Sự kiện hot
6 năm trước

Việc “phá hủy” các biệt thự cổ Hà Nội, trách nhiệm thuộc về ai?

Ở bất kỳ một quốc gia nào, những công trình kiến trúc như một biểu tượng lưu giữ lại nền văn hóa vật chất của quốc gia đó; nó còn thể hiện mức độ phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước đó từng thời kì.

Hà Nội ngàn năm văn hiến với bao triều đại phong kiến phát triển và suy vong, với hàng ngàn năm đô hộ của phong kiến phương Bắc, với hơn 80 năm đô hộ của Thực dân Pháp, với bao thăng trầm của lịch sử dân tộc, tới nay hầu hết các công trình kiến trúc của các triều đại đều bị phá hủy mà không có khả năng khôi phục lại. Dấu ấn của Hà Nội cổ xưa chỉ được lưu giữ trên một số công trình, biệt thự dưới thời Pháp thuộc. Cho dù thế nào, những công trình đó cũng tạo cho Hà Nội những nét riêng ở một góc phố, một con đường mà những thành phố khác không thể nào có được.

Biệt thự số 16 + 18 Tràng Thi do Tổng Cty XNK Thiết bị toàn bộ và kỹ thuật – Bộ Công thương quản lý nay đã trở thành các của hàng kinh doanh đồ gia dụng, diện tử…

Những năm gần đây, tình trạng đô thị hóa đã len lỏi vào từng con hẻm, góc phố Hà Nội cùng với sự quản lý yếu kém của chính quyền các cấp, nhiều công trình cũ tiếp tục bị tàn phá và thay vào đó là những công trình kiến trúc “chẳng giống ai”, những cao ốc…đã tạo ra một Hà Nội có bộ mặt kiến trúc lộn xộn, ngập lụt, ô nhiễm và tắc nghẽn giao thông không biết từ bao giờ đã trở thành “đặc sản”.

Chính quyền Hà Nội nhiều năm trước đây cũng đã quan tâm đến việc bảo vệ các biệt thự cũ, cụ thể: ngày 10/12/2008, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Khóa 8, kỳ họp thứ 17 đã thông qua đề án quản lý quỹ nhà biệt thự trên thành phố Hà Nội. Trong đề án này đã quy định biệt thự của Hà Nội được phân thành 3 cấp độ, trong đó cấp độ 1: Đối với các biệt thự có giá trị về kiến trúc bảo tồn nguyên trạng về không gian và kiến trúc công trình, diện tích đất khuôn viên biệt thự, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng. Đối với các loại biệt thự này ngoài quản lý theo quy định nhà ở, đất ở, cần thực hiện theo quy định về bảo tồn tôn tạo.

Đối với cấp độ 2, cấp độ 3 Nghị quyết cũng quy định cụ thể nhằm bảo vệ, cải tạo đối với các biệt thự, các công trình xây dựng. Nghị quyết cũng đã giao cho UBND thành phố báo cáo Thủ tướng Chính phủchấp thuận đồng thời ban hành quy chế quản lý biệt thự.

Tiếp đó ngày 28/11/2013, UBND thành phố Hà Nội có Quyết định số 7177/QĐ-UBND về việc ban hành danh mục nhà biệt thự thuộc đối tượng quản lý sử dụng, nhà biệt thự được xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn thành phố Hà Nội. Quyết định này cũng đã phân loại biệt thự thành các nhóm 1,2,3 để được quản lý theo quy chế.

Biệt thự số 53 Bà Triệu do TCty truyền thông đa phương tiện quản lý nay đã bị xẻ thịt thành cửa hàng buôn bán xe đạp.

Với một hệ thống văn bản quản lý tương đối đầy đủ, người ta sẽ nghĩ rằng những ngôi biệt thự cổ còn sót lại trên mảnh đất ngàn năm văn hiến này sẽ tiếp tục được lưu giữ, tu bổ, tôn tạo. Nhưng câu chuyện xảy ra lại khác, ngày 4/7/2018 tại Kỳ họp thứ IV của HĐND thành phố Hà Nội, báo cáo của UBND thành phố đã đề nghị HĐND điều chỉnh danh mục 970 biệt thự trong Nghị quyết số 18 và đề nghị rút 148 biệt thự ra khỏi danh mục quản lý, trong đó có 123 biệt thự trong danh mục tại Nghị quyết 18 đã bị phá dỡ toàn bộ, trong đó có một số đã xây dựng mới, một số còn đang là đất trống. Việc đề nghị này đã gây ngỡ ngàng và thắc mắc của nhiều đại biểu, một số đại biểu cho rằng: Phải làm rõ từng biệt thự trong 123 biệt thự vì sao bị phá dỡ, ai cho phép phá dỡ và trách nhiệm thuộc về ai?. Tuy nhiên, Nghị quyết vẫn được thông qua và giao cho Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 24/8/2017, UBND thành phố Hà Nội có Văn bản số 234/BC-UBND báo cáo về việc điều chỉnh danh mục biệt thự cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội gửi Thủ tướng Chính phủ, do Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội ký. Nội dung trong báo cáo này UBNDthành phố Hà Nội đề nghị điều chỉnh danh mục 970 biệt thự ban hành theo Nghị quyết 18/2018/NQ-HĐND ngày 10/12/2008 của HĐND thành phố giảm xuống còn 829 biệt thự,giảm 141 biệt thự (trong đó có 41 trường hợp là biệt thự thuộc diện không được bán). Đối với 123 biệt thự đã phá dỡ, trong đó có một số đã xây dựng mới, một số còn là đất trống.

Biệt thự số 40 Thợ Nhuộm nay là trường mầm non 20-10.

Đọc báo cáo này, người ta cảm giác việc đề nghị Thủ tướng điều chỉnh danh mục biệt thự “cứ như chuyện đùa”. Cả một hệ thống văn bản quy định, cả một hệ thống quản lý, vậy mà chưa đầy 10 năm hàng trăm biệt thự bị phá, trong đó có 41 biệt thự không được bán, đa phần nằm trong dạng biệt thự loại 1 phải được bảo tồn. Đây là một khối tài sản không nhỏ của đất nước đã bị tàn phá; Nhưng trong báo cáo không có đánh giá xác định mức độ thiệt hại và kiến nghị biện pháp xử lý đối với những người vi phạm và đối với những người đứng đầu thành phố.

Cũng cần nói thêm rằng, đề án quản lý biệt thự trên địa bàn thành phố Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bằng Văn bản số 1254/TTg-KTN ngày 28/7/2009. Như vậy, việc phá bỏ bất kỳ một biệt thự nào theo Đề án này phải xin phép Thủ tướng; trên thực tế hơn 100 biệt thự đã bị phá bỏ, nhưng không báo cáo Thủ tướng; trong số này Chủ tịch UBND thành phố có cho phép phá bỏ bao nhiêu biệt thự?

Dư luận cho rằng, với một khối tài sản lớn của đất nước bị tàn phá như vậy, Chủ tịch UBND thành phố phải có trách nhiệm báo cáo công khai từng biệt thự: Về giá trị tài sản, mục đích phá dỡ, ai phá dỡ, ai cho phép phá dỡ, đối với các biệt thự đã phá dỡ mà đang bỏ đất trống thì dự kiến xây dựng công trình gì? Người dân Hà Nội cũng cần biết rõ điều này.

Đây không chỉ thuần túy là câu chuyện quản lý yếu kém mà có thể còn có lợi ích nhóm đã và đang biến tài sản của đất nước thành tài sản của nhóm lợi ích. Vấn đề này cũng cần tiếp tục được các cơ quan có trách nhiệm làm rõ./.

Vũ Chiến – Duy Nguyên

Theo Báo Xây dựng

Từ khóa: