Sự kiện hot
6 năm trước

Vì đâu Quỹ ngoại Hàn Quốc liên tục nâng sở hữu tại Thép Nam Kim?

Năm 2017, Thép Nam Kim đạt lợi nhuận kỉ lục hơn 700 tỷ đồng. Mới đây, nhóm nhà đầu tư Hàn Quốc Kim Group đã nâng sở hữu vốn tại Nam Kim lên hơn 11%.

Quỹ ngoại Hàn Quốc, Kim Group liên tục nâng sở hữu tại Thép Nam Kim

Giao dịch khối ngoại tại CTCP Thép Nam Kim (Mã: NKG) bất ngờ trở nên nhộn nhịp trong tháng 1 và nửa đầu tháng 2 này, hàng loạt động thái mua vào của các quỹ đến từ Hàn Quốc.

Ngay đầu tháng, quỹ KIM Vietnam Growth Equity Fund (thuộc KIM Group) mua vào 300.000 cổ phiếu NKG, nâng sở hữu lên hơn 6,5 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ từ 4,79% lên 5,03% vốn cổ phần NKG.

Trước đó, quỹ này đã hai lần thực hiện mua vào NKG trong tháng 1/2018 vào ngày 23/1 với 400.000 cổ phiếu và ngày 5/1 với 600.000 cổ phiếu.

Sau các giao dịch này, tổng số cổ phần cả nhóm KIM Group nắm giữ tại NKG hơn 8,4 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ vốn gần 6,5%.

Cùng trong khoảng thời gian này, ngày 31/1, bà Trần Uyên Nhàn - Thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) tại Thép Nam Kim đã bán toàn bộ 11,8 triệu cổ phiếu NKG (tương ứng 9,1% vốn) thông qua phương thức thỏa thuận. Ngoài ra, ông Hồ Minh Quang - Chủ tịch HĐQT công ty và là chồng bà Nhàn có kế hoạch mua lại đồng thời trở thành chủ sở hữu của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Đầu tư P&Q, gián tiếp nâng sở hữu vốn tại Thép Nam Kim lên 24,5%.

Kết thúc phiên giao dịch cuối năm Đinh Dậu ngày 13/2, cổ phiếu NKG đạt 35.800 đồng/cp. Khoảng từ giữa tháng 1/2018, NKG nhiều phiên giảm điểm. Tuy nhiên xét từ đầu năm 2017 đến nay, NKG có xu hướng tăng với gần 58%.

Diễn biến giá cổ phiếu NKG tính từ đầu năm 2017 đến nay (nguồn: VNDirect)

Không chỉ thị giá cổ phiếu tăng, năm 2017 NKG còn đạt lợi nhuận kỉ lục

Năm 2017 đánh dấu kết quả kinh doanh của NKG tăng hơn 40% so với năm 2016. Doanh thu thuần hơn 12.619 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu nội địa hơn 7.105 tỷ đồng, doanh thu xuất khẩu hơn 5.500 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 708 tỷ đồng, tăng 37% và là mức lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay của Thép Nam Kim.

Bảng quảng cáo Tôn Nam Kim xuất hiện trên một trận đấu tại giải bóng đá Ngoại Hạng Anh

Toàn ngành thép, hiện Nam Kim chỉ xếp sau hai ông lớn là Thép Hòa Phát (Mã: HPG) và Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG). Năm qua, ông lớn Hòa Phát cùng đạt lợi nhuận kỉ lục lên tới hơn 8.000 tỷ đồng; biên lợi nhuận đứng đầu ngành với 17,3%.

Diễn biến lợi nhuận của Thép Nam Kim từ năm 2007 đến nay

Cả năm 2017 ngành thép tăng trưởng mạnh so với năm trước. Trong đó, sản xuất thép đạt hơn 21.000 triệu tấn, tăng hơn 24% so với năm 2016. Bán hàng thép đạt gần 18 triệu tấn, tăng 21% và xuất khẩu thép hơn 3,7 triệu tấn, tăng 34%. Riêng thị phần tôn thép, Nam Kim hiện đang chiếm 16,5% và chỉ xếp sau Tập đoàn Hoa Sen.

Thị phần tôn thép Việt Nam (nguồn: VSA)

Năm 2017, Nam Kim tăng cường vay nợ, tăng vốn chủ, xúc tiến nhiều dự án đầu tư

Với kết quả kinh doanh đạt lịch sử, cơ cấu tài sản tại Thép Nam Kim thay đổi đáng kể. Tính đến 31/12/2017, tổng giá trị tài sản đạt hơn 10.174 tỷ đồng, tăng hơn 59% so với thời điểm đầu năm. Các khoản tiền gửi có kỳ hạn gần 415 tỷ đồng, gấp 16 lần đầu năm.

Phải thu ngắn hạn khách hàng tăng mạnh 180% lên hơn 1.008 tỷ đồng. Trong đó, phải thu khách hàng trong nước hơn 793 tỷ đồng, tăng 300%. Phải thu khách hàng nước ngoài 215 tỷ đồng, tăng 38%.

Lượng hàng tồn kho hơn 4.090 tỷ đồng, gấp đôi đầu năm. Tài sản dở dang dài hạn giảm đáng kể từ 1.406 tỷ đồng xuống 133 tỷ đồng vào cuối năm. Đáng chú ý, Thép Nam Kim đã triển khai xây dựng Nhà máy Nam Kim 3 tại Khu Công nghiệp Đồng An 2 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần hơn 2.655 tỷ đồng nhằm mục tiêu sản xuất thép cán, tôn mạ kẽm, mạ nhôm... với quy mô dây chuyền tẩy rửa, dây chuyền cán nguội 450.000 tấn/năm; mạ kẽm dày, mã hợp kim nhôm kẽm 350.000 tấn/năm...

Ngoài ra trong năm, thép Nam Kim đã đầu tư 24 tỷ đồng vào CTCP Kim Corea và nâng khoản đầu tư vào Công ty TNHH MTV Ống thép Nam Kim từ 41 tỷ đồng lên 79 tỷ đồng.

CTCP Thép Nam Kim (ảnh minh họa)

Đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, vay nợ của Thép Nam Kim đã tăng mạnh trong năm 2017. Theo đó, nợ phải trả hơn 7.233 tỷ đồng, gấp rưỡi đầu năm và chiếm hơn 70% tổng nguồn vốn.

Một điểm đáng chú ý khác, vốn góp chủ sở hữu gấp đôi đầu năm lên 1.300 tỷ đồng từ đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ tăng vốn gần 640 tỷ đồng.

Minh Đăng
Theo KTTD, Vietnambiz

Từ khóa: