Sự kiện hot
6 năm trước

Tròn mắt chiêm ngưỡng vườn su hào treo trên sân thượng của gia đình ở Hà thành

Từng chậu su hào được sắp xếp ngay ngắn xung quanh khu vườn sân thượng của chị Nga khiến nhiều không thể rời mắt.

Gia đình chị Bùi Thị Nga hiện đang sinh sống tại thủ đô Hà Nội. Nếu có dịp ghé thăm khu vườn của gia đình chị, hẳn bất kỳ ai cũng sẽ vô cùng ngưỡng mộ và thích thú khi được ngắm nhìn những chậu su hào treo được chị sắp xếp cẩn thận và đẹp mắt.

Là người có khá nhiều kinh nghiệm trong việc trồng trọt nên chị đã tạo cho gia đình mình một vườn rau sạch ăn không hết, trong đó có những chậu su hào treo ai nhìn cũng đều mê tít.

.Chị Nga áp dụng cách trồng mỗi cây su hào vào một giỏ treo và nhận thấy cây phát triển nhanh, củ to, mập, đồng thời tiết kiệm được nhiều diện tích kê chậu.

Chia sẻ kinh nghiệm trồng su hào trong chậu treo, chị chia sẻ: Về đất trồng nên chọn đất pha cát hoặc đất thịt nhẹ để tơi xốp và thoát nước tốt , sau đó trộn đất với phân gà để cho cây su hào phát triển.

Trước khi gieo nên ngâm hạt với nước ấm theo tỉ lệ 1:2, 1 ấm và 2 lạnh trong khoảng thời gian 15 phút. Sau khi lớp vỏ ngoài đã mềm ra thì bạn bắt đầu gieo và sâu từ 0.3 - 0.5 cm dưới bề mặt đất ẩm.

Sau khi gieo hạt vào trong đất chú ý tưới nước ẩm bề mặt đất hàng ngày. Những lá mầm đầu tiên sẽ bắt đầu nhú lên sau khoảng 1 tuần. Những ngày sau đó đều đặn tưới 2 lần vào buổi sớm và chiểu mát.

Chị Nga cho biết: "Khi trồng su hào trong chậu nên chỉ trồng 1 củ. Do tán của su hào khi phát triển sẽ rất rộng nên trồng thưa sẽ giúp phần củ phía dưới đón được nhiều ánh nắng, có đủ dinh dưỡng để phát triển."

Chị không quên bật mí :" Khoảng 1 tuần sau khi cây bén rễ, lúc này tiến hành bót lót đợt 1 bằng phân gà. Cứ khoảng 20 ngày thì tiến hành bón đợt tiếp theo. Mỗi lần bón phân kết hợp với nhổ cỏ và vun xới."

Trong quá trình su hào phát triển nên thường xuyên kiểm tra mặt dưới lá của cây để sớm phát hiện rệp hoặc sâu hại. Khi thấy lá có lỗ thủng nghĩa là sâu bướm ghé thăm. Lá bị cong là do rệp chích hút. Lúc này nên thường xuyên xới xáo đất trồng để đất thể không bị bí chặt và cắt tỉa những lá già, lá sâu bệnh tạo điều kiện thông thoáng cho cây phát triển thuận lợi, ngăn ngừa sâu bệnh.

Khi cây từ 30-40 ngày chỉ tưới nước đủ ẩm.

Nếu chăm sóc đúng cách, 40 ngày sau khi gieo hạt, thân su hào bắt đầu phình ra tạo củ. Ban đầu, củ có hình cầu dài rồi dần dần tròn hơn và phình to ra. 10 ngày sau, củ sẽ có đường kính khoảng 5cm là đạt yêu cầu.

Khi thu hoạch su hào cần lưu ý nhìn hình thái của cây để thu hoạch. Củ nào lá non không phát triển, ngắn thì chặt trước. Củ nào xanh non thì để lại để cho củ lớn thêm. Thu hoạch su hào ở độ tuổi từ 40-45 ngày, lúc này su hào đã bánh tẻ, ăn sẽ ngọt. Chị Nga cho hay.

Theo chị Nga, trồng rau trên sân thượng có thuận lợi là ít sâu, ánh sáng nhiều, cây nhanh lớn nhưng vất vả cũng không ít: khuân vác đất từ tầng một lên tầng 4, mưa bão cần chống đỡ cẩn thận, leo trèo mỗi ngày để chăm cây... Bù lại những công sức đó là sản lượng thu hoạch từ khu vườn lúc nào cũng "ăn không hết" và an toàn về chất lượng.

Bạn bè, người thân đến chơi ai cũng đều thích thú trước những chậu su hào trèo độc đáo và đẹp mắt của gia đình chị.

Từ ngày có khu vườn treo, ngày nào chị cũng có mặt trên sân thượng từ lúc sáng đến chiều tối để chăm chút các chậu cây trồng của mình. Chị tâm sự: "Rét như cắt hay nóng như đổ lửa thì cũng phải leo lên tầng 4 ngắm nghía, chăm sóc từng em một".

(Ảnh: NVCC)
Thanh Thảo
Theo ĐSPL, Vietnammoi

Từ khóa: