Sự kiện hot
11 năm trước

Vasep phản đối DOC

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa phản đối quyết định về mức thuế Chống trợ cấp (CVD) của Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đối với các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa phản đối quyết định về mức thuế Chống trợ cấp (CVD) của Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đối với các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam. VASEP đề nghị Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (ITC) xem xét công tâm và đưa ra quyết định đúng đắn và hợp lý nhằm chấm dứt hoàn toàn vụ kiện vô lý này.

Không công bằng

Theo thông báo gửi đăng Công báo Liên bang do Trợ lý Bộ trưởng, phụ trách Cục Quản lý Nhập khẩu DOC, Paul Piquado ký hôm 12/8/2013 về quyết định cuối cùng vụ kiện chống trợ cấp tôm nước ấm từ Việt Nam, thì  DOC đã quyết định áp CVD lên các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu tôm của Việt Nam. Thuế suất CVD với 02 bị đơn bắt buộc với Công ty Thủy sản Minh Qúy  là 7,88% (tăng so với mức 5,08% của Quyết định sơ bộ) và Công ty Thủy sản Nha Trang 1,15% (giảm mạnh so với mức 7,05% của Quyết định sơ bộ). Thuế suất CVD chung cho các công ty khác: 4,52% (giảm so với mức 6,07% của Quyết định sơ bộ).

Mức thuế này sẽ được chính thức thực hiện từ ngày quyết định này được đăng Công báo Liên bang, DOC đã chính thức ra lệnh cho Tổng cục Hải quan và Bảo vệ biên giới Hoa Kỳ (tiến hành thu khoản tiền ký quỹ tương ứng với mức thuế suất CVD nêu trên của các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu tôm vào Mỹ từ sau ngày 04/6/2013.

Theo Vasep, quyết định áp thuế CVD là một áp đặt bất công với các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm Việt Nam, trong lúc các doanh nghiệp đang hoạt động theo cơ chế thị trường, không nhận trợ cấp của Nhà nước trong hoạt động sản xuất kinh doanh và cũng không nhận được bất kỳ trợ cấp riêng biệt nào cho ngành Tôm trong nhiều năm qua.

Và ảnh hưởng nặng nề

Cùng với việc áp thuế CVD, sản phẩm tôm đông lạnh Việt Nam bị đánh hai loại thuế lên cùng một sản phẩm và gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của hơn 600 ngàn nông dân, người làm chế biến và xuất khẩu tôm tại Việt Nam.

Không chỉ ngành Tôm của Việt Nam và các nước khác chịu thuế CVD này bị ảnh hưởng nặng nề mà chính người tiêu dùng Mỹ cũng sẽ chịu tác động trực tiếp. Họ sẽ phải trả giá cao hơn cho sản phẩm tôm nhập khẩu đang chiếm trên 90% tổng nguồn cung tại thị trường nước này. Mặt khác, năm 2012, ngành Tôm nội địa Hoa Kỳ đã có sự tăng trưởng đáng kể về cả sản lượng và giá cả, cho thấy tôm nhập khẩu không có khả năng gây thiệt hại hoặc đe dọa đến ngành Tôm nội địa của Mỹ.

Doanh nghiệp Mỹ phản ứng

Vụ kiện của Liên minh Công nghiệp Tôm vùng Vịnh Mỹ với sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam và một số nước khác đang vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ dư luận Mỹ. Trong buổi điều trần cuối cùng về vụ kiện tại ITC ngày 14/8, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu Mỹ đã lên tiếng phản đối yêu cầu áp thuế CVD đối với mặt hàng trên. 

Liên minh Công nghiệp Tôm vùng Vịnh Mỹ cáo buộc rằng, trợ cấp chính phủ các nước có tôm nhập khẩu và Hoa Kỳ đã tạo ra cạnh tranh không lành mạnh giữa tôm nhập khẩu và tôm khai thác tự nhiên, gây thiệt hại lớn đối với ngành Tôm Hoa Kỳ. Họ cho rằng, áp thuế CVD là biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp khai thác, chế biến và tiêu  thụ tôm trong nước. Tuy nhiên, lập luận này đã bị chính các doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối tôm, cũng như chuyên gia kinh tế Mỹ phản bác.

Tôm nuôi nhập khẩu và tôm đánh bắt là 2 sản phẩm không thể cạnh tranh trực tiếp với nhau. Đại diện của Publix Super Markets, 1 trong 10 chuỗi siêu thị lớn nhất Hoa Kỳ cho biết, họ đang có kế hoạch tiếp thị và tiêu thụ khác nhau cho từng mặt hàng trên. Không có hiện tượng cạnh tranh chéo giữa tôm nhập khẩu và khai thác tự nhiên. Chỉ có các nhà cung cấp tôm nhập khẩu và các nhà cung cấp tôm khai thác cạnh tranh với nhau.

Mặt khác, dư luận Mỹ cũng cho rằng, tôm nuôi nhập khẩu và tôm đánh bắt là 2 sản phẩm hoàn toàn khác nhau, dành cho các đối tượng khách hàng khác nhau và do vậy, không thể cạnh tranh với nhau. Nhiều chuyên gia cho rằng, chính Liên minh Công nghiệp Tôm vùng Vịnh Mỹ đã không chịu quảng bá, tiếp thị và phân tích cho người tiêu dùng Mỹ biết về sự khác biệt và ưu điểm của tôm khai thác tự nhiên đối với tôm nuôi nước ấm nhập khẩu.

Tuy nhiên, quyết định này sẽ còn phải phụ thuộc vào quyết định cuối cùng (dự kiến sẽ công bố vào ngày 26/09/2013) của ITC. Nếu ITC quyết định các doanh nghiệp Hoa Kỳ bị thiệt hại về vật chất do trợ cấp của Chính phủ Việt Nam, DOC sẽ ra lệnh về thuế CVD (dự kiến công bố ngày 03/10/2013). Nhưng nếu ITC quyết định rằng các doanh nghiệp Hoa Kỳ không bị thiệt hại về vật chất, hoặc bị đe dọa thiệt hại về vật chất, vụ kiện này sẽ được chấm dứt hoàn toàn và toàn bộ các khoản tiền ký quỹ đã thu hoặc dự định sẽ phải thu của doanh nghiệp sẽ được hoàn trả hoặc bãi bỏ.

Vasep và các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu tôm Việt Nam đang tiếp tục theo đuổi vụ kiện này tại ITC.

Hoàng Tuấn
theo Thanh tra

Từ khóa: