Sự kiện hot
5 năm trước

Vĩnh Phúc: Nhiều phòng khám tư nhân hoạt động khi chưa có giấy phép

Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đang tồn tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh tư nhân chưa có giấy phép kinh doanh nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động, hoặc có giấy phép kinh doanh nhưng không thể hiện trên biển bản theo đúng quy định.

Theo quy định, các phòng khám phải có biển thể hiện mã số kinh doanh được cấp, tuy nhiên khảo sát tại nhiều phòng khám trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc cho thấy, tình trạng phòng khám chưa được cấp phép vẫn vô tư hoạt động, đơn cử như các phòng khám răng – hàm - mặt, tai – mũi – họng; số khác có biển bảng rõ ràng nhưng số giấy phép kinh doanh lại không có.

Phòng khám không có mã số kinh doanh vẫn hoạt động hàng ngày
Phòng khám không có mã số kinh doanh vẫn hoạt động hàng ngày

Bên cạnh đó, rất nhiều phòng khám đã có giấy phép kinh doanh, tuy nhiên chủ phòng khám vẫn không in mã số giấy phép kinh doanh được cấp lên biển bảng. Theo qiu định, mã số trên thể hiện phòng khám đã đáp ứng đủ các yêu cầu được cấp phép hoạt động như điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nhân lực y tế hay chưa…

Ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Phúc cho biết: “Do các phòng khám khi chưa hoạt động, chờ được cấp phép đã in sẵn biển bảng mà chưa có mã số kinh doanh được cấp và khi được cấp thì họ ngại thay biển gây tốn kém, và đây cũng là vấn đề nhỏ…”.

Liên hệ và làm việc về nội dung này, phóng viên đề nghị Sở Y tế Vĩnh Phúc cung cấp thông tin về số lượng các phòng khám tư nhân hoạt động trên địa bàn tỉnh đã được cấp phép hoạt động.

Được sự giới thiệu của Chánh văn phòng Sở Y tế, phóng viên đã được làm việc với bà Lưu Thị Hồng Lê - Trưởng phòng Quản lý hành nghề Y dược. Tại buổi làm việc, bà Lê hứa sẽ cung cấp số liệu, tuy nhiên nhiều ngày trôi qua, phóng viên vẫn chưa nhận được thông tin.

Điều 41 Nghị định số 109/2016/NĐ-CP Quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Cụ thể như sau:

“Điều 41. Quy định về nội dung biển hiệu của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sau khi được cấp giấy phép hoạt động phải có biển hiệu theo quy định của pháp luật về biển hiệu, không sử dụng biểu tượng chữ thập đỏ trên biển hiệu và có đủ các thông tin cơ bản sau đây:

1. Tên đầy đủ của cơ sở, số giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

2. Địa chỉ của cơ sở ghi trong giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; số điện thoại.

3. Thời gian làm việc hằng ngày.

Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi treo biển hiệu phải tuân thủ các nội dung quy này. Nếu vi phạm có thể bị phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 29 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế”.

Báo Đời sống và Tiêu dùng tiếp tục thông tin vụ việc!

Nhóm PV
Theo Báo Đời sống và Tiêu dùng

Từ khóa: