Sự kiện hot
6 năm trước

Tranh luận về ‘đồng phục’ trụ sở 500 ủy ban phường, xã

Đơn vị tư vấn đề nghị các trụ sở thống nhất hình ảnh nhận diện, hình khối ngôn ngữ kiến trúc, bố cục, vật liệu xây dựng hoàn thiện và màu sắc.

Mới đây, tại cuộc họp giao ban trực tuyến của TP Hà Nội, giám đốc Sở Xây dựng cho biết các cơ quan chuyên ngành đang tổng hợp ý kiến quận, huyện về phương án thiết kế mẫu trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn.

Theo báo cáo của Sở KH&ĐT TP Hà Nội về kết quả kiểm tra thực trạng và nhu cầu đầu tư trụ sở xã, phường trên địa bàn TP giai đoạn 2016-2020, có 483 trụ sở có thể áp dụng thiết kế mẫu, trong đó trụ sở cần xây mới là 75, bổ sung hạng mục 136 trụ sở và 118 đơn vị chỉ cần cải tạo lại.

Đặt ra tiêu chí để có sản phẩm tốt

Theo anh Gia Quang (Xuân Đỉnh, Hà Nội), việc đặt ra quy chuẩn là cần thiết vì nhiều địa phương đang đổ tiền xây dựng những trụ sở hoành tráng, hoàn toàn không cần thiết, tương xứng với nhu cầu sử dụng. “Theo tôi, mục đích của đề án này là tạo ra cái khung để các địa phương không tự tung tự tác, sử dụng lãng phí ngân sách” - anh Quang góp ý.

Đồng tình, anh Việt Hưng (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng cho rằng ở các nước tiên tiến, cơ quan công quyền thường ở trong các tòa nhà cổ, có giá trị về văn hóa, lịch sử như tòa nhà UBND TP.HCM hiện tại. Nếu xây lại thì họ mới tuân theo kiểu mẫu đã được quy định.

Đó là xu hướng tất yếu của đô thị loại mới, hướng tới sự thống nhất về cả hình thức và công năng của các tòa nhà hành chính. Đặt tiêu chí để tạo ra những sản phẩm tốt, có tính biểu tượng, phù hợp, không có dấu hiệu lãng phí, tạo được lòng tin cho dân. Nếu lo ngại về mặt thẩm mỹ của công trình thì có thể tổ chức thi thiết kế mẫu nhà, trưng cầu dân ý để đạt đồng thuận như cách chúng ta làm với công trình nhà Quốc hội, sân bay Long Thành.

Ngược lại, cũng có bạn đọc phản đối vì: “Mục đích của việc đồng phục này chưa rõ nhưng hậu quả có thể gây tốn kém nếu sửa chữa đồng loạt. Hơn nữa, nếu vào trụ sở, văn phòng nào cũng như nhau thì sẽ rất nhàm chán”.

Tranh luận về ‘đồng phục’ trụ sở 500 ủy ban phường, xã - ảnh 1
Mô hình thiết kế ủy ban trong đề án của Sở Quy hoạch-Kiến trúc.

Cần cân đối hài hòa trong tổng thể

Ngược với các ý kiến trên, TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, cho rằng việc xây dựng công trình hành chính công giống nhau là quay lại mô típ của rất nhiều năm trước, cả tòa nhà lẫn trang thiết bị bên trong đều giống nhau.

Theo ông, các đơn vị này nên chú trọng chuẩn hóa các chi tiết bên trong để phục vụ người dân tốt hơn. Cái cần đặt ra là một quy định cụ thể để xây dựng các trung tâm này không xa hoa, hiệu quả trong sử dụng. Kiến trúc có thể khác nhau nhưng nằm trong khuôn khổ về chi phí, quy chuẩn về hình thức. “Cái gì đang dùng tốt thì nên dùng, đừng phí tiền sửa chữa chỉ để giống nhau” - ông nhấn mạnh.

Trong khi đó, kiến trúc sư Nguyễn Vũ Mai Hân cho rằng bất kỳ đô thị nào cũng có đặc trưng và các lớp hình thái riêng. Một công trình khi thiết kế phải đặt trong mối quan hệ tương quan, phù hợp thẩm mỹ với môi trường xung quanh. Công trình ở gần mặt nước sẽ khác với ở trong khu dân cư, công trình hướng Đông khác với công trình hướng Tây. Vì vậy không thể “đồng phục” toàn bộ trụ sở UBND phường, xã được.

“Nếu nói thay đổi này là để tạo đặc điểm nhận diện dễ dàng cho người dân thì cũng chưa chắc. Đặc điểm nào đảm bảo được tính ký hiệu học của UBND? Cổ điển hay hiện đại, có căn cứ không hay chỉ chạy đua theo một hình thức tạm thời? Đâu ai đảm bảo hình thức này sẽ không thay đổi. Chưa kể các ủy ban này ở xa nhau, sự đồng nhất này là không cần thiết” - bà chất vấn.

Đề án không nhằm xây mới các trụ sở cũ

Trước thông tin Hà Nội đang lấy ý kiến về đề án trên, lãnh đạo nhiều phường tỏ ra bất ngờ. Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hồng (Chủ tịch UBND phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm) cho hay mới biết thông tin qua báo chí.

“Phường Phú Đô thành lập được năm năm, hiện địa điểm hoạt động vẫn phải đi thuê. Tôi tán thành việc TP ra một quy chuẩn thiết kế, xây dựng chung để xây dựng trụ sở tiết kiệm, văn minh, hiện đại” - bà Hồng nói.

Còn ông Trần Nam Sơn (Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng) thì nói: “Theo tôi hiểu, đây chỉ là quy chuẩn chung để sau này sửa chữa hoặc xây mới trụ sở các xã, phường thì sẽ thực hiện theo. Hiện tại cơ sở vật chất của phường đã đủ để đáp ứng phục vụ người dân rồi, không cần cải tạo, sửa chữa gì dù những năm gần đây dân số phường đã gia tăng tới 5 vạn, gấp khoảng ba lần so với dân số trung bình của các phường khác tại nội thành Hà Nội”.

Với tư cách là đơn vị được lấy ý kiến cho đề án này, ông Đồng Phước An, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Hà Nội, nhận định: “Đề án không phải là xây mới hết các trụ sở xã, phường. Nếu thực hiện theo các phương án đề ra sẽ tiết kiệm được đất, kinh phí vì quy mô xã, phường phù hợp hơn”.

Theo phương án mới, công trình các trụ sở tại khu vực trung tâm nội đô sẽ có diện tích 300-2.000 m2, mật độ xây dựng tối đa 70%, cao tối đa sáu tầng.

Khu vực đô thị trung tâm mở rộng, đô thị vệ tinh, thị trấn mật độ dân cư cao, ngưỡng diện tích là 880-3.900 m2, mật độ xây dựng 40%, cao tối đa năm tầng.

Khu vực các xã và thị trấn mật độ dân cư thấp, diện tích đất phù hợp 1.530-4.100 m2, mật độ xây dựng 25%-30%, cao không quá ba tầng.

Hà Nội hiện có 584 trụ sở xã, phường, thị trấn. Giai đoạn 2011-2015, các quận, huyện đã đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp 290 trụ sở cấp xã với tổng vốn bố trí trên 1.600 tỉ đồng.

Theo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh 

Từ khóa: