với tỉnh trong quá trình kết nối tiêu thụ sản phẩm.

Đại diện các cơ sở sản xuất, HTX, doanh nghiệp trên địa bàn Hà Tĩnh cũng đã giới thiệu về sản phẩm, quy trình sản xuất và tiềm năng phát triển của cơ sở. Đồng thời, mong muốn các cấp, ngành và doanh nghiệp phân phối tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các cơ sở trong xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là đưa sản phẩm vào các kênh phân phối lớn.

5 gian hàng giới thiệu sản phẩm đặc trưng của các địa phương miền núi Hà Tĩnh như: mật ong, nhung hươu, cam, bưởi, trầm hương, nấm, mật mía, kẹo cu đơ... Thu hút đông đảo du khách và đại biểu tham quan, tìm hiểu sản phẩm và mua sắm.

Như ông Trần Đình Chiến – Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Hương Sơn giới thiệu sản phẩm nhung hươu của địa bàn Hương Sơn, cơ sở ông là 1 trong 7 sản phẩm được đánh giá 4 sao đầu tiên ở Hà Tĩnh vào năm 2019. Nhung hươu là sản phẩm trước đây chỉ sử dụng cho vua chúa. Nhưng để đáp ứng được nhu cầu người sử dụng cơ sở sản xuất của ông ngoài nhung hươu tươi còn có các sản phẩm khác từ hươu nhưng nhung sấy, thái lát, cao nhung, rượu,… Sản phẩm đa dạng giá thành cũng từ thấp đến cao đáp ứng được mọi đối tượng khách hàng.

Ông Trần Đình Chiến - Giám đốc Công ty CP nông nghiệp Hương Sơn chia sẻ về những giá trị nhung hươu mang lại.

Ông Chiến chia sẻ thêm, Công ty vừa tiến hành xúc tiến sản phẩm của mình sang thị trường Thái Lan và họ đã về tại nơi sản xuất để tham quan cũng như hứa hẹn sẽ hợp tác đầu tư. Đây là một cơ hội lớn để ông có thể đưa sản phẩm của mình đến gần hơn với bạn bè quốc tế.

Anh Bùi Thức
Chính- Giám đốc một HTX trên địa bàn huyện Hương Khê cách cách thức đưa trầm đến với người tiêu dùng

Không chỉ nhung hươu Hương Sơn mà các sản phẩm từ trầm hương ở miền núi Hương Khê cũng đã được bạn bè trong nước biết đến và đang hướng đến khách quốc tế.

Khi nói tới chất lượng sản phẩm trầm Phúc Trạch, Hương Khê được đánh giá cao, thì HTX hương trầm Hiền Linh anh Bùi Thức Chính – Giám đốc HTX cho hay với những thợ tay nghề cao, tỉ mẩn làm nên những cây trầm cảnh tinh xảo, hút mắt người mua, hay là với những máy móc hiện đại, đội ngũ lành nghề họ đã tạo nên được nhiều sản phẩm từ trầm hương như vòng trầm, nụ trầm, tinh dầu trầm, bút viết,… điều này giúp giá trị của cây trầm nâng lên một tầm mới.

Trầm Việt Nam, đặc biệt trầm được trồng ở vùng đất Phúc Trạch, Hương Khê, Hà Tĩnh được đánh giá đứng đầu thế giới về chất lượng và mùi hương, cho nên với mong muốn không chỉ người Việt Nam mà qua hội nghị này trầm hương của Hà Tĩnh sẽ lan rộng ra thị trường các nước lớn trên Thế giới.

Đặc sản có giá trị cao

Ông Hoàng Văn Quảng- Giám đốc Sở Công thương Hà Tĩnh cho biết: Hội nghị xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm thực hiện theo quyết định của Chính phủ về hỗ trợ bà con vùng sâu vùng xa, vùng dân tốc thiểu số.

Ông Hoàng Văn Quảng- Giám đốc Sở Công thương Hà Tĩnh cho rằng các sản phẩm nông nghiệp của Hà Tĩnh có giá trị cao

Hà Tĩnh với hơn 366.000 ha rừng và đất rừng, trên 97.000 ha đất nông nghiệp với những đặc trưng về đất đai thổ nhưỡng và quá trình phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp nông thôn của người dân, đã hình thành nhiều sản phẩm đặc sản có giá trị kinh tế cao.

Đến nay, Hà Tĩnh có gần 300 sản phẩm đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên; 196 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia, khu vực và cấp tỉnh. Đặc biệt, nhiều sản phẩm được sản xuất từ khu vực miền núi, biên giới, tiêu biểu như: nhung hươu, trầm hương, cam, bưởi,…

“Hội nghị được tổ chức giúp mở rộng quảng bá sản phẩm bà con đồng bào dân tộc thiểu số từ miền núi ra miền xuôi, từ trong tỉnh đến ngoài tỉnh với mong muốn đưa sản phẩm của bà con đi xa và rộng hơn”, ông Quảng chia sẻ.

Nhiều nông sản, đặc sản đạt tiêu chuẩn OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao được đưa đến Hội nghị quảng bá.

Theo ông Võ Tá Nghĩa- Phó Giám đốc Sở Công thương thì các sản phẩm của người dân khi đưa ra thị trường sẽ được niêm yết giá. Thông qua chuổi cửa hàng như các siêu thị, các đại lý lớn có đến 98% là hàng Việt Nam điều này thúc đẩy người Việt Nam dùng hàng Việt Nam.

Thành công lớn nhất của hội nghị mang lại theo vị Phó giám đốc là đã thành công liên kết các sản phẩm OCOP đến với chuổi các siêu thị lớn trên thị trường như Co.opmart, Winmart, Sơn Nguyên Hà Tĩnh,… ngoài ra một số doanh nghiệp ở địa bàn Nghệ An, Quảng Bình đã trực tiếp ký kết với một số đơn vị sản xuất trên địa bàn, điều này sẽ giúp các sản phẩm nông nghiệp của Hà Tĩnh đến gần hơn với người tiêu dùng.

Mật ong Hương Sơn là một trong những sản phẩm mang lại giá trị cao.

Trao 17 bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ sản phẩm miền núi Hà Tĩnh

Tại hội nghị, Ban Tổ chức cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại Hà Tĩnh lựa chọn từ 85.376 lượt người tham gia dự thi để chọn ra 21 giải cho các tập thể, cá nhân có thành tích cao để trao giải. Với 3 giải nhất, 6 giải nhì và 9 giải ba cho các cá nhân đạt giải; trao 3 giải (nhất, nhì, ba) cho các tập thể.

Ngoài ra, các hệ thống phân phối, siêu thị và các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất của Hà Tĩnh đã trao đổi 17 bản thỏa thuận ghi nhớ hợp tác tiêu thụ một số sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Trao 17 bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ sản phẩm miền núi Hà Tĩnh

Trong khuôn khổ chương trình hội nghị, Ban Tổ chức đã bố trí khu trưng bày 5 gian hàng giới thiệu sản phẩm đặc trưng của các địa phương miền núi Hà Tĩnh như: mật ong, nhung hươu, cam, bưởi, trầm hương, nấm, mật mía, kẹo cu đơ...

Qua đây, các nhà phân phối cũng mong muốn các đơn vị sản xuất tiếp tục nâng cao năng lực sản xuất, chú trọng chất lượng, đầu tư về hình thức, tăng tính nhận diện các sản phẩm sạch, thương hiệu của sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh.

Trí Thức - Diễm Phước

Theo KT&ĐU

Từ khóa: