Sự kiện hot
4 năm trước

Tỏa sáng tinh thần chiến thắng 30/4 trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19

Lòng yêu nước nồng nàn kết tinh ý chí quật cường và tinh thần đoàn kết “tương thân, tương ái” của các thế hệ người Việt Nam xưa nay luôn hiển hiện, thấm đẫm trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm bảo vệ nền độc lập tự do của Tổ quốc.

Và hôm nay trong bối cảnh đất nước bước vào cuộc chiến với đại dịch COVID-19, tinh thần ấy lại tiếp tục được tỏa sáng trở thành kim chỉ nam giúp dân tộc vững vàng tiến về phía trước.

Đảng lãnh đạo, Chính phủ điều hành cùng “chống dịch như chống giặc”

Lịch sử ngàn năm dựng nước, xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam đã trải qua hàng chục cuộc chiến tranh lớn. Chỉ tính từ 1945 đến 1975, nhân dân ta liên tiếp phải chống lại cuộc chiến tranh xâm lược của hai đế quốc lớn với 42 chiến dịch tiêu biểu. Trong đó, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (từ 26 - 30/4/1975) được hình thành và triển khai trong bối cảnh lịch sử đặc biệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Nhớ lại những tháng năm hào hùng, cả dân tộc ta bừng bừng khí thế, làm theo lời kêu gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu, quét sạch nó đi". Nhờ khí thế hừng hực đó Chiến dịch Hồ Chí Minh đã làm nên điều kỳ diệu. Chiến thắng ngày 30/4/1975 đã chứng minh trí tuệ và tài thao lược của Đảng ta trong lãnh đạo và chỉ đạo chiến tranh cách mạng, cũng như chứng minh tinh thần đoàn kết, quật cường của người dân Việt Nam trong đấu tranh chống ngoại xâm. Thắng lợi này đã đi vào lịch sử trong nước và thế giới, như một trang sử chói lọi trong những năm 70 của thế kỷ XX, mang tầm quốc tế, tầm thời đại sâu sắc.

Tỏa sáng tinh thần chiến thắng 30/4 trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19

Kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2020), sáng 30/4/2020, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện Nghi lễ thượng cờ trên quảng trường Ba Đình.

Và hôm nay, trong một cuộc chiến mới với dịch bệnh COVID-19, tính tàn khốc còn gấp hàng trăm, hàng vạn lần. Cuộc chiến không có bom rơi, đạn nổ, không có đầu rơi, máu chảy, nhưng sinh mạng của mỗi người lại bị cướp đi chỉ trong từng khắc. Cuộc chiến không chỉ diễn ra đơn lẻ ở một quốc gia mà lan rộng ra toàn cầu với 212 quốc gia, vùng lãnh thổ và đã trở thành đại dịch khiến cả thế giới khiếp nhược.

Chỉ trong gần 4 tháng đại dịch COVID-19 hoành hành, tính đến 12 giờ ngày 29/4, toàn thế giới đã ghi nhận 217.985 người tử vong vì mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra. Thiệt hại về kinh tế của thế giới đến nay chưa dừng lại nhưng dự đoán vượt xa mức độ tác động của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, hay khủng hoảng toàn cầu giai đoạn 2008-2009.

Điều nguy hiểm và đáng sợ nhất là kẻ thù của cuộc chiến này vẫn như vô hình, từng quốc gia trong khả năng của mình vẫn đang chạy đua từng ngày để hiểu rõ về loại virus chết người này nhằm tạo ra “vũ khí” chiến đấu lại, nhưng vẫn còn nhiều điều chưa được giải đáp và kiểm soát. Không ai, chưa một quốc gia nào có thể khẳng định rõ thời điểm kết thúc dịch bệnh. Điều này cũng đồng nghĩa, chúng ta không thể khẳng định thế giới sẽ còn tiếp tục mất đi bao nhiêu sinh mạng và thiệt hại về kinh tế có thể đong đếm ra sao.

Trong bối cảnh nhiều quốc gia được xem là cường quốc thế giới trở nên bị động, hỗn loạn trong đại dịch, đã định hình một Việt Nam điềm tĩnh và không ngừng quyết liệt chiến đấu. Tính đến 12 giờ ngày 29/4, Việt Nam ghi nhận 270 trường hợp mắc COVID-19. Trong đó  221 người đã được chữa khỏi và chưa có ca tử vong nào. Với những con số biết nói này, Việt Nam đang được xem là “điểm đến an toàn trong dịch COVID-19 toàn cầu”.

Thắng lợi bước đầu quan trọng này chúng ta nhận thức rõ đó là kết quả của sự quyết tâm cao, ý chí thống nhất trong hành động của toàn Đảng, toàn quân và sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân cả nước.

Một lần nữa, trong những lúc đất nước rơi vào cuộc chiến chống COVID-19 với những nguy cơ thách thức mới, sự xâm nhập quá nhanh, vô hình và tàn khốc thậm chí khiến nhiều người dân rơi vào trạng thái hoảng hốt, Đảng Cộng sản Việt Nam lại một lần nữa khẳng định vai trò là đội quân tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, lãnh đạo giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam từng bước ổn định xã hội, định hướng, động viên, khơi dậy ý chí quật cường và tinh thần đoàn kết cùng nhau chống lại dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân.

Giống như lời hiệu triệu năm nào của Bác Hồ kính yêu kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ra lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sỹ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài đồng lòng, chung sức, quyết tâm phòng, chống dịch bệnh. Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, liên tục; ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành, cơ quan chức năng, địa phương tập trung triển khai, ứng phó và ngăn chặn dịch lây lan. Điển hình, Kết luận của của Bộ Chính trị, Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ đã được xem như kim chỉ nam trong từng giai đoạn cho hệ thống chính trị, các lực lượng chức năng và người dân cả nước vững vàng trong phòng, chống dịch bệnh.

Tỏa sáng tinh thần chiến thắng 30/4 trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ra lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sỹ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài đồng lòng, chung sức, quyết tâm phòng, chống dịch bệnh COVID-19

Với tinh thần "chống dịch như chống giặc", ngay từ đầu cuộc chiến, Ban Bí thư, Thường trực Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 đã xác định, sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt để cứu người thoát dịch; coi con người là vốn quý nhất, là trung tâm của mọi chính sách phát triển kinh tế-xã hội. Cùng những quyết sách cụ thể, Chính phủ cũng đã kịp thời, kích hoạt cơ chế phòng dịch lây lan và thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng, chống dịch sớm hơn và mức độ cao hơn khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới. Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 làm việc tích cực, chủ động. Từ nhận thức sâu sắc, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các địa phương và cả hệ thống chính trị nước ta đã "vào cuộc" mạnh mẽ, đồng bộ. Toàn lực lượng các ngành y tế, quân đội, công an đã phối hợp chặt chẽ các ngành chức năng, đồng loạt "ra quân" với những biện pháp quyết liệt, bài bản.

Đoàn kết trên dưới một lòng, “tương thân tương ái”

Đảng lãnh đạo, soi đường, Chính phủ đồng hành dẫn lối, nhưng quyết định thắng lợi phải kể đến sự đồng thuận, đoàn kết trên dưới một lòng “chống dịch như chống giặc” của các lực lượng, giai tầng trong xã hội. Quân đội, công an, y tế và báo chí, những người làm công tác thông tin tuyên truyền cũng đã không ngừng khẳng định vai trò xung kích trên tuyến đầu chống dịch, không một phút giây ngơi nghỉ, sẵn sàng hi sinh những nhu cầu cá nhân, thậm chí cả tính mạng để lại gia đình phía sau, lên tuyến đầu chống dịch không hẹn ngày trở về. Các doanh nghiệp, các đơn vị kinh tế... đã tự nguyện chấp nhận thiệt hại lợi ích trước mắt để phục vụ nhiệm vụ chống dịch. Nhân dân cả nước hưởng ứng mạnh mẽ Lời kêu gọi quyên góp của Chính phủ để mua sắm thêm thiết bị y tế chữa bệnh cũng như trợ giúp cuộc sống khó khăn của những đối tượng yếu thế trong xã hội. Những khẩu hiệu có tính hiệu triệu, động viên, phổ biến chủ trương, biện pháp, hướng dẫn được người dân tuân thủ, tự nguyện làm theo… Hơn bao giờ hết, tinh thần đoàn kết và lòng yêu nước nồng nàn của người Việt lại trào dâng như muôn vàn con sóng lớn cùng đổ ra biển khơi. Từ lòng yêu nước được thể hiện bằng việc xung phong ra tiền tuyến giết giặc, giờ đây lại thấm nhuần thành một lẽ đơn giản nhưng là đối sách then chốt quyết định thành, bại của cuộc chiến "không ra khỏi nhà là yêu Tổ quốc", “ở nhà là yêu nước”…

Không chỉ có vậy, đằng sau thông điệp chấp nhận hi sinh để bảo đảm tính mạng và sức khỏe của người dân là cả thực tế khốc liệt, là cơm áo gạo tiền, là mưu sinh miếng cơm manh áo. Ở một góc độ, chính những “con cá, lá rau" ấy cũng tác động tiêu cực lại đời sống của người dân. Vậy là, sự năng động, sáng tạo, trí tuệ và bản lĩnh của con cháu Lạc Hồng tiếp tục được phát huy cao độ vào thực tế cam go.

Tỏa sáng tinh thần chiến thắng 30/4 trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra tại xe xét nghiệm cơ động, Viện Y học dự phòng Quân đội. Ảnh TTXVN

Đó là khi thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, cả nước bước vào giai đoạn giãn cách xã hội nhằm hạn chế dịch COVID-19 lây lan, nhiều người nghèo, lao động chân tay, bán hàng rong, vé số… lâm vào cảnh mất việc vì không thể đi làm. Với tinh thần “tương thân tương ái”, nhiều mô hình, cách làm từ thiện mới đã xuất hiện. Hàng trăm điểm phát miễn phí gạo, cơm, thực phẩm, khẩu trang... ra đời, lan truyền mạnh mẽ thông điệp đầy tính nhân văn với những tấm băngrôn: “Nếu khó khăn cứ lấy một phần - Nếu bạn ổn xin nhường cho người khác”. Máy “ATM gạo” dành cho người nghèo đã tạo thành làn sóng cứu trợ mạnh mẽ khắp cả nước. Cây “ATM gạo” tuôn trào những hạt gạo chứa chan tình yêu thương của cộng đồng xuất hiện ở Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Tây Nguyên, Long An, Đồng Nai… đã giúp những người dân gặp khó được ấm lòng. “Siêu thị hạnh phúc - 0 đồng”, Chợ Nhân đạo mở tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước, cung cấp các mặt hàng thiết yếu cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng chính sách xã hội, những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhất là công nhân, lao động tự do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Những hành động thiện nguyện của các tổ chức, cá nhân đã phần nào làm vơi bớt khó khăn của người dân nghèo, nhóm yếu thế trong xã hội, để không ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến cam go. Những việc làm này cũng thể sức mạnh đoàn kết, truyền thống yêu nước, tinh thần tương thân, tương ái từ ngàn đời nay của dân tộc ta, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, khẳng định tính ưu việt và bản chất tốt đẹp của chế độ ta, của hệ thống chính trị nước ta. Trong những lúc khó khăn, gai góc nhất, mỗi người dân Việt Nam lại thể hiện bản sắc, tinh thần dân tộc, tô thắm truyền thống quý báu của Đảng ta, dân tộc ta và bản lĩnh, ý chí, khí chất con người Việt Nam.

Báo The Straits Times của Malaysia bình luận rằng “Việt Nam không phải đất nước phát triển nhất thế giới nhưng chắc chắn là một trong những quốc gia nhân ái nhất”.

Cũng thật đáng lưu tâm với góc nhìn của Viện trưởng Viện Văn hóa Chile-Việt Nam đăng trên tờ Diaro U Chile: "Vì sinh mệnh con người, Việt Nam đã xét nghiệm miễn phí từ 8 nghìn tới 10 nghìn người/ ngày… Việt Nam đã và sẽ chiến đấu bằng sự dũng cảm mà họ đã làm trong 45 năm trước đây (năm 1975) trong một cuộc chiến khác, bởi họ hiểu những giá trị và bài học lịch sử theo cùng với họ, đã là vũ khí mạnh mẽ…".

Xuân Lan
Theo Công lý

Từ khóa: