Năm 2019 vừa khép lại, trong 2 chỉ tiêu về đấu thầu qua mạng (ĐTQM) nêu tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ, chỉ có chỉ tiêu về tỷ lệ giá trị gói thầu thực hiện ĐTQM trên tổng giá trị gói thầu vượt kế hoạch đề ra (đạt 20,8%), chỉ tiêu còn lại (tỷ lệ số lượng gói thầu thực hiện ĐTQM bằng hình thức chào hàng cạnh tranh, đấu thầu rộng rãi) vẫn chưa hoàn thành.
Tuy nhiên, thực tế triển khai và những quyết tâm, nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương sẽ là tiền đề tốt, có tính khả thi cao để thực hiện lộ trình ĐTQM được đưa ra trong Thông tư 11/2019/TT-BKHĐT vừa được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) ban hành.
Vượt chỉ tiêu về giá trị gói thầu
Tổng kết về tỷ lệ áp dụng ĐTQM năm 2019, số liệu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia cho thấy, năm 2019, các chủ đầu tư, bên mời thầu trên toàn quốc đã thực hiện lựa chọn nhà thầu cho 123.418 gói thầu, trong đó số lượng gói thầu có thể áp dụng ĐTQM là 115.615 gói thầu. Trên thực tế, các chủ đầu tư, bên mời thầu chỉ tổ chức ĐTQM 39.527 gói thầu (chiếm tỷ lệ 34,2% về số lượng, bằng 68,3% chỉ tiêu nêu tại Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2019).
Trong khi đó, tổng giá trị gói thầu được các chủ đầu tư, bên mời thầu thực hiện trong năm 2019 là hơn 885.727,8 tỷ đồng; tổng giá trị gói thầu được thực hiện ĐTQM là 120.321,74 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 20,8% về giá trị, bằng 138,5% yêu cầu tại Nghị quyết 01).
Riêng về chỉ tiêu số lượng gói thầu thực hiện ĐTQM, chỉ có rất ít bộ, ngành, địa phương đạt được chỉ tiêu. Cụ thể, ở khối 37 đơn vị bộ, ngành, chỉ có 4 bộ, ngành đạt và vượt chỉ tiêu 50% số lượng gói thầu thực hiện ĐTQM mà Nghị quyết 01 đề ra, gồm: Bộ Thông tin và Truyền thông (đạt tỷ lệ 64,5%); Đài Truyền hình Việt Nam (56,8%); Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (53,6%); Bộ Tài chính (50%).
Đối với khối 63 địa phương, chỉ có 5 địa phương đạt và vượt chỉ tiêu như: UBND tỉnh Hòa Bình (65,3%); UBND tỉnh Thanh Hóa (64,6%); UBND TP. Đà Nẵng (62,1%)... Đối với khối 19 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, chỉ có 2 đơn vị đạt và vượt chỉ tiêu, đó là Tập đoàn Điện lực Việt Nam đạt tỷ lệ 77,9% và Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam đạt 51,9%.
Đối với chỉ tiêu giá trị gói thầu thực hiện ĐTQM, ở khối 37 đơn vị bộ, ngành, có 14 đơn vị đạt chỉ tiêu này; ở khối 63 địa phương, có 35 địa phương đạt chỉ tiêu; ở khối 19 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước có 3 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đạt chỉ tiêu.
Thống kê trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia cũng ghi nhận, có một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước cùng lúc thực hiện tốt, đạt và vượt cả 2 chỉ tiêu. Theo đó, có 4 bộ, ngành đạt cùng lúc cả 2 chỉ tiêu; 4 địa phương đạt cùng lúc cả 2 chỉ tiêu; 2 tập đoàn kinh tế đạt cùng lúc 2 chỉ tiêu.
Nỗ lực không đồng đều
Có thể thấy, hầu hết các đơn vị đạt được chỉ tiêu về giá trị gói thầu nhiều hơn là số lượng gói thầu thực hiện ĐTQM. Cá biệt, không ít đơn vị có tỷ lệ thực hiện cả 2 chỉ tiêu bằng 0%. Cụ thể, ở khối bộ, ngành có 7 đơn vị; ở khối các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước có 6 đơn vị không thực hiện theo các chỉ tiêu của Nghị quyết 01.
Qua khảo sát việc thực hiện ĐTQM của một số đơn vị có thể thấy, việc thực hiện ĐTQM theo lộ trình của Chính phủ cũng như các chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết 01 là không hề khó. Việc các bộ, ngành, địa phương chưa đạt được chỉ tiêu phần nhiều do thiếu quyết tâm và nỗ lực thực hiện.
Cụ thể, UBND TP. Đà Nẵng từ năm 2016 bắt đầu triển khai chính thức ĐTQM với xuất phát điểm chỉ có 2 gói thầu thực hiện lựa chọn nhà thầu qua mạng, nhưng tới năm 2017, địa phương này đã vươn lên dẫn đầu cả nước về tỷ lệ số gói thầu áp dụng ĐTQM với việc triển khai lựa chọn nhà thầu qua mạng 85 gói thầu. Kể từ năm 2017 đến nay, UBND TP. Đà Nẵng luôn duy trì trong tốp đầu cả nước về việc thực hiện lộ trình ĐTQM.
UBND tỉnh Hòa Bình là đơn vị có kết quả thực hiện ĐTQM vô cùng khiêm tốn trong các năm 2016, 2017. Tuy nhiên, năm 2019, địa phương này vươn lên dẫn đầu cả nước về thực hiện ĐTQM.
Từ thực tế triển khai ĐTQM của các bộ, ngành, địa phương trong thời gian qua, Bộ KH&ĐT đã đưa ra lộ trình triển khai ĐTQM mang tính khả thi cao. Trước mắt, trong năm 2020, việc tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng phải bảo đảm tổng số lượng các gói thầu đạt tối thiểu 50% số lượng gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh, và tổng giá trị gói thầu đạt tối thiểu 25% tổng giá trị các gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh.
Hải Bình
Theo Báo Đấu thầu