Sự kiện hot
7 năm trước

Trước Vincom Retail, những doanh nghiệp nào huy động được trên 100 triệu USD từ IPO?

Hiện tại, Vietcombank vẫn đang giữ kỷ lục huy động vốn lớn nhất từ IPO, đạt khoảng 655 triệu USD

Mới đây, theo nguồn tin từ Bloomberg, Vincom Retail - đơn vị vận hành Vincom Mega Royal City và Vicom Mega Mall Times City với sự hậu thuẫn từ Warburg Pincus, đang lên kế hoạch chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng, ước giá trị huy động 600 triệu USD.

Vincom Retail đang nuôi tham vọng huy động 600 triệu USD từ IPO

Warburg Pincus đã mua 20% cổ phần của Vincom Retail trong năm 2013 và hoàn thành đợt đầu tư thứ 2 với giá trị 100 triệu USD trong 2 năm trước.

Về phía Vincom Retail, công ty này hiện sở hữu các trung tâm thương mại gồm Vincom Mega Royal City và Vicom Mega Mall Times City.

Bloomberg cho biết, kể từ khoản đầu tư đầu tiên của Warburg Pincus, Vincom Retail đã mở rộng danh mục đầu tư từ dưới 5 lên khoảng 40 trung tâm mua sắm, tương đương 1,1 triệu m2. Hiện tại, công ty chiếm hơn 60% thị phần ngành bán lẻ hiện đại của Việt Nam.

Với quy mô 600 triệu USD, đây chính là thương vụ IPO lớn thứ 2 trong vòng 10 năm trở lại tại Việt Nam, giá trị chỉ xếp sau trường hợp của ngân hàng Vietcombank.

Những thương vụ IPO kỷ lục giai đoạn 2007 - 2009

Cuối năm 2007, ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) gây sốt bằng việc tạo một kỷ lục chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng.

Tại thời điểm đó, HOSE công bố kết quả giá đấu cổ phần thành công bình quân cổ phiếu VCB là 107.800 đồng/cp. Trong đó giá đấu thành công cao nhất là 250.000 đồng/cp và giá đấu thành công thấp nhất là 102.000 đồng/cp ( trong khi giá khởi điểm do Vietcombank đưa ra là 100.000 đồng/cp). Cổ phiếu VCB lập tức được các nhà đầu tư săn lùng với tổng khối lượng cổ phần nhà đầu tư đăng ký mua đạt 122,22 triệu cổ phiếu, tương đương dư mua gần 25 triệu.

Kết quả, toàn bộ 97,5 triệu cổ phần đưa ra đấu giá được bán hết, thương vụ IPO đem về khoản tiền 10.516 tỷ đồng cho VCB (tương đương 655 triệu USD theo tỷ giá năm 2007), là thương vụ IPO lớn nhất trong lịch sử tính đến thời điểm này tại Việt Nam.

Vietcombank vẫn đang nắm giữ kỷ lục IPO đến thời điểm hiện tại

Ngay sau thời điểm VCB tổ chức IPO ít lâu, HOSE tiếp tục công bố kết quả đấu giá của một cái tên “đình đám” khác - CP tổng Cty Rượu bia - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Số nhà đầu tư đăng ký tham gia thời điểm đó là 2.439 tuy nhiên khối lượng cổ phiếu đăng ký mua chỉ 78,37 triệu cổ phiếu, tương đương 61% tổng khối lượng cổ phiếu mà SAB chào bán.

Giá đấu thành công cao nhất là 89.000đ/cp, thấp nhất 70.000đ/cp, bình quân 70.300đ/cp. Tổng giá trị cổ phần SAB bán được thời điểm đó là 5.486 tỷ đồng, ước khoảng hơn 344 triệu USD.

Sabeco cũng sở hữu thương vụ IPO gần 5.500 tỷ đồng năm 2008

Đến cuối năm 2016, sau một thời gian dài giao dịch trên OTC, cổ phiếu SAB mới chính thức chào sàn HOSE đồng thời tăng kịch trần trong ngày giao dịch đầu tiên. SAB có mức tăng rất mạnh giai đoạn cuối năm 2016 và tăng ổn định kể từ đầu năm 2017. Hiện tại thị giá cổ phiếu SAB đang dao động quanh ngưỡng 245.000 đồng/cp, đồng thời nằm trong top những cổ phiếu thị giá cao nhất trên sàn.

Đến những doanh nghiệp mới đầy tham vọng trên thị trường

Kể từ thương vụ IPO Sabeco, phải mãi tới năm 2016 mới xuất hiện thêm một công ty huy động xấp xỉ 100 triệu USD. Đây cũng chính là thương vụ IPO lớn nhất trong năm 2016, trường hợp của Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM).

VEAM là thương vụ IPO lớn nhất trong năm 2016

Cụ thể ngày 29/8, VEAM chào bán hơn 167 triệu cổ phiếu lần đầu ra công chúng với mức giá khởi điểm 14.290 đồng/cp.

Kết quả, hơn 149 triệu cổ phiếu, tương đương 90% lượng cổ phần đấu giá đã được bán cho 240 nhà đầu tư, trong đó có 225 nhà đầu tư cá nhân và 15 nhà đầu tư tổ chức. Giá đấu thành công bình quân là 14.291 đồng/cp, tương ứng tổng giá trị thu về từ đợt IPO hơn 2.136 tỷ đồng. Mức giá trúng cao nhất là 16.520 đồng/cp và thấp nhất là 14.290 đồng/cp. Tổng giá tri thu về từ đợt IPO là hơn 2.136 tỷ đồng, xấp xỉ 100 triệu USD.

Đến thời điểm hiện tại, VEAM vẫn chưa niêm yết trên sàn, tuy nhiên theo nguồn tin mới nhất, công ty đang có kế hoạch chào sàn HOSE trong quý IV năm 2017.

VEAM hiện đang nắm giữ 20% cổ phần trong liên doanh với Toyota Motor Vietnam và 30% tại Honda Việt Nam, sở hữu 25% vốn của Ford Motor Việt Nam (thông qua công ty con 100% vốn sở hữu là DISOCO).

VJC huy động khoảng 170 triệu USD từ IPO

Cũng thời điểm cuối năm 2016, Reuters dẫn nguồn thạo tin cho biết hãng hàng không VietJet Air (VJC) dự kiến huy động được 170 triệu USD từ phiên chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng, với mức định giá công ty vào khoảng 1,2 tỷ USD.

Theo đó, VietJet bán 44,7 triệu cổ phiếu, giá ở sát mức trung bình trong quãng giao dịch 75.900 – 98.400 đồng/cp trên thị trường. Giá chào bán cho nhà đầu tư tổ chức vào khoảng 84.400 đồng/cổ phiếu, nhà đầu tư nhỏ lẻ có thể mua cổ phiếu với giá 86.500 đồng.

Đợt IPO này của VietJet Air có sự phối hợp tham gia của nhiều tổ chức tài chính trên thế giới như BNP Paribas, Deutsche Bank, JP Morgan và VietCapital của Việt Nam.

Kết quả IPO thành công khiến VJC lọt top những công ty huy động vốn nhiều nhất từ chào bán lần đầu ra công chúng tại Việt Nam.

Cuối tháng 2 năm 2017, VJC chào sàn HOSE với mức giá 90.000 đồng/cp. Cũng giống như kịch bản của SAB, cổ phiếu này tăng kịch trần trong ngày giao dịch đầu tiên, hiện tại đang ổn định quanh vùng giá 125.000 đồng/cp. Mức giá này tăng khoảng 45% so với giá thời điểm IPO.

Bạch Mộc
Theo KTTD, Vietnambiz

Từ khóa: