Sự kiện hot
11 năm trước

Về làng Nghè xem dòng họ Lại làm nghề “độc nhất vô nhị”

Dantin - Hơn 5 thế kỷ trước, dòng họ Lại ở phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy - Hà Nội) được chúa Trịnh Tráng ban cho đặc ân làm giấy sắc phục vụ triều đình. Qua bao thăng trầm, nghề làm giấy sắc tuy không còn hưng thịnh nhưng vẫn giữ được những nét độc đáo riêng vốn có. Đây chính là nét đặc biệt khiến nghề làm giấy sắc của dòng họ Lại làng Nghè trở thành nghề “độc nhất vô nhị” đất Việt.

Dantin - Hơn 5 thế kỷ trước, dòng họ Lại ở phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy - Hà Nội) được chúa Trịnh Tráng ban cho đặc ân làm giấy sắc phục vụ triều đình. Qua bao thăng trầm, nghề làm giấy sắc tuy không còn hưng thịnh nhưng vẫn giữ được những nét độc đáo riêng vốn có. Đây chính là nét đặc biệt khiến nghề làm giấy sắc của dòng họ Lại làng Nghè trở thành nghề “độc nhất vô nhị” đất Việt.

NGHỀ “ĐỘC NHẤT VÔ NHỊ”

Theo gia phả dòng họ Lại ở làng Nghĩa Đô (làng Nghè – PV) lưu lại, hơn 400 năm trước dòng họ Lại Thế đã có nghề làm giấy sắc gia truyền và được chúa Trịnh Tráng đặc ân giao cho cụ Lại Thế Giáp, nguyên là con rể chúa Trịnh Tráng đặc quyền làm. Để điều hành công việc, nhà vua đã giao cho cụ Lại Thế Vinh tước “Đô Thịnh Hầu” trực tiếp đảm nhiệm. Trải qua bao đời, người trong dòng họ luôn được vua ban cho tước Ngự Dụng Giám Kim Tiên Cục, có nhiệm vụ giám sát việc làm giấy sắc phong trong triều.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết cụ Lại Thế Bàn là nghệ nhân cuối cùng biết được bí quyết và công nghệ làm giấy Sắc đã mất năm 2003. Trước đó, cụ đã truyền nghề cho các con. Vì vậy dòng họ Lại cho chỉ còn hai người là ông Lại Phú Thạch (con của cụ Lại Thế Bàn) và chị Lại Thị Hà (cháu đời thứ 23 của dòng họ) biết được bí quyết làm giấy Sắc.

Ông Lại Phú Quyết, đại diện dòng họ cho biết, ngoài việc nộp cho nhà vua, giấy sắc còn được mang vào Hoàng thành bán cho các quan lại địa phương để họ làm giấy sắc phong cho Thành hoàng làng. Đều đặn mỗi năm, họ Lại cung cấp cho triều đình khoảng 2.000 tờ giấy sắc. Theo gia phả của dòng họ, thời vua Khải Định (cuối thế kỷ XVIII đầu XIX), dòng họ đã phải làm hàng chục nghìn giấy sắc phong dâng lên triều đình nhân ngày lễ thượng thọ 40 tuổi của vua. Lúc ấy, họ Lại phải tập trung cả họ để làm và cũng là năm đỉnh cao của nghề làm giấy sắc ở Nghĩa Đô. Sau khi vua Bảo Đại thoái vị vào năm 1945, giấy sắc phong không được dùng nữa, nghề gia truyền của dòng họ mai một từ đây.

NÉT VÀNG TRÊN NỀN GIẤY SẮC

Ông Lại Phú Kỳ, Phó ban Quản lí họ cho biết: Giấy sắc là thứ giấy đặc biệt có độ bền trên 300 năm, hoạ tiết rồng phụng vẽ bằng bột vàng, bạc vốn chỉ dành cho vua. Giấy được làm từ nguyên liệu chọn lọc, tờ giấy có kích thước lớn hơn, được chế tác kỹ hơn, tờ giấy dó được khoác tấm áo hoàng bào rồng bay, phượng múa tượng trưng cho uy quyền của triều đình. Mỗi tờ giấy được làm thủ công rất tỉ mỉ, có khi cả tuần mới xong, mỗi tờ là một tác phẩm nghệ thuật. Để tờ giấy thật bền, thật đẹp, cần có bí quyết nghề nghiệp.  

Giấy sắc được phục dựng lại (nguồn internet)

Nguyên liệu thích hợp nhất là cây dó được lấy ở vùng Lâm Thao, Phú Thọ. Dó được nấu thành bìa, sau đó bìa được bóc lấy phần thịt (dó lụa) và dùng chày để giã. Phải đãi bìa thật sạch trước khi làm hàng (kéo tầu). Do nguyên liệu toàn dó nên kéo tầu rất nặng, phải lựa chọn những người khỏe mạnh nhất trong dòng họ để làm công việc này.

Quá trình làm giấy sắc phải trải qua nhiều công đoạn từ seo giấy, nghè giấy, quét keo, quét màu, mực vẽ và cuối cùng là cách vẽ. Để tờ giấy thật mịn, thật dai mỗi tờ giấy phải nghè cho kỹ. Đặt tờ giấy lên hòn đá tảng, dùng chầy gỗ để nghè. Hai người đàn ông khỏe mạnh, mỗi người một chày cùng nghè lên nghe chí chát vui tai. Khi chày đanh tiếng là xong công đoạn. Để tăng độ dai và bền cho giấy sắc, người ta quét một lớp keo da trâu lên bề mặt.

Giấy sắc thường có kích cỡ 150 x 80 cm, lớn hơn nhiều so với giấy thường. Màu vàng của giấy được làm từ hoa hòe. Hoa hòe được nấu kỹ, pha chút phẩm hoa hiên có chút phèn chua, dùng bàn chải thép để quét lên mặt giấy. Một điều đặc biệt khác làm nên giá trị của giấy sắc là mực vẽ được chế tác từ vàng thật, bạc thật tạo thành nhũ. Thứ mực này được vẽ lên mặt giấy bằng bút lông tạo nên những điểm nhấn lấp lánh trên trang giấy.

Tùy theo phẩm hàm do triều đình ban tặng, tờ giấy sắc được vẽ theo quy củ nhất định. Giấy ban tặng cho bách quan có 3 hạng: nhất đẳng quan, nhị đẳng quan, tam đẳng quan. Giấy ban tặng cho bách thần có 3 hạng: thượng đẳng thần, trung đẳng thần, hạ đẳng thần.

Sắc phong hạng nhất cho bách quan: xung quanh vẽ 8 con rồng nhỏ, mặt trước vẽ một con rồng lớn ẩn trong mây, mặt sau vẽ chí linh (long, ly, quy, phượng). Sắc phong hạng nhì: xung quanh vẽ mây hoặc họa tiết hồi văn, mặt trước đôi rồng, mặt sau vẽ nhị linh (rồng, lân). Sắc phong hạng ba: xung quanh in triện ấn, mặt trước vẽ đôi rồng, ở giữa in hình ngũ tinh (5 chấm sao), mặt sau vẽ bầu rượu túi thơ. Sắc phong thượng đẳng thần: xung quanh in triện hoa chanh, phía trước vẽ đôi rồng, ở giữa in hình ngũ tinh (5 chấm sao), bốn góc in hình thất tinh (7 chấm sao), mặt sau in hình chí linh. Sắc phong trung đẳng thần: mặt trước có nội dung vẽ như sắc phong thượng đẳng thần, mặt sau vẽ lá trầu và bầu rượu, ở giữa vẽ song Thọ (2 chữ Thọ liền nhau). Sắc phong hạ đẳng thần: mặt trước vẽ như hai hạng trên, mặt sau để trơn không vẽ.

Người thợ vẽ giấy sắc ngồi ở bàn vẽ có ống bút như một họa sĩ thực thụ. Khâu tinh xảo đòi hỏi tay nghề rất cao là phần vẽ rồng trên giấy sắc – đây là công đoạn cuối cùng, khó nhất, cầu kỳ nhất và cũng là nghệ thuật nhất. Theo lời kể của ông Quyết: Người vẽ đẹp nổi tiếng trong dòng họ có cụ Síu Tơ, cụ Xã Lịch, cụ Huân Thái, cụ Be …

Những người thợ giỏi thì vẽ “chạy”, những thợ kém hơn thì chỉ vẽ “đồ”, tức là cứ theo nét “chạy” mà tô kim nhũ, vàng, bạc. Hiện các cụ đều đã mất, nghề gia truyền của dòng họ cũng đang lụi tàn dần. “Đã hơn nửa thế kỷ, con cháu họ Lại không còn làm nghề”, ông Quyết trầm ngâm nói.

Ông Quyết cho biết thêm, bí quyết làm giấy sắc chỉ được truyền lại cho con trai và con dâu để đảm bảo nghề chỉ truyền trong nội tộc. Cụ cũng tỏ ra bức xúc trước thông tin một số báo đài đăng tải không chính xác, cho rằng nghề được truyền cho con trai và con gái. Điều đó thể hiện sự hiểu biết không toàn diện của nhiều người về nghề giấy sắc gia truyền của dòng họ Lại.

TRĂN TRỞ KHÔI PHỤC NGHỀ

Đã mấy trăm năm giấy sắc của chi họ Lại Nghĩa Đô được độc quyền sản xuất, triều đình độc quyền sử dụng. Qua sự biến thiên của lịch sử, nghề cũng bị mai một theo sự suy tàn của các triều đình phong kiến Việt Nam. Thế nhưng, không phải nghề làm giấy sắc họ Lại đã lụi tắt. Nó vẫn đang nhen nhóm chờ cơ hội được tỏa sáng trở lại. Những người con họ Lại có tâm với nghề đã và đang cố gắng khôi phục lại nghề gia truyền của dòng họ, nhằm lưu giữ cho hậu thế.

Ông Lại Phú Thạch, người duy nhất còn biết được bí kíp làm nghề hiện nay, khẳng định: “Kể từ khi cha tôi là cụ Lại Phú Bàn mất (năm 2003), mọi người đã tưởng nghề làm giấy sắc cũng biến mất theo. Nhưng cụ đã kịp truyền lại nghề cho chúng tôi. Tôi là người con trai duy nhất của cụ Lại Phú Bàn được cha truyền lại cho nghề này. Chúng tôi phải tìm mọi cách để phục hồi lại nghề của gia tộc họ Lại”.

Ông Thạch cho biết, sở dĩ giấy sắc không xuất hiện vì không có khách hàng đặt mua (kể từ khi vua Bảo Đại thoái vị năm 1945), nên ở thị trường nội địa không có. Thực tế, gia tộc họ Lại vẫn phục chế giấy cũ trong nước và làm giấy theo đơn đặt hàng ở nước ngoài, mà chủ yếu là khách hàng đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc …

“Người Nhật thậm chí còn đánh giá giấy sắc của họ Lại cao hơn giấy sắc của Nhật Bản và Trung Quốc về độ bền và đẹp. Mỗi tờ giấy có giá lên đến vài triệu đồng, độ bền cao, có thể bảo quản đến 300 năm”, ông Thạch tự hào.

Năm 2003, Trung tâm hợp tác nguồn nhân lực Việt – Nhật, phối hợp với Viện Bảo tàng dân tộc học, Khoa Sử học Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn, Trường ĐH Quốc tế Kibi, Hội Bảo tồn văn hóa cổ, do Đại sứ quán Nhật Bản tài trợ đã tổ chức cuộc hội thảo về giấy Long đằng của Việt Nam. Cuộc hội thảo đã đánh giá cao giấy sắc của họ Lại Nghĩa Đô và mong muốn được phục hồi lại nghệ thuật quý hiếm này.

Được sự động viên của các cơ quan chức năng, những người con họ Lại đang nỗ lực hết mình nhằm phục vụ lại nghề tổ. Ông Lại Thế Quyết đại diện dòng họ cho biết: “Khôi phục nghề giấy sắc đáp ứng cho nhu cầu hiện nay, bảo tồn nghề nghiệp đã thực sự là mong muốn của chi họ Lại Nghĩa Đô chúng tôi”.

Tuy nhiên ông Quyết cũng trăn trở: Làm giấy sắc đòi hỏi rất nhiều công đoạn nên khá tốn kém. Hiện tại, những vật dụng làm giấy sắc không còn đủ nên chúng tôi phải sắm sửa lại. Vấn đề kinh phí đang là nỗi lo thường trực.

Vượt lên trên mọi khó khăn trước mắt, hiện nay, dòng họ Lại đã xây dựng được một xưởng sản xuất nhỏ trên Bắc Giang, có nhiệm vụ làm phần thô, chế biến giấy dó, còn công đoạn hoàn thiện sẽ được chế tác tại Nghĩa Đô do cụ Lại Phú Thạch và các cụ cao niên trong dòng họ thực hiện. Ông Thạch khẳng định: “Để làm ra được tờ giấy sắc mới hoặc gần như cha chúng tôi đã làm ngày xưa, chúng tôi hoàn toàn có khả năng làm được. Hiện nay, chúng tôi đang tích cực đầu tư thời gian, công sức và trí tuệ để làm việc này. Sự thành đạt chắc không còn xa nữa”.

Hiện nay họ Lại có hơn 300 chi, nhưng có duy nhất dòng họ Lại Nghĩa Đô được phong tước Ngự Dụng Giám Kim Tiên Cục (chức quan đảm nhiệm việc giám sát làm giấy sắc trong triều – PV). Dòng họ Lại Nghĩa Đô cũng là dòng họ duy nhất trong cả nước được triều đình giao độc quyền làm giấy sắc phong. Hiện nay, dòng họ Lại chỉ còn duy nhất người con của cụ Lại Thế Bàn là Lại Phú Thạch và người cháu gái đời thứ 23 của dòng họ là Lại Thị Hà biết được bí quyết làm giấy sắc. Những người khác trong dòng họ như ông Lại Phú Quyết (trưởng họ), Lại Phú Kỳ (Phó ban Quản lý họ) và các thành viên khác cũng chỉ nắm được những nội dung cơ bản của quy trình đó mà thôi.

Văn Nguyên – Đức Anh

Từ khóa: