Sự kiện hot
12 năm trước

Trang viết của thiếu nữ sống tầm gửi nơi sàn nhảy

“Lần nào đến thăm tôi, mẹ cũng khóc, những giọt nước mắt như ngàn vết dao đâm vào tâm can tôi, chưa bao giờ tôi thấy ân hận đến thế. Tôi muốn gào thét lên và tự hỏi, có ai thấu hiểu nỗi nhọc nhằn mưu sinh mà bao năm qua mẹ vất vả tảo tần nuôi tôi khôn lớn”.

“Lần nào đến thăm tôi, mẹ cũng khóc, những giọt nước mắt như ngàn vết dao đâm vào tâm can tôi, chưa bao giờ tôi thấy ân hận đến thế. Tôi muốn gào thét lên và tự hỏi, có ai thấu hiểu nỗi nhọc nhằn mưu sinh mà bao năm qua mẹ vất vả tảo tần nuôi tôi khôn lớn”.

Để có thể trụ lại ở thành phố khi trong túi chỉ có một số tiền ít ỏi, Mai Anh đã xin vào làm nhân viên phục vụ bàn ở một quán cà phê sang trọng. Mong muốn lớn nhất của cô lúc này là làm thế nào để kiếm được thật nhiều tiền. Tuy nhiên, mong muốn kiếm tiền bằng mọi giá của Mai Anh đã làm thay đổi cả cuộc đời cô. Ngồi trong trại giam Ngọc Lý (huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang), thiếu nữ lầm lỡ này đã kể với chúng tôi về quãng đường tội lỗi của mình.

Tuổi thơ bất hạnh

Chúng tôi gặp đại tá Phan Đình Phấn, người đã có thâm niên 15 năm công tác tại trại giam Ngọc Lý, Tân Yên, Bắc Giang. Với dáng người nhanh nhẹn, khuôn mặt nghiêm nghị, anh được xem là người thầy không bục giảng, bởi học trò của anh đều là người có vết nhơ trong quá khứ. Biết chúng tôi muốn gặp một số phạm nhân để tìm hiểu hoàn cảnh phạm tội cũng như mong muốn hoàn lương của họ, đại tá Phấn giới thiệu phạm nhân Trần Thị Mai Anh.

Trần Thị Mai Anh (sinh năm 1992) sinh ra trong gia đình thuần nông, nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình phụ thuộc vào vài sào ruộng và đồng tiền đi chợ ít ỏi của mẹ cô. Khó khăn về vật chất khiến không khí nặng nề luôn bao trùm trong ngôi nhà này. Bố mẹ Mai Anh đến với nhau theo sự sắp đặt của gia đình hai bên mà không có tình yêu, hai con người gắn bó với nhau chỉ vì nghĩa vụ, không hề có sự hòa hợp và tiếng nói chung. Hôn nhân không có tình yêu dẫn đến mâu thuẫn, những cuộc xung đột cãi vã diễn ra triền miên mà không có gì để hàn gắn được.

Ảnh minh họa

Mai Anh nhớ lại: "Năm 16 tuổi, bố mẹ cháu chia tay nhau. Trước đó cháu đã luôn phải chứng kiến những cuộc cãi vã kéo dài của bố mẹ. Là đứa con duy nhất trong gia đình, mọi yêu thương, chiều chuộng của mẹ đều dành cho cháu. Cháu có thể làm bất cứ điều gì mình muốn mà không bao giờ bị bố mẹ trách mắng. Trong con người cháu lúc ấy luôn có sự ngang tàng, thích tìm hiểu những cái mới. Tuy nhiên, điều cháu cần là tình yêu thương của bố mẹ. Thời gian sau đó, cháu trở nên bàng quan với mọi thứ xung quanh, chỉ biết sống cho bản thân mình và mong muốn có thật nhiều tiền một cách nhanh nhất. Cháu nghĩ rằng có tiền sẽ thoát khỏi cảnh sống nghèo khó mà không phải bon chen vất vả và có được tất cả những thứ mà mình muốn".

Sau khi cha mẹ ly hôn, Mai Anh bỏ học và trốn lên Hà Nội. Đây được coi là bước ngoặt trên con đường tội lỗi của cô gái xuất thân từ miền quê nghèo này. Đặt chân lên đất Hà thành, Mai Anh bị choáng ngợp bởi đô thị sầm uất, khác xa với lũy tre làng, đồng ruộng nơi mà cô sinh ra. Để có thể trụ lại ở thành phố khi trong túi chỉ có một số tiền ít ỏi, Mai Anh đã xin vào làm nhân viên phục vụ bàn ở một quán cà phê sang trọng. Mong muốn lớn nhất của Mai Anh lúc này là kiếm được thật nhiều tiền. Tuy nhiên, mong muốn kiếm tiền bằng mọi giá của Mai Anh đã làm thay đổi cả cuộc đời cô.

Từ sàn nhảy đến nhà tù

Sinh ra và lớn lên ở nông thôn, nhưng Mai Anh lại sở hữu một khuôn mặt khả ái, nước da trắng hồng với một vóc dáng cao ráo. Cô được coi là hoa khôi của trại giam Ngọc Lý. Bản thân là người khá thông minh cộng với nhan sắc, cái duyên trời cho, Mai Anh nhanh chóng trở thành “sao” của quán cà phê đó. Rất nhiều cậu ấm ăn chơi đua đòi, công tử bột đến làm quen, tiếp theo đó là những lời tán tỉnh, những cuộc hẹn hò đi chơi... Sẵn trong người sự đua đòi, bản tính tò mò của tuổi mới lớn, Mai Anh đã vùi thân mình vào các cuộc chơi không có điểm dừng.

Tâm sự với chúng tôi, Mai Anh lí nhí: "Để khẳng định mình trong các cuộc chơi và để có tiền, cháu nhanh chóng bị cuốn theo các cuộc tụ tập trên sàn mà không cần biết đến ngày mai. Trong các cuộc chơi đó, cháu đã nhanh chóng phát hiện ra cách kiếm tiền nhanh nhất, lợi nhuận lớn nhất và bắt mối để lấy thuốc lắc bán. Trước đó, để hiểu về nó (thuốc lắc - PV) cháu đã sử dụng và điên cuồng trong những cuộc giao du bất tận với dân chơi Hà thành. Vì là chỗ quen biết, họ đã giao trước thuốc lắc cho cháu, khi nào bán được, mới thu tiền. Vừa bán, vừa sử dụng, bằng những hành vi phi pháp ấy, cháu đã kiếm được rất nhiều tiền. Có tiền trong tay, cháu mua cho mình những bộ quần áo hàng hiệu đắt tiền và trở thành dân chơi có hạng".

Sau khi buôn bán thứ hàng giúp người ta điên loạn đó, Mai Anh quen biết rất nhiều người được gọi là dân chơi. Họ đều là cậu ấm cô chiêu con nhà giàu có. Cô giúp các dân chơi vui vẻ, cháy hết mình bằng những viên thuốc lắc. Thế rồi, có lẽ gieo nhân nào, gặt quả đó, cô đã bị bắt quả tang khi đang bán 20 viên thuốc lắc vào sàn nhảy cho những dân chơi không bến đỗ.

Bị bắt vì tội mua bán trái phép chất ma túy, ngày 23/3/2010, Mai Anh bị toà xử phạt 48 tháng tù giam. Ân hận, hối tiếc cũng đã muộn. Những giọt nước mắt đau đớn tột cùng của người mẹ tất đều được tái hiện trong bài viết của Mai Anh về mẹ trong cuộc thi: "Sự hối hận và niềm tin hướng thiện" do trại giam tổ chức.

Mong muốn kiếm tiền bằng mọi giá, nhiều cô gái đã phải trả giá cuộc đời mình trong trại giam.

"Chỉ vì suy nghĩ nông cạn, vì những sai lầm đáng tiếc và sự ăn chơi đua đòi của tuổi trẻ, bởi những cám dỗ vật chất tầm thường mà cuộc đời tôi bước sang một trang mới với nhiều đau đớn và buồn bã. Trong khi những người bạn của tôi có cuộc đời rộng mở biết bao nhiêu thì tôi lại bước vào con đường tăm tối bấy nhiêu. Tôi ân hận lắm, tự hỏi mình tại sao, cùng trang lứa như mình các bạn lại có những suy nghĩ hành động không giống tôi? Phải chăng vì tôi muốn thể hiện mình, muốn sành điệu, muốn có nhiều tiền mà không phải lao động vất vả? Tôi tự dằn vặt mình rất nhiều, nhưng dường như đã quá muộn màng, người mà tôi cảm thấy có lỗi nhất là mẹ tôi.

Kể từ khi tôi bị bắt trông mẹ già và tiều tụy đi rất nhiều. Lần nào đến thăm tôi, mẹ cũng khóc, những giọt nước mắt như ngàn vết dao đâm vào tâm can tôi, chưa bao giờ tôi thấy ân hận đến thế. Tôi muốn gào thét lên và tự hỏi, có ai thấu hiểu nỗi nhọc nhằn mưu sinh, nỗi lo cơm áo gạo tiền mà bao năm qua mẹ vất vả tảo tần nuôi tôi khôn lớn, tôi muốn bù đắp cho mẹ ngàn lần, muốn chăm sóc mẹ ngàn lần, muốn gần gũi mẹ ngàn lần, nhưng điều đó càng mãnh liệt bao nhiêu thì tôi lại cảm thấy bất lực bấy nhiêu" - Đó là những dòng tâm sự do Mai Anh viết tại cuộc thi.

"Khi phạm sai lầm, người ta thường đổ lỗi cho hoàn cảnh. Họ không hề nghĩ rằng con người chỉ có thể bộc lộ hết bản chất và phẩm giá của mình khi họ ở vào những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất. Đặc biệt mọi hành vi vi phạm, hay nói cách khác mọi tội lỗi đều do con người chứ không phải do hoàn cảnh. Nhưng cháu tin mọi thứ sẽ không có gì là muộn khi con người ta biết ăn năn hối cải, biết sửa chữa và hướng thiện", Mai Anh tâm sự.

Kể từ khi "nhập trại", Mai Anh đã được quản giáo là chị Cao Thị Giang chỉ bảo, giúp đỡ ân cần. Mai Anh cho biết: "Cán bộ Giang dạy cho cháu dán giấy bạc (công việc trong trại giam - PV) bằng sự tận tình, gần gũi. Cháu luôn xem cán bộ Giang như cô giáo ngày xưa của mình. Nếu có khác thì cán bộ Giang không phải là một cô giáo đứng trên bục giảng dạy cho cháu kiến thức học đường mà là người cảm hóa những “học trò” mang trong mình tội lỗi như đến bến bờ hoàn lương".

Phải chăng chỉ khi cuộc đời xảy ra biến cố, người ta mới thay đổi suy nghĩ? Sau khi chào chúng tôi và cán bộ Phấn, Mai Anh đứng dậy đi vào hàng cùng những phạm nhân khác. Không gian như ảm đạm hơn dưới tiết trời mùa đông. Cánh cửa trại giam khép lại phía sau lưng chúng tôi. Lúc này, những phạm nhân trong trại vẫn đang lao động miệt mài. Họ đang "trả nợ" cho những tội lỗi do mình gây ra và mong một ngày được trở lại cuộc sống bình thường như bao người khác...

Lương Liễu - Hoàng Long
Theo Người đưa tin

Từ khóa: