Sự kiện hot
12 năm trước

Thực hư thông tin HBB sáp nhập vào SHB

Cả HBB, SHB và NHNN cùng đồng loạt lên tiếng khẳng định, thông tin SHB mua lại HBB là không chính xác. Vậy thực hư chuyện này như thế nào?

Cả HBB, SHB và NHNN cùng đồng loạt lên tiếng khẳng định, thông tin SHB mua lại HBB là không chính xác. Vậy thực hư chuyện này như thế nào?

Việc sáp nhập ngân hàng trước hết phải được ĐHCĐ của các ngân hàng thông qua, sau đó phải được NHNN chấp thuận

Từ cuối ngày 12/3, thị trường bắt đầu xôn xao thông tin Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB) sẽ mua lại Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (Habubank - mã HBB). Ngay sau khi một số phương tiện truyền thông đưa tin về vụ mua lại này, cả 3 đối tượng là HBB, SHB và NHNN cùng đồng loạt lên tiếng khẳng định, thông tin về vụ mua lại là không chính xác. Tuy nhiên, các ý kiến cũng để ngỏ khả năng “tìm kiếm nhau” trong mục tiêu tái cơ cấu, trong đó, NHNN giữ vai trò quyết định cuộc chơi này.

Không có chuyện SHB mua lại HBB, nhưng…

Nghi vấn bắt đầu trở thành điểm nóng dư luận khi một số tờ báo uy tín đưa tin, “NHNN đã nhất trí chủ trương cho SHB mua lại HBB. Hai ngân hàng cũng đã ký xong biên bản thỏa thuận, tỷ lệ chuyển đổi dự kiến là 1,34 cổ phiếu HBB được 1 cổ phiếu SHB. Đơn vị tư vấn là Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương (VCBS)”.

 

SHB: SHB đang tìm kiếm một vài đối tác để sáp nhập

SHB cho biết đang trong quá trình tìm kiếm một vài đối tác để nhận sáp nhập vào SHB. Tuy nhiên, việc tham gia thực hiện nhận sáp nhập của các NHTM, trong đó, có SHB phải được sự chấp thuận của NHNN và các cơ quan chức năng liên quan theo quy định của pháp luật. Mặt khác, là một NHTM đại chúng niêm yết trên TTCK, nên khi có bất cứ thông tin nào liên quan đến hoạt động của Ngân hàng, SHB sẽ thực hiện công bố thông tin chính thức theo đúng quy định của pháp luật.

Ngay sau khi xuất hiện thông tin này, Habubank lập tức có thông cáo báo chí khẳng định, thông tin Habubank bị mua lại là không có cơ sở. Phía VCBS, CTCK được cho là đơn vị tư vấn của thương vụ này cũng từ chối bình luận bất kỳ thông tin nào liên quan đến thông tin trên.

Trong khi đó, trong thông cáo của Ngân hàng SHB, thông tin được đưa ra lại không nói thẳng vào câu chuyện nóng bỏng của dư luận là khả năng SHB mua lại HBB. SHB chỉ cho biết, ngân hàng này đang có kế hoạch tìm kiếm và sáp nhập với một vài ngân hàng. “Tuy nhiên, việc tham gia thực hiện nhận sáp nhập của các ngân hàng thương mại, trong đó, có SHB phải được sự chấp thuận của NHNN và các cơ quan chức năng liên quan theo qui định của pháp luật”, SHB viết.

Trong thông báo của NHNN phát đi chiều qua, cơ quan này khẳng định, hiện tại, NHNN chưa nhận được báo cáo và đề nghị của SHB và HBB về việc mua lại, hợp nhất hay sáp nhập. Vì vậy, thông tin trên một số phương tiện thông tin truyền thông cho rằng NHNN đã chấp thuận cho SHB mua lại HBB là không chính xác.

Xem xét kỹ các thông tin trên sẽ thấy, có vẻ như HBB, SHB và cả NHNN đang “chơi chữ” với thị trường. HBB phủ nhận thông tin bị mua lại, nhưng lại để ngỏ khả năng chào đón cơ hội được hợp tác với các nhà đầu tư tham gia xây dựng và phát triển ngân hàng, phù hợp với các quy định của pháp luật. Phía SHB không đề cập thẳng đến việc mua lại hay sáp nhập với HBB, nhưng cho biết, “đang trong quá trình tìm kiếm một vài đối tác để nhận sáp nhập vào SHB”. NHNN thì chỉ khẳng định rằng, lúc này chưa nhận được thông tin về thương vụ và thông tin NHNN đồng ý cho SHB mua lại HBB là không chính xác. Như vậy, cho đến cuối ngày 13/3/2012, có thể chắc chắn rằng, thông tin SHB mua lại HBB là không chính xác, nhưng khả năng 2 ngân hàng này có “đàm phán” về một cơ hội hợp tác khác hay không, vẫn bỏ ngỏ.

Việc sáp nhập/hợp nhất các tổ chức tín dụng đã có tiền lệ khi tháng 11/2011, Ngân hàng TNHH một thành viên Shinhan Việt Nam và Ngân hàng liên doanh Shinhan Vina đã hoàn tất việc sáp nhập. Đây là thương vụ sáp nhập ngân hàng đầu tiên trên thị trường theo áp dụng Thông tư 04/2010/TT-NHNN ngày 11-2-2010 của NHNN quy định về việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại tổ chức tín dụng. Sau đó, tháng 12/2011, 3 ngân hàng là Đệ Nhất (Ficombank), Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank) và Sài Gòn (SCB) đã tự nguyện hợp nhất. Như vậy, khả năng các ngân hàng tìm đến nhau trong quá trình tái cơ cấu là không có gì bất thường.

Đơn vị: tỷ đồng

HBB

SHB

Tổng doanh thu

6.022

8.122

Lợi nhuận sau thuế

262

753

Tổng tài sản

41.868

70.992

Vốn điều lệ

4.050

4.815

Nợ xấu

4,7%

2,1%

Mua bán - sáp nhập: ĐHCĐ và NHNN mới có quyền quyết định

Nhiều nhà đầu tư đang hồi hộp dõi theo thương vụ. Về pháp lý, theo Thông tư 04/2010/TT-NHNN, các thành viên HĐQT, Ban Kiểm soát, Tổng giám đốc và các tổ chức, cá nhân có liên quan của các tổ chức tín dụng tham gia sáp nhập, hợp nhất, mua lại phải có trách nhiệm bảo mật thông tin để các tổ chức tín dụng này được hoạt động ổn định trước khi Đề án sáp nhập, hợp nhất, mua lại được cơ quan có thẩm quyền quyết định thông qua.

NHNN: Thông tin NHNN đã chấp thuận cho SHB mua lại HBB là không chính xác

NHNN khẳng định, chưa nhận được báo cáo và đề nghị của SHB và HBB về việc mua lại, hợp nhất hay sáp nhập. Vì vậy, thông tin trên một số phương tiện thông tin truyền thông cho rằng NHNN đã chấp thuận cho SHB mua lại HBB là không chính xác.

Cũng theo NHNN, các thông tin chính chức liên quan đến quá trình mua bán, sáp nhập, hợp nhất ngân hàng sẽ được đăng tải trên website NHNN và các phương tiện thông tin chính thức của NHNN.

 

Theo các quy định hiện hành, việc sáp nhập ngân hàng trước hết phải được ĐHCĐ của các ngân hàng thông qua, sau đó phải được NHNN chấp thuận. Điều lệ của Ngân hàng Habubank hiện quy định, quyết định của ĐHCĐ về việc Habubank tự nguyện giải thể và thanh lý Habubank chỉ được thông qua nếu được số cổ đông đại diện ít nhất 81% tổng số phiếu biểu quyết chấp thuận. Để cuộc họp ĐHCĐ được diễn ra, Habubank phải có tối thiểu 51% số cổ phiếu hiện hành tham dự.

Hiện HBB đang có 405 triệu cổ phiếu lưu hành. Theo thông tin tổng hợp không đầy đủ về cơ cấu sở hữu, cổ đông lớn nhất của HBB là Deutsche Bank Aktiengesellschaf, nắm 7,41% vốn điều lệ (30 triệu cổ phiếu); ông Nguyễn Văn Bảng và vợ mỗi người nắm 3,7% vốn điều lệ (14,995 triệu cổ phiếu). Các cổ đông nội bộ và người có liên quan khác nắm lượng cổ phần HBB không đáng kể.

Về phía SHB, nếu có ý định sáp nhập với HBB, ĐHCĐ của SHB sẽ phải thông qua phương án phát hành thêm cổ phiếu để chuyển đổi với 405 triệu cổ phiếu HBB hiện hành. Ý định này, nếu muốn được thực thi, phải được đại diện tối thiểu 51% tổng số cổ phần biểu quyết chấp thuận. Cơ cấu cổ đông của SHB cho thấy, các cổ đông lớn và cổ đông nội bộ của Ngân hàng đang nắm gần 40% vốn điều lệ.

Hiện, cả hai ngân hàng đã chốt danh sách họp ĐHCĐ với cùng ngày giao dịch không hưởng quyền là 7/3. SHB cho biết, sẽ họp ĐHCĐ trước vào ngày 11/4, trong khi HBB dự kiến họp vào ngày 14/4. Đến thời điểm này, thị trường chưa có nội dung cuộc họp của cả hai ngân hàng, nên việc có phương án sáp nhập hay không vẫn còn là một ẩn số. Trong trường hợp có sự sáp nhập hai ngân hàng nói trên, thì các nội dung này sẽ phải được xin ý kiến cổ đông trong cuộc họp này, hoặc một cuộc họp ĐHCĐ bất thường khác để thông qua phương án chuyển đổi và tỷ lệ chuyển đổi.

HNX dự kiến yêu cầu công bố thông tin bất thường

 

Habubank: Thông tin SHB mua lại HBB làm nhiễu TTCK

Habubank khẳng định việc một số báo đã đưa tin SHB đang tiến hành mua lại Habubank và đã được NHNN nhất trí về chủ trương là không chính xác và không có cơ sở, làm ảnh hưởng tới uy tín và hoạt động bình thường của Ngân hàng, ảnh hưởng đến sự an toàn của hệ thống các NHTM nói chung, đồng thời làm nhiễu thông tin trên TTCK, có thể gây phương hại tới quyền lợi của các nhà đầu tư.

Theo công bố mới nhất của NHNN, hiện có 9 ngân hàng yếu kém trong hệ thống. NHNN cho biết "đang giám sát chặt chẽ" hoạt động của các nhà băng này và các nhà băng không tự tái cấu trúc được sẽ bị bắt buộc sáp nhập. Hiện SHB đang được NHNN xếp ở nhóm 1 với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2012 là 17%. Trong khi đó, HBB nằm trong nhóm 3, với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 8% trong năm nay. Nếu việc sáp nhập xảy ra, thì tỷ lệ tăng trưởng tín dụng năm 2012 của ngân hàng sau sáp nhập sẽ được tính như thế nào?

Ngoài yếu tố tăng trưởng tín dụng, chi phí sáp nhập (nếu có), những ảnh hưởng đến yếu tố thanh khoản ngân hàng do tác động tâm lý khách hàng trong suốt quá trình sáp nhập… sẽ là những yếu tố ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh năm 2012 của cả 2 ngân hàng. Liệu 1+1 sẽ bằng 2 hay là một con số khác là điều mà NĐT cần phải cân nhắc khi lựa chọn mua cổ phiếu.

Điều được quan tâm nhất là biến động giá chứng khoán HBB và SHB. Kết thúc phiên giao dịch ngày 13/3, giá bình quân của SHB là 10.200 đồng/cổ phiếu, trong khi giá bình quân của HBB là 6.500 đồng/cổ phiếu. Như vậy, giá cổ phiếu SHB đang gấp 1,56 lần giá HBB. Giá cổ phiếu của 2 ngân hàng này sẽ tiếp tục biến động theo những diễn biến mới về thương vụ SHB - HBB. Sở GDCK Hà Nội, nơi cả 2 ngân hàng này đang niêm yết dự kiến, sẽ yêu cầu 2 DN trên công bố  thông tin bất thường để minh bạch thông tin trước các nhà đầu tư.

Quang Sơn - Bùi Sưởng
Theo DTCK


Từ khóa: