Sự kiện hot
3 năm trước

TNG báo lãi quí 1 giảm 34%, tỷ lệ vay nợ ở mức cao

Theo đánh giá của nhóm chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán Sài Gòn Thường Tín, hoạt động kinh doanh của TNG trong năm 2021 có xu hướng suy giảm do ảnh hưởng từ giá nguyên liệu và đại dịch Covid-19.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu bông về Việt Nam trong tháng 2/2021, đạt 102,03 nghìn tấn, trị giá 168,86 triệu USD, giảm 17,4% về lượng và giảm 14,3% về trị giá so với tháng 1/2021, giảm 32,5% về lượng và giảm 31,7% về trị giá so với tháng 2/2020. Giá nhập khẩu bông trung bình trong tháng 2/2021 ở mức 1.655 USD/tấn, giá tăng 59 USD/tấn so với tháng 1/2021 và tăng 24 USD/tấn so với tháng 2/2020.

Hai tháng đầu năm 2021, giá bông nguyên liệu nhập khẩu về Việt Nam đạt trung bình 1.625 USD/tấn, tăng 0,87% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, giá bông nguyên liệu nhập khẩu từ Indonesia thấp nhất đạt 1.288 USD/tấn; tiếp đến là từ Ấn Độ đạt 1.474 USD/tấn… và giá nhập khẩu từ thị trường cao nhất là Australia với mức giá 1.917 USD/tấn…

Kết quả kinh doanh của TNG trong 4 quí gần nhất

Trong bối cảnh giá nguyên liệu bông nhập khẩu về Việt Nam có xu hướng tăng, kèm theo ảnh hưởng mạnh mẽ từ dịch bệnh Covid-19 đang khiến cho nhiều doanh nghiệp trong nhóm ngành dệt may bị ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh. Đơn cử, CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (TNG) là một trong những doanh nghiệp hàng đầu về may mặc tại Việt Nam đang cho thấy rõ việc này.

Theo báo cáo tài chính quí 1/2021 do TNG vừa công bố ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm sút so với cùng kỳ năm trước. Trong quí 1, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu doanh thu thuần đạt gần 911 tỷ đồng tăng 18% so với cùng kỳ, tuy nhiên, kinh doanh dưới giá vốn khiến lợi nhuận gộp của doanh nghiệp chỉ đạt 111 tỷ đồng, trong khi cùng hơn 145 tỷ đồng. Biên lãi gộp giảm từ 19,3% về 11,2%.

Trong kỳ, chi phí bán hàng giảm được gần một nửa, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng thấp hơn cùng kỳ nhưng lãi gộp giảm nhiều. Trừ đi chi phí thuế TNDN, kết quả TNG báo lãi sau thuế đạt 22 tỷ đồng giảm 34%, cùng kỳ đạt 33 tỷ đồng.

Doanh nghiệp lý giải doanh thu quý I của 2021 tăng nhờ đơn hàng sản xuất quý IV/2020, doanh nghiệp cho biết đơn hàng đã được ký đến hết tháng 8 năm nay. Trong khi các đơn hàng mới ký với khách hàng trong quý I có số lượng sản phẩm nhiều hơn nhưng đơn giá thấp hơn từ 5-10% (do ảnh hưởng của dịch bệnh) khiến lợi nhuận giảm đi đang kể.

Tính đến thời điểm cuối kỳ, tổng tài sản của doanh nghiệp đạt 3.900 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ. Trong đó, giá trị hàng tồn kho là 1.213 tỷ đồng, cùng kỳ năm ngoái đạt 1.026 tỷ đồng. Tiền và các khoản tương đương tiền đạt 153 tỷ đồng. Các khoản phải thu chủ yếu là ngắn hạn, trong đó phải thu ngắn hạn của khách hàng đạt 426 tỷ đồng.

Tổng nợ phải trả cuối kỳ của doanh nghiệp là 2.759 tỷ đồng tăng 15% so với 2.406 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Trong đó chủ yếu là vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn đạt 1.624 tỷ đồng chiếm 59% tổng nợ của doanh nghiệp. Vốn chủ sở hữu đạt 1.140 tỷ đồng, trong đó vốn góp của chủ sở hữu 740 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 116 tỷ đồng. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm 204 tỷ đồng.

Trong năm 2021 TNG cho biết sẽ tiếp tục làm công tác đầu tư và đưa vào khai thác cụm công nghiệp Sơn Cẩm 70 ha; Tiếp tục nâng cao quản trị DN theo công nghệ ERP, số hóa trên phần mềm để kiểm soát; Đầu tư nhà máy TNG Võ Nhai giai đoạn 2; Mở rộng nhà máy bao bì, hệ thống dây chuyền bông số 3; Tiếp tục đầu tư cải tạo tất cả các nhà máy của TNG theo tiêu chuẩn nhà máy xanh và phát triển DN bền vững. Tiếp tục đầu tư ứng dụng công nghệ mới vào trong SXKD để nâng cao hiệu quả suất đầu tư.

Tỷ lệ nợ vay khá cao của TNG so với các doanh nghiệp cùng ngành

Theo đánh giá của nhóm phân tích tài chính Công ty Chứng khoán Sài Gòn Thường Tín, quy mô doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế khi phải cạnh tranh với các doanh nghiệp cùng ngành như TCM, GIL.. Điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu cũng như chi phí sản xuất của doanh nghiệp. Các đơn hàng ký mới do ảnh hưởng của dịch bệnh đều có đơn giá thấp hơn 5-10% so với cùng kỳ, hàng tồn kho vẫn còn nhiều do nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng xuất khẩu ra nước ngoài vẫn còn thấp.

Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ vay khá cao so với các doanh nghiệp cùng ngành, tại thời điểm cuối năm 2020, tổng nợ vay của TNG đạt 1,854 tỷ đồng; Việc phụ thuộc vào hai khách hàng lớn là Decathlon và The Children’s Place chiếm tỷ trọng trên 60% doanh thu công ty cũng là điểm yếu của doanh nghiệp nếu hai đơn vị này dừng ký kết. Ngoài ra, tình hình dịch bệnh trên thế giới ngày một leo thang, khó lường cũng khiến nhu cầu tiều dùng của người dân sụt giảm sẽ làm ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp.

“Doanh nghiệp dù đã nhanh chóng giảm chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp, tuy nhiên do không thể đàm phán được giá sản phẩm đầu ra dẫn đến lợi nhuận có xu hướng giảm mạnh, doanh thu của TNG chủ yếu đến từ xuất khẩu, 2 thị trường chính là Mỹ và EU. Giá nguyên liệu đầu vào tăng, thách thức lợi nhuận của doanh nghiệp, đồng thời các hợp đồng ký kết có đơn giá thấp hơn 5-10% so với lúc trước dịch khiến lợi nhuận của doanh nghiệp bị ảnh hưởng đáng kể”. Chứng khoán Sài Gòn Thường Tín nhận định.

CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (TNG), tiền thân là Xí nghiệp May Bắc Thái, được thành lập năm 1979. Hoạt động kinh doanh chủ yếu là sản xuất và mua bán hàng may mặc; Sản xuất bao bì giấy, nhựa làm túi nilon, áo mưa nilon và nguyên, phụ liệu hàng may mặc...

TNG là một trong những doanh nghiệp lâu năm trong ngành dệt may. Hoạt động kinh doanh cốt lõi của TNG là gia công hàng may mặc đóng góp trên 95% doanh thu của doanh nghiệp. Sản phẩm gia công chính của TNG là áo jacket bông và quần cargo short.. xuất khẩu sang Mỹ và EU.

Huy Đức
Theo KTDU

Từ khóa: