Sự kiện hot
12 năm trước

Vinalines đưa “con voi qua mắt lưới” như thế nào?

Theo TS Lê Đăng Doanh, việc mua bán một tài sản lên đến hơn 26 triệu USD các quy trình từ phương án đầu tư, thẩm định đến xét duyệt đều rất chặt chẽ. Vì thế, câu hỏi lớn là tại sao “Con voi lại lọt qua mắt lưới”?

Theo TS Lê Đăng Doanh, việc mua bán một tài sản lên đến hơn 26 triệu USD các quy trình từ phương án đầu tư, thẩm định đến xét duyệt đều rất chặt chẽ. Vì thế, câu hỏi lớn là tại sao “Con voi lại lọt qua mắt lưới”?

Làm trái chỉ đạo của Thủ tướng

Ông Dương Chí Dũng, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, nguyên chủ tịch HĐQT Vinalines bị khởi tố vì liên quan đến các sai phạm trong dự án đầu tư xây dựng nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines phía Nam của Công ty sửa chữa tàu biển Vinalines (thuộc Vinalines).

Theo tài liệu họp báo về vụ án xảy ra tại Tổng công ty Hàng hải VN, ông Dũng đã cố ý làm sai các chỉ đạo của Thủ tướng.

Cụ thể, theo đề nghị của Vinalines, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc cho phép triển khai lập dự án đầu tư xây dựng một nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam bằng nguồn vốn tự huy động theo đúng các quy định hiện hành.

Thủ tướng giao Bộ GTVT cập nhật dự án này vào quy hoạch điều chỉnh phát triển ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam, trình Thủ tướng xem xét, quyết định. Tuy nhiên, đến nay chưa có quyết định bổ sung xây dựng nhà máy này vào quy hoạch phát triển tổng thể ngành công nghiệp tàu thủy.

Dù vậy, chủ tịch HĐQT Vinalines vẫn ký quyết định phê duyệt chủ trương lập nhà máy sửa chữa tàu biển tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng mức đầu tư 3.854 tỉ đồng. Sau đó, Vinalines tiếp tục điều chỉnh dự án lên đến hơn 6.488 tỉ đồng và giao Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines làm chủ đầu tư. Tại dự án có hạng mục mua, lắp đặt ụ nổi.

Khối ụ nổi của Vinalines. Ảnh: internet  

Đến năm 2007, ông Trần Hữu Chiều (Phó tổng giám đốc Vinalines, Trưởng ban quản lý dự án nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines phía Nam) đã ký văn bản đề nghị, ông Mai Văn Phúc Vụ phó Vụ vận tải (nguyên tổng giám đốc Vinalines) có văn bản trình để ông Dũng ký quyết định phê duyệt mua ụ nổi 83M với tổng mức đầu tư 14,136 triệu USD.

Trong khi đây là ụ nổi sản xuất năm 1965, đã bị hư hỏng nặng, không còn hoạt động, bị Cơ quan đăng kiểm Nga dừng cấp phép kiểm định, quá thời hạn theo quy định là 22 năm, không đủ điều kiện nhập khẩu về Việt Nam.

Sau khi đưa ụ về Việt Nam, Vinalines đã ủy quyền cho Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines tổ chức sửa chữa hết 193 tỉ đồng, khiến tổng mức đầu tư của việc mua ụ lên đến 26,3 triệu USD. Sửa chữa xong, ụ nổi không được đưa vào sử dụng do chưa có nhà máy nên hiện nay phải neo đậu tại cảng Gò Dầu B với chi phí phát sinh thường xuyên gần 1 tỉ đồng.

Đáng chú ý, giá mua ụ nổi này và các loại chi phí tính đến 9/2011 là hơn 489 tỉ đồng, tương đương 70% giá đóng mới bình quân trên thị trường thế giới (giá đóng mới ước tính 37,5 triệu USD).

Việc đầu tư ụ nổi nhưng không thể đưa vào sử dụng đã làm lãng phí nguồn vốn đầu tư. Thanh tra Chính phủ xác định những việc làm này có dấu hiệu cố ý làm trái các quy định của pháp luật về đầu tư, gây lãng phí gần 514 tỉ đồng.

Theo thanh tra Chính phủ, trong quá trình sửa chữa, Vinalines không thuê đơn vị tư vấn chuyên ngành thẩm tra để làm căn cứ phê duyệt dự toán, điều chỉnh tổng mức đầu tư, đấu thầu sửa chữa mà chỉ căn cứ vào báo giá của công ty sửa chữa để phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư. Điều này dẫn đến hàng loạt sai phạm trong việc thực hiện các hợp đồng sửa chữa ụ nổi này.

Còn Bộ Công an thì nhận định, việc làm của các ông Dũng, Phúc và Chiều là trái ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Luật đầu tư, Luật đấu thầu.

Vì sao “Con voi lọt qua mắt lưới”

Theo TS Lê Đăng Doanh, việc mua ụ nổi đã quá thời hạn với số tiền lên đến 26,3 triệu USD mà từ năm 2007 đến nay mới có kết luận về sai phạm là rất bất thường.

Việc mua một tài sản có giá trị lớn như vậy phải có phương án đầu tư, có cơ quan định giá, có sự giám sát độc lập, trình lên các cấp xét duyệt. Tất cả các quy trình này đều được quy định rất rõ ràng và chặt chẽ.

Mua một cái ụ nổi cũ như vậy, chứng tỏ từ dự án đầu tư, phương án đầu tư xét duyệt, giải trình đều có vấn đề không rõ ràng.

“Tại sao lại có thể đưa một con voi lọt qua các lỗ kim được? Rõ ràng có thiếu sót rất lớn từ các cơ quan thẩm định. Tôi đặt cũng đặt một dấu hỏi lớn là tại sao có thể thiếu sót lớn đến như thế và nhiều lần đến như thế”, ông Doanh nhấn mạnh.

Theo ông Doanh, để xảy ra sự việc trên là có 1 lỗ hổng rất đáng ngờ trong quy trình quản lý của các cơ quan có trách nhiệm. Cụ thể thứ nhất Bộ GTVT là cơ quan quản lý cấp trên, thứ hai - Bộ Tài chính là cơ quan chủ sở hữu vốn của nhà nước.

“Hai Bộ này phải có giải trình cụ thể về vấn đề này”, ông Doanh nói.

Ông Doanh cho rằng, vấn đề này cần phải điều tra làm rõ. Nhưng đây là một hành động lạm dụng tiền vốn nhà nước để mưu đồ mục đích riêng.

“Làm được như vậy chắc chắn phải có sự lót tay, lắt léo trong các khâu thẩm tra, kiểm định và phê duyệt thì mới mua 1 đống sắt vụn với giá cao đến như vậy”, ông Doanh nhấn mạnh.

TS Lê Đăng Doanh: "Ông Dũng bỏ trốn như 1 tên trộm"

"Việc ông Dũng được bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Hàng hải VN là một sai sót lớn. Vì quy trình bổ nhiệm cán bộ rất chặt chẽ, khó có thể để lọt một con ruồi, con muỗi nào.


Ngoài ra, việc ông Dũng bỏ trốn cũng giống như hành động của một tên trộm chuyên nghiệp, chứ không phải là cách cư xử của một quan chức. Cái này để lại một hình ảnh rất xấu cho người dân và toàn xã hội".

Châu Anh
theo VTC News

Từ khóa: