Sự kiện hot
4 năm trước

Tổng tài sản các ngân hàng tăng hơn 1 triệu tỉ đồng trong năm 2019

Năm 2019, tổng tài sản của 24 ngân hàng khảo sát tiếp tục tăng, trong đó có những ngân hàng tăng tới trên 32%.

Số liệu từ báo cáo tài chính hợp nhất và thông tin công bố từ 24 ngân hàng trong nước cho biết tổng tài sản của các ngân hàng tiếp tục tăng trưởng trong năm 2019 đạt 9,36 triệu tỉ đồng, tăng 13,2% so với năm trước.

Theo thống kê mới đây của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến hết ngày 30/11/2019, tổng tài sản toàn hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) đạt hơn 12 triệu tỉ đồng, tăng 9,12% so với cuối năm 2018. 

Nhóm các ngân hàng có vốn lớn của Nhà nước tiếp tục là nhóm dẫn đầu với mức tài sản cao nhất đều trên 1 triệu tỉ đồng, chiếm tỉ trọng gần 58% trong số 24 ngân hàng khảo sát. Trong đó, BIDV là ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất với gần 1,49 triệu tỉ đồng, tiếp đó là BIDV, VietinBank và Vietcombank.

Xét về con số tương đối, VietinBank là ngân hàng có mức tăng tài sản thấp nhất trong nhóm chỉ với 6,6% trong khi ba "ông lớn" còn lại đều tăng trên 13%. Nguyên nhân dẫn tới sự tụt hậu này của VietinBank đến từ sự hạn chế về tăng trưởng cho vay của ngân hàng do không thực hiện được tăng vốn điều lệ. 

Năm 2019, cho vay khách hàng của VietinBank chỉ tăng 8,1% trong khi ba ngân hàng còn lại đều tăng từ 11,3% - 16,3%.

Biến động tổng tài sản các ngân hàng trong năm 2019

Tổng tài sản các ngân hàng tăng hơn 1 triệu tỉ đồng trong năm 2019 - Ảnh 1.
Nguồn: Trúc Minh tổng hợp.

Tại nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần, Sacombank là ngân hàng có tài sản lớn nhất trong nhóm khảo sát với hơn 453 nghìn tỉ đồng, tăng 11,7% trong năm 2019. Top 5 ngân hàng cổ phần có tài sản lớn nhất đã công bố báo cáo tài chính quí IV/2019 gồm: Sacombank, MB, Techcombank, ACB và VPBank.

Đáng chứ ý, có nhiều ngân hàng cổ phần có mức tăng tổng tài sản cao trên 20%, thậm chí một số còn tăng trên 30% như VIB (tăng 32,6%) hay VietBank (tăng 33,5%). 

Có thể thấy rằng, cho vay khách hàng là tài khoản chiếm tỉ trọng lớn nhất trong tổng tài sản của các ngân hàng (từ 47,2% - 77,2%), do đó tăng trưởng của khoản mục này ảnh hưởng lớn tới tăng tổng tài sản.

Với tăng trưởng cho vay trên 34% trong năm 2019, mức tăng tổng tài sản của VIB không quá bất ngờ. Còn tại VietBank, với tăng trưởng cho vay chỉ ở mức trên 15%, mức tăng tài sản còn chịu ảnh hưởng từ nhiều khoản mục khác như: tiền gửi tại NHNN tăng lên gấp gần 4 lần; chứng khoán đầu tư gấp 2,5 lần; tài sản có khác gấp 1,8 lần.

Tăng trưởng về qui mô của các ngân hàng Việt cho thấy động lực phát triển của ngành ngân hàng vẫn khá mạnh. 

Theo nhận định của CTCP Chứng khoán BIDV (BSC), ngành ngân hàng được đánh giá khả quan trong năm 2020 với sự cải thiện của CAR và NIM. BSC cho rằng tỉ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) của ngành ngân hàng sẽ tăng nhẹ nhờ lãi suất cho vay và huy động có thể tiếp tục giảm nhẹ hỗ trợ tăng trưởng chung toàn thị trường.

Đồng thời, tỉ lệ an toàn vốn (CAR) Basel I của các ngân hàng niêm yết đang ở mức trung bình 11,4% trong năm 2019 và sẽ có khả năng tăng lên 12,1% trong năm 2020.

Trúc Minh

Theo Kinh tế & Tiêu dùng

Từ khóa: