Sự kiện hot
3 năm trước

Trong vũng xoáy sốt đất

Ở những vùng tăng giá ảo, sốt giá, chính quyền địa phương và cơ quan quản lý ngành cần nhanh chóng vào cuộc, cung cấp thông tin rõ ràng để nhà đầu tư, thị trường thấy tiềm năng thật sự, hạn chế tình trạng đổ xô đi mua đất...

Nhiều người bỏ nghề đi buôn

Quy luật nước chảy về chỗ trũng là dễ hiểu, những câu chuyện kiếm tiền nhanh từ việc buôn bán bất động sản đang tác động vào tâm lý của đám đông một cách mãnh liệt.

Kinh doanh gần chục năm trong lĩnh vực sản xuất đồ nhựa, ông Quang gần đây ít đến công ty hẳn, cũng ít bàn đến chiến lược kinh doanh của công ty như mấy năm trước. Xoay quanh câu chuyện từ quán cafe đến hành lang phòng hợp đó là chuyện buôn bán đất đai. Tham gia thị trường nhà đất từ cuối năm 2018, đầu 2019, ông Quang bị cuốn vào câu chuyện kinh doanh ở thị trường này tới mức dường như quên mất mình đang là chủ doanh nghiệp sản xuất đồ nhựa! Chẳng lấy gì làm lạ khi mở đầu một cuộc họp của ông với đối tác câu chuyện mở đầu cũng chỉ là đất đai.

trong vung xoay sot dat

Ông Quang chia sẻ: “Ngành sản xuất làm cả chục năm không “đổi đời” mà cực quá, lợi nhuận tối đa 25-30%, trong khi đó bán một miếng đất tôi đã thu về gấp 5 lần số tiền bỏ ra!”. Năm 2019, ông Quang bỏ ra 10 tỉ đồng mua 4 miếng đất tại một địa bàn thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Vị trí đất cách sân bay Long Thành không quá xa, lại có sẵn khu cảnh quan thu hút các nhà đầu tư du lịch nghỉ dưỡng. Cuối năm 2020, sau đúng 11 tháng, ông Quang sang nhượng lại 2/4 miếng đất với giá trị tăng gấp 3 lần, ông Quang thu về 10 tỷ đồng. Số đất còn lại cũng đang được săn mua với giá tương tự nhưng ông Quang chưa bán.

Tương tự một số khu đất ông Quang sử dụng đòn bẩy tài chính mua tại một số điểm nóng có mức giá tăng từ 1-2 lần, thậm chí có miếng tăng tới 5 lần.

Không nằm ngoài “vũng xoáy” cơn “sốt” đất, anh Trung - chủ một doanh nghiệp xây dựng ở quận 2 cũng miệt mài đi địa phương, “lên non xuống bể” săn đất. Từ biệt thự, nhà phố ở Đà Lạt cho đến các khu đất rộng vài ha ở Bảo Lộc, Hồ Tràm (BR-VT)… đều có “dấu chân” của vị doanh nhân trẻ này. Trong công ty của anh Trung, một số nhân vật là kế toán, phó phòng đầu tư… thậm chí nhân viên lái xe riêng cũng tham gia vào thị trường bất động sản sau khi “đánh hơi” sếp mua khu vực nào mới.

Trong cơn sốt đất, gần như loại đất gì, ở đâu, mua làm gì, mua bao lâu… dường như không còn quá quan trọng. Họ chỉ quan tâm, ông A mua một bán hai, bà B đầu tuần mua cuối tuần “nhân đôi”… Cứ thế cơn sốt đất đang khiến nhiều người mất đi sự tỉnh táo.

Đất lên triệu đô, anh em li tán

Những ngày cuối tháng 3, chúng tôi về thăm nhà người bạn học chung đại học ở Đồng Nai. Đi qua những cánh rừng cafe bạt ngàn là cảnh hai bên đường tỉnh lộ 769, có những bạn trẻ đôi mươi đứng đầy đường như có lễ hội. Họ là môi giới nhà đất ở khu vực này đang tiếp thị cho một dự án phân lô bán nền của một chủ đầu tư có gốc từ Bình Dương. Nhà bạn tôi ở cách khu vực quy hoạch xây dựng sân bay Quốc tế Long Thành tầm 7-8km, ngôi nhà đơn sơ cũ kỹ theo phong cách người Hoa xưa. Nhưng ngôi nhà và mảnh vườn ấy giờ đã được định giá tới trên 45 tỉ đồng (khoảng hơn 2 triệu USD). Ở địa phương vùng quê này họ bán đất vẫn theo “mét dài”, mỗi mét dài có giá 700-800 triệu đồng.

Giá trị đất tăng hơn 10 lần trong 3 năm qua tại vùng đất này lại khiến cho sự bình tĩnh của con người giảm mạnh. Anh bạn tôi và người em trai ruột đã bất hòa khi người em thì đòi bán đất cha mẹ để chia tiền, còn người anh thì chưa muốn bán vì nghĩ giá còn lên nữa.

Những cuộc tranh cãi cứ kéo dài và đẩy con người ruột thịt dần xa nhau trong cơn sốt đất. Giá đất đi lên, tình người đi xuống đang diễn ra ở nhiều nơi.

Mới đây, một bức tường bê tông ngăn con đường tại thôn Quỳnh Hoàng, xã Nam Sơn, huyện An Dương, TP. Hải Phòng cũng là hệ lụy từ cơn sốt đất. Chính quyền địa phương xác nhận, xuất phát từ việc hai anh em ruột được bố mẹ cho đất nhưng cả hai không thống nhất được lối đi nên tự xây tường ngăn cách để mỗi nhà đi một bên trên con đường rộng 3m, không ai nhìn ai.

Chuyên gia kinh tế - TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, cần có sự điều tiết thị trường nhà đất theo xu hướng bền vững bằng các công cụ quản lý Nhà nước, trong đó có yếu tố quan trọng là thuế nhà đất.

Theo ông Hiển, với những khu vực có quy hoạch được đầu tư trung dài hạn thì sốt giá đất vẫn có thể xảy ra khi nhà đầu tư kỳ vọng, cơ quan quản lý không thể cấm điều này. Nếu đất tăng giá theo cơ sở hạ tầng phát triển, theo những dự án lớn như sân bay, cảng biển, khu đô thị… được công bố, quy hoạch rõ ràng là hợp lý. Hoặc ở những địa phương phát triển kinh tế - xã hội, chính quyền địa phương thu hút đầu tư trong và ngoài nước, doanh nghiệp làm ăn tốt, giá đất tăng là bình thường.

Tuy nhiên, ở những vùng tăng giá ảo, sốt giá, chính quyền địa phương và cơ quan quản lý ngành cần nhanh chóng vào cuộc, cung cấp thông tin rõ ràng để nhà đầu tư, thị trường thấy tiềm năng thật sự, hạn chế tình trạng đổ xô đi mua đất. Dứt khoát địa phương phải thông báo rõ ràng về chủ trương quy hoạch và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm. Và về lâu dài, vẫn rất cần nghiên cứu một chính sách về thuế bất động sản.

Để hạn chế sốt đất theo khu vực, nhà nước cần công bố quy hoạch ở từng địa phương theo lộ trình cụ thể. Quy hoạch nào cấp quốc gia, quy hoạch nào cấp địa phương…, cần công bố sớm theo lộ trình rõ ràng, công khai, minh bạch.

Thế Trang
Theo Thời báo Ngân hàng

Từ khóa: