Sự kiện hot
10 năm trước

Vĩnh Yên: Hướng tới đô thị xanh, đô thị thông minh

Sau hơn 15 năm tái lập tỉnh, trong điều kiện gặp nhiều khó khăn về nguồn vật chất, nguồn lực phát triển, thành phố Vĩnh Yên vượt qua khó khăn thách thức đạt được nhiều kết quả quan trọng trong xây dựng và phát triển thành phố.

Bí thư Thành ủy Vĩnh Yên Nguyễn Văn Chúc: Vĩnh Yên sẽ tập đầu tư xây dựng phát triển hệ thống công nghệ thông tin và truyền thông đồng bộ và hoàn thiện cơ chế quản lý, điều hành các hoạt động của thành phố Vĩnh Yên thông minh trong tương lai.

Bước tăng trưởng kinh tế

Với vị trí là trung tâm chính trị, xã hội, kinh tế, xã hội, văn hóa của tỉnh Vĩnh Phúc, ngay từ khi tái lập tỉnh Vĩnh Yên luôn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp – xây dựng, dịch vụ giảm tỷ trọng nông-lâm-thủy sản.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 23,7%/năm. Năm 2010, giá trị sản xuất công nghiệp – xây dựng chiếm 51,3%, thương mại - dịch vụ 46,3%, thu nhập bình quân 2926USD.

Đến năm 2013, công nghiệp chiếm 43,2%, thương mại dịch vụ chiếm hơn 55%, bình quân thu nhập tăng lên 85 triệu đồng/năm; thu ngân sách đạt trên 1.939 tỷ đồng.

Về công nghiệp xây dựng, Vĩnh Yên coi trọng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hoàn thiện các khu, cụm công nghiệp phát triển kinh tế xã hội. Thành phố đã thu hút 160 dự án FDI và 71 dự án DDI, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động, chủ yếu trên lĩnh vực: dệt may, phụ tùng ô tô, linh kiện điện tử,…

Với mục tiêu đưa ngành thương mại – dịch vụ trở thành ngành kinh tế chủ yếu, Thành phố Vĩnh Yên đã quy hoạch các khu du lịch, dịch vụ, mạng lưới chợ, thu hút đầu tư phát triển thương mại dịch vụ.

Đến nay, trên địa bàn đã có nhiều loại hình dịch vụ được hình thành và phát triển; số doanh nghiệp, hộ kinh doanh, khách sạn, nhà hàng, du lịch, dịch vụ chất lượng cao tăng nhanh.

Hiện nay, trên địa bàn có 16 siêu thị, trên 5.400 cơ sở kinh doanh. Hình thành các khu quy hoạch phát triển du lịch, dịch vụ: Trại Ổi, Chùa Hà, Nam Đầm Vạc, Bắc Đầm Vạc, khu vực quảng trường, nhà hát đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của nhân dân và du khách.

Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông từng bước được xây dựng, cải tạo, nâng cấp; hệ thống điện, chiếu sáng công cộng, cấp thoát nước, thông tin liên lạc được đầu tư tương đối đồng bộ.

Nhiều công trình được xây dựng tạo điểm nhấn cho thành phố như: Công viên quảng trường nhà hát, Cung thiếu nhi, đài phun nước, cải tạo Đầm Vạc, trang trí đô thị… góp phần cải thiện chất lượng đô thị Vĩnh Yên theo hướng văn minh hiện đại.

Hướng tới đô thị xanh, đô thị thông minh

Trên cơ sở những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế xã hội, thành phố Vĩnh Yên đang hướng tới trở thành thành phố dịch vụ theo hướng văn minh, hiện đại, thân thiện phát triển bền vững, trở thành đô thị loại II cuối năm 2014; trở thành đô thị lõi của đô thị Vĩnh Phúc.

Để phát triển đô thị một cách bền vững, theo hướng đô thị xanh thì hệ thống cây xanh, công viên đô thị đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường sinh thái, là lá phổi xanh của cư dân đô thị; góp phần tạo mỹ quan đô thị, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học.

Trong quy hoạch chung thành phố Vĩnh Yên đến năm 2020 có nhiều công viên cây xanh cùng hệ thống cây xanh được xây dựng. Đến nay, công viên quảng trường nhà hát đã được đưa vào sử dụng tạo thành điểm vui chơi cho nhân dân.

Hoàn thiện cây xanh trên các tuyến phố hiện có và tuyến mới. Xây dựng các vườn hoa, vườn dạo quanh các khu dân cư. Đồng thời, tận dụng tối đa diện tích và không gian đô thị để phát triển thêm diện tích mảng xanh công cộng. Tiếp tục trồng mới cây xanh trên các tuyến đường chưa có cây xanh.

Thực hiện trồng mới cây xanh đồng bộ hạ tầng kỹ thuật trên vỉa hè khi xây dựng đường giao thông. Trong các dự án phát triển hệ thống giao thông bắt buộc phải đưa vào hạng mục trồng cây xanh đô thị.

Công tác giải quyết ô nhiễm môi trường, đặc biệt là môi trường nước đang được thành phố Vĩnh Yên triển khai tích cực. Nhiều dự án về môi trường đường triển khai như: Dự án cải tạo hồ Đầm Vạc nhằm khôi phục lại cảnh quan và giải quyết tình trạng ô nhiễm; Dự án thu gom nước thải trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên sử dụng vốn ODA của Nhật Bản... Khi dự án hoàn thành góp phần thu gom và xử lý toàn bộ hệ thống nước thải sinh hoạt trên địa bàn nội thành, đem lại môi trường đô thị luôn xanh cho thành phố.

Cùng với phát triển đô thị theo hướng đô thị xanh, xây dựng thành phố Vĩnh Yên theo hướng đô thị thông minh đang trở thành xu hướng tất yếu. Ông Nguyễn Văn Chúc, Bí thư Thành ủy Vĩnh Yên nhấn mạnh: Vĩnh Yên sẽ tập trung mọi nguồn vốn, tranh thủ thu hút đầu tư để hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật đạt tiêu chí đô thị loại II vào cuối năm 2014 và hướng tới xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đạt tiêu chí loại I vào năm 2020 mà trọng tâm là đầu tư xây dựng phát triển hệ thống công nghệ thông tin và truyền thông đồng bộ và hoàn thiện cơ chế quản lý, điều hành các hoạt động của thành phố Vĩnh Yên thông minh trong tương lai.

Văn Nhất
theo Xây Dựng

Từ khóa: