Sự kiện hot
5 năm trước

Tổng công ty Phong Phú 'nhẹ nhàng' thoái vốn khỏi đất vàng Dệt Đông Nam

Việc thoái vốn theo kiểu "nhỏ giọt" của Phong Phú Corp tại dự án 727 Âu Cơ, chắc hẳn phải dựa theo tinh thần chỉ đạo của công ty mẹ - Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), hay cụ thể hơn, là của những người đại diện phần vốn nhà nước tại đây.

det-dong-nam-nhadautu.vn
Khu đất rộng hơn 5,7ha của CTCP Dệt Đông Nam trên đường Âu Cơ (quận Tân Phú) đã được quy hoạch làm dự án bất động sản

Đất vàng dệt may

Trung tuần tháng 5/2019, Công ty Chứng khoán BSC có thông báo đấu giá cổ phần CTCP Dệt Đông Nam thuộc sở hữu của Tổng công ty CP Phong Phú (Phong Phú Corp). Việc thoái vốn được thực hiện theo Quyết định số 246 ngày 13/5/2019 của HĐQT Phong Phú Corp.

Theo đó, Phong Phú Corp chào bán trọn lô 1.509.256 cổ phần, tương đương 25% cổ phần trong tổng số 60,99% vốn điều lệ của Dệt Đông Nam với mức giá khởi điểm 18.777 đồng/CP, tổng giá trị đấu giá 28.339.299.912 đồng.

Phiên đấu giá sau đó chừng 3 tuần, vào ngày 6/6/2019 đã diễn ra khá "nhẹ nhàng", khi 1 trong 3 nhà đầu tư tổ chức đăng ký tham gia đã bỏ cao hơn vỏn vẹn 900 triệu đồng để trở thành cổ đông sở hữu 1/4 vốn Dệt Đông Nam.

Dệt Đông Nam là doanh nghiệp có tiếng ở phía Nam với ngành nghề chính là kinh doanh thương mại các mặt hàng xơ sợi, vải dệt và nguyên phụ liệu ngành dệt may. Năm 2018, Dệt Đông Nam đạt doanh thu 256 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 4,3 tỷ đồng. Hiện công ty đang triển khai dự án nhà máy sợi quy mô 47.712 cọc, công suất 8.000 tấn sản phẩm/năm ở Khu công nghiệp Trà Kha (tỉnh Bạc Liêu).

Dù vậy, vài năm gần đây, thành viên Phong Phú Corp lại được chú ý nhiều hơn với khu đất hơn 5,7ha trên chính trụ sở của mình - 727 Âu Cơ, Quận Tân Phú, TP.HCM. Chính vì vậy, đợt thoái vốn có phần kín tiếng (không thông qua Sở giao dịch chứng khoán) của Phong Phú Corp tại Dệt Đông Nam càng thêm phần "bí hiểm", nhất là khi lô đất hai mặt tiền tại quận Tân Phú đã được lập dự án bất động sản và phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500.

Dự án được UBND TP.HCM chấp thuận đầu tư theo Quyết định 877/QĐ-UBND ngày 3/3/2015 và chấp thuận CTCP Dệt Đông Nam làm chủ đầu tư dự án theo văn bản số 5096/UBND-ĐTMT ngày 28/8/2015. Dự án có tên đầy đủ là Dự án khu nhà ở - Trung tâm thương mại và Siêu thị Đông Nam với quy mô 1.170 căn hộ chung cư, 85 căn liền kề và 7 căn biệt thự với tổng vốn đầu tư 3.056 tỷ đồng; diện tích quy hoạch 57.462,4 m2, diện tích xây dựng 17.342,2 m2, tổng diện tích sàn 132.163,5 m2.

Ở trung tâm TP.HCM, những khu đất dưới dạng công xưởng, nhà máy di dời không còn nhiều (phần lớn đã chuyển thành dự án bất động sản). Lô đất hơn 5,7ha nằm ở vị trí đắc địa bậc nhất quận Tân Phú theo đó trở nên đặc biệt hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư.

Vì sao chỉ bán 25%?

Phong Phú Corp thành lập Dệt Đông Nam từ năm 2007 với tỷ lệ sở hữu theo Điều lệ là 66,12%. Từ mức ban đầu 48 tỷ đồng, vốn điều lệ hiện nay của Dệt Đông Nam đã tăng lên 60,37 tỷ đồng và phần vốn của Phong Phú Corp giảm về còn 60,99%.

Bản thân Phong Phú Corp được cổ phần hoá cuối thập niên trước, tới nay vẫn là công ty con 51% vốn của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) - trong khi Vinatex vẫn do nhà nước (thông qua SCIC) chi phối với tỷ lệ 53%. Qua đó, có thể thấy vai trò quyết định của cổ đông nhà nước trong các vấn đề tại Phong Phú Corp - bao gồm cả thương vụ thoái vốn khỏi Dệt Đông Nam.

Phong Phú Corp là tên tuổi lớn trong lĩnh vực dệt may, song cũng là nhà đầu tư bất động sản chuyên nghiệp một thời với tham vọng không nhỏ, được biết đến với loạt dự án đình đám như Green Pearl 378 Minh Khai (Hà Nội) gần 3ha, dự án KĐT Sinh thái Đồng Mai (Phú Lãm, Hà Đông, Hà Nội) rộng 226ha, hay đáng chú ý không kém là bộ đôi dự án hợp tác với Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri): Dự án Khu nhà ở tại phường Phước Long B quy mô 3,7ha và dự án Cụm công nghiệp Láng Le - Bàu Cò có diện tích 94ha. Cả hai dự án này vừa qua đã bị Kiểm toán Nhà nước chỉ ra loạt sai phạm liên quan đến công tác quản lý sử dụng đất tại Sagri.

Những năm gần đây, Phong Phú Corp đã và đang rậm rịch rút khỏi lĩnh vực bất động sản, với áp lực thoái vốn ngoài ngành từ tập đoàn mẹ Vinatex. Trên tinh thần đó, động thái rút lui của Phong Phú tại đất vàng Dệt Đông Nam không phải diễn biến bất ngờ. Dù vậy, chi tiết đáng chú ý là vì sao Phong Phú lại bán cổ phần Dệt Đông Nam theo kiểu "nhỏ giọt" với tỷ lệ chỉ 25%, mà không phải trọn lô chi phối 60,99% với sự hấp dẫn chắc chắn là lớn hơn rất nhiều?

Câu trả lời có chăng chỉ những người trong cuộc mới nắm tường tận, biết rằng sau phiên đấu giá, tỷ lệ sở hữu của Phong Phú Corp trong Dệt Đông Nam chỉ còn 35,99%, vừa đủ để rơi xuống dưới ngưỡng phủ quyết 36% và gần như không còn nhiều tiếng nói tại doanh nghiệp này.

Trong bối cảnh như vậy, vấn đề được quan tâm hơn cả là ai đã mua 25% cổ phần Dệt Đông Nam trong phiên đấu giá cách đây hơn 3 tháng. Bài viết tới đây về chủ đề "Cổ đông chiến lược kín tiếng của Dệt Đông Nam" sẽ giúp hé lộ phần nào câu hỏi trên.

Xuân Tiến
Theo Nhà đầu tư

Từ khóa: