Sự kiện hot
12 năm trước

VN đối thoại về công ước chống phân biệt chủng tộc

Trong các ngày 21-22/2, tại Ủy ban Công ước chống phân biệt chủng tộc (CERD) ở thành phố Geneva (Thụy Sĩ), đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam và Ủy ban Công ước CERD đã có hai phiên đối thoại rất bổ ích, cởi mở và thẳng thắn về báo cáo của Việt Nam thực hiện Công ước quốc tế xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc giai đoạn 2000-2009.

Trong các ngày 21-22/2, tại Ủy ban Công ước chống phân biệt chủng tộc (CERD) ở thành phố Geneva (Thụy Sĩ), đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam và Ủy ban Công ước CERD đã có hai phiên đối thoại rất bổ ích, cởi mở và thẳng thắn về báo cáo của Việt Nam thực hiện Công ước quốc tế xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc giai đoạn 2000-2009.


Cán bộ y tế hướng dẫn kỹ năng chăm sóc sức khỏe sinh sản cho các cô đỡ thôn bản.

Trả lời phỏng vấn phóng viên tại Geneva, ông Hà Hùng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Trưởng đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam, cho biết đoàn Việt Nam đã trả lời hơn 40 câu hỏi của các thành viên Ủy ban Công ước CERD, xoay quanh vấn đề đảm bảo các quyền của người dân tộc thiểu số do công ước quy định.

Nhiều câu hỏi đề cập đến các biện pháp xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội cho người dân tộc thiểu số trong thời gian tới, những khó khăn thách thức khi thực hiện các chương trình, chính sách cho họ, việc bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số trong hội nhập kinh tế và hiện đại hóa, giáo dục, xóa bỏ định kiến đối với người dân tộc thiểu số, sự tham gia của người dân tộc thiểu số trong quá trình xây dựng chính sách, chương trình, dự án liên quan đến họ, các biện pháp định canh, định cư, đền bù lấy đất làm thủy điện và các công trình quan trọng, đề nghị cho biết những người dân tộc thiểu số có chức vụ cao.

Trả lời vấn đề dạy chữ viết, tiếng nói dân tộc thiểu số và song ngữ, đại diện Việt Nam cho biết Chính phủ đã ban hành Nghị định số 82 quy định việc dạy học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên.

Năm học 2010-2011, việc dạy tiếng dân tộc thiểu số được triển khai ở gần 7.010 trường, 4.760 lớp và 1.540 giáo viên dạy chữ tiếng dân tộc. So với năm học trước, tăng 140 lớp với 2.500 học sinh, tăng nhiều nhất là học sinh tiếng Mông và tiếng Ba Na. Hiện nay, Việt Nam cũng đang nghiên cứu thực hành giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ được Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện, có sự hợp tác của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc.

Ủy ban cũng yêu cầu có thêm thông tin liên quan đến chính sách cho 5 nhóm dân tộc rất ít người. Trả lời vấn đề này, Việt Nam cho biết các dân tộc rất ít người, đặc biệt khó khăn thì có chính sách riêng.

Bên cạnh việc cùng hưởng các chính sách, chương trình dự án đối với dân tộc thiểu số như tín dụng ưu đãi, việc làm, giáo dục đào tạo, y tế, đào tạo nghề, đất đai, nhà ở, nước sinh hoạt, hỗ trợ sản xuất, 5 nhóm dân tộc rất ít người này được hưởng các dự án đầu tư trực tiếp như xây dựng điểm tái định cư tập trung do nhà nước đầu tư toàn bộ hạ tầng (đường, điện, trường, nhà ở, nước, hỗ trợ sản xuất, nâng cao năng lực cho người dân trong sản xuất, cử cán bộ đến trực tiếp hướng dẫn, giáo dục, bảo tồn văn hóa).

Trả lời câu hỏi liên quan đến các thông tin có sự kỳ thị, định kiến đối với người dân tộc thiểu số, Việt Nam khẳng định pháp luật nghiêm cấm kỳ thị dân tộc. Các thông tin về vấn đề này có thể dựa trên việc hiểu và đánh giá chưa đúng và hết ý của người nói, cũng như chưa hiểu hết ngữ cảnh của vấn đề. Liên quan tới việc chuyên gia độc lập về vấn đề thiểu số có đề cấp đến vấn đề trên và nêu một tổ chức phi chính phủ cho rằng có sự kỳ thị thể hiện qua cách sử dụng từ ngữ cụ thể, đại diện Việt Nam cho biết Việt Nam đã cung cấp thông tin làm rõ hơn vấn đề này và báo cáo của chuyên gia độc lập đã ghi nhận đúng ý nghĩa của các từ ngữ được nêu.

Về chính sách việc làm cho người dân tộc thiểu số, Việt Nam đã có nhiều chính sách ưu tiên cho đồng bào thiểu số, tạo điều kiện để họ tiếp cận thị trường lao động, tạo việc làm, thúc đẩy phát triển sản xuất, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần.

Đơn cử về giáo dục và đào tạo, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều nghị quyết để giảm nghèo nhanh và bền vững với đối tượng hưởng chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng sâu, vùng xa, trong đó có việc thực hiện chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ học bổng, chi phí học tập cho học sinh, tăng cường dạy nghề gắn với tạo việc làm. Riêng khu vực Tây Nguyên, mục tiêu phát triển giáo dục và đào tạo nghề giai đoạn từ năm 2011-2015 là phấn đấu đạt tỷ lệ 35% lao động được qua đào tạo.

Sau 2 năm thực hiện Đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững, đã có gần 4.500 lao động được xuất cảnh, trong đó lao động thuộc hộ nghèo và dân tộc thiểu số chiếm khoảng 97%.

Phiên thảo luận cũng giành nhiều thời gian cho định nghĩa phân biệt chủng tộc theo điều 1 của Công ước CERD. Việc pháp luật Việt Nam khẳng định quyền bình đẳng dân tộc, chống mọi hành vi xâm phạm quyền đó hoặc gây thù hận, kỳ thị, chia rẽ dân tộc, và thực hiện các biện pháp hỗ trợ, ưu đãi cho dân tộc thiểu số là hoàn toàn phug hợp với định nghĩa về chống phân biệt chủng tộc tại Công ước CERD.

Việt Nam là 1 trong số 11 quốc gia thành viên trình bày báo cáo thực hiện Công ước CERD tại phiên họp lần thứ 80 của ủy ban công ước, diễn ra từ ngày 13/2- 9/3 tại Geneva, Thụy Sĩ.

Theo TTXVN

Từ khóa: