Sự kiện hot
11 năm trước

Trung Quốc đang tiến hành “chiến tranh bản đồ”

Đó là nhận định của TS Trần Công Trục - nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ. "Trong lịch sử, Trung Quốc đã từng thực hiện những cuộc chiến như vậy", ông Trục nói.

Đó là nhận định của TS Trần Công Trục - nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ. "Trong lịch sử, Trung Quốc đã từng thực hiện những cuộc chiến như vậy", ông Trục nói.

Việc làm không lạ

Trao đổi với phóng viên ngày 13.1, ông Trục phân tích: Nhiều học giả gọi đây là cuộc “chiến tranh bản đồ” của Trung Quốc, tức là dùng bản đồ để chứng tỏ họ có quyền pháp lý với những vùng đất, vùng biển nào đó. Trong lịch sử, Trung Quốc đã từng thực hiện những cuộc chiến như vậy. Và nếu những quốc gia liên quan không có những động thái phản đối mạnh mẽ với các loại bản đồ ngang ngược như thế này, Trung Quốc sẽ càng có cớ lấn tới trên thực địa.


Bản đồ mới của Trung Quốc bao gồm 130 đảo ở Biển Đông.

TS Trục cho biết thêm: “Vấn đề bản đồ đối với Trung Quốc không còn xa lạ gì vì họ đã làm nhiều lần, cả chính thức và không chính thức. Có chăng, lần này họ làm chi tiết hơn, có thông tin đo vẽ cả 130 đảo lớn nhỏ ở Biển Đông, tiếp nối hành động ra quyết định đặt tên cho hàng nghìn hòn đảo ở Biển Đông trước đó. Về cách đặt tên cho các đảo, họ cũng có chiến lược rất rõ ràng. Ví như họ dùng những cái tên từ trước tới nay đã được các triều đại của họ dùng để đặt cho các đảo như đảo Cam Tuyền, Vĩnh Lạc... Có như vậy, họ mới có cớ để nói rằng trong lịch sử, Trung Quốc đã có và đã quản lý những đảo này rồi.

“Trắng trợn”

Chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc Dương Danh Dy dùng từ này để nói về động thái mới của Trung Quốc. Ông Dy cho biết: “Tôi đã đọc thông tin này từ hôm 11.1 trên bản tin Trung Quốc. Một sự trắng trợn không hơn không kém”. Ông Dy phân tích: Tất cả thế giới đều biết rõ, từ ngày thành lập nước CHND Trung Hoa (năm 1949), Trung Quốc không hề có chỗ đứng trên Biển Đông. Vì thế, tháng 6.1956, Trung Quốc đã chiếm một nửa Hoàng Sa từ tay quân Pháp khi Pháp chưa kịp bàn giao cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa.

Tháng 1.1974, họ lại chiếm nốt nửa còn lại từ tay chính quyền miền Nam Việt Nam. Tháng 3.1988, Trung Quốc chiếm 6-7 đảo và bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Từ chỗ không có gì, Trung Quốc đã ngang ngược lấn chiếm dần các đảo của chúng ta và giờ lại trắng trợn gom hết các đảo trên Biển Đông vào trong bản đồ của họ.

“Nếu Việt Nam không có những phản ứng mạnh mẽ, quyết liệt hơn, Trung Quốc họ sẽ còn tiếp tục leo thang trong các hoạt động ở Biển Đông”.

TS Trần Công Trục

Từ vụ việc này, ông Dy so sánh với việc Trung Quốc in “đường lưỡi bò” trên hộ chiếu cho thấy những bước đi ngày càng ngang ngược và bất chấp dư luận của Trung Quốc. “Chúng ta có thể chưa thấy hết ý nghĩa của hành động này (in hộ chiếu có đường lưỡi bò - PV), nhưng xin nhớ là Trung Quốc chỉ dám in đường lưỡi bò trên hộ chiếu phổ thông, loại dùng cho dân thường thôi. Còn loại hộ chiếu công vụ và ngoại giao, họ không dám in vì sợ Việt Nam sẽ phản ứng quyết liệt, sẽ không cấp thị thực cho cán bộ ngoại giao của họ ra vào nước ta” - ông Dy nhận định và cảnh báo: “Việc in bản đồ gom hết các đảo ở Biển Đông là bước leo thang mới của Trung Quốc. Chúng ta phải cảnh giác vì từ lấn chiếm trên giấy đến lấn chiếm trên thực địa không xa nhau là mấy”.

Theo ông Dy, khó có thể hy vọng Trung Quốc tiếp tục thể hiện thiện chí trên Biển Đông và Việt Nam phải chuẩn bị cho những trường hợp xấu hơn nữa để không bị động.

Hải Phong
theo Dân Việt

Từ khóa: