Sự kiện hot
12 năm trước

Vốn cho nhà đất: Sắp mãn nguyện

Trải qua một năm, vắt qua hai nhiệm kỳ Chính phủ cũ và mới, BĐS không hề nản lòng với việc xin nới tín dụng cho nhà đất. Những tín hiệu mới nhất cho thấy, dường như điều đó sắp "mãn nguyện".

Trải qua một năm, vắt qua hai nhiệm kỳ Chính phủ cũ và mới, BĐS không hề nản lòng với việc xin nới tín dụng cho nhà đất. Những tín hiệu mới nhất cho thấy, dường như điều đó sắp "mãn nguyện".


Kêu cũng phải biết cách

Nghị quyết 11 của Chính phủ với trọng tâm thắt chặt chính sách tiền tệ và đầu tư đã tác động đến hầu hết các hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó, BĐS bị nặng nề nhất vì xem là đối tượng chính trong nhóm tín dụng phi sản xuất. Không những bị hạn chế tăng trưởng mà cho vay phi sản xuất và BĐS còn bị yêu cầu giảm xuống 16% vào cuối 2011. Cùng với đó, tín dụng tiêu dùng, đầu tư khác cũng bị thắt chặt khiến cho vốn đầu tư BĐS bị chặn dòng.

Hậu quả đến tức thì là kéo dài khi thị trường trở nên đóng băng, giá giảm, DN BĐS chìm trong nợ nần, dân buôn oằn lưng gánh hàng đầu cơ... Càng về cuối năm, hậu quả càng thêm năng nề: tín dụng đơn đổ vỡ, nợ xấu ngân hàng từ BĐS tăng lên, các DN đối mặt với nguy cơ phá sản dù nắm trong tay tài sản nhiều tỷ đồng... Cả thị trường ảm đạm chưa có lối ra, dù hạ giá cũng không bán được.

Xoay xở tìm đủ cách để có vốn nhưng cách nào cùng bí: vốn tự có nhỏ yếu, huy động nhà đầu tư khó khăn, các kênh mới như trái phiếu hay vốn quốc tế chỉ họa hoằn dành cho 1 - 2 DN. Các DN tự nhận ra rằng, nguồn duy nhất vẫn là từ các ngân hàng. Tuy nhiên, điều đó là quá khó khi chính sách chung đã bị đóng khung từ trên xuống.

Khó nhưng biết cách đi và các DN BĐS đã nhìn nhau để có một lộ trình tìm vốn hưu hiệu họ biết cách đi và biết cách chờ đợi để có kết quả.

Đầu tiên, các DN đã đồng loạt kêu ca về khó khăn, về nguy cơ phá sản... việc đó liên tiếp được phản ánh dày đặc đã tạo nên một dự luận đầy sức nặng khiến các cơ quan chức năng không thể không quan tâm vì một số lượng DN lớn, một khối tài sản lớn và hàng loạt nhà đầu tư sẽ chết theo thị trường.

Rồi người ta đã bắt đầu nói về những tác động dây chuyền từ đóng băng của BĐS là khiến cho hàng loạt ngành sản xuất, dịch vụ và cả triệu người lao động bị ảnh hưởng. Tính sơ bộ có đến hơn một chục ngành sản xuất từ: sắt thép, xi măng, vật liêu, nột thất rồi đến các dịch vụ môi giới, đầu tư, nhà thầu xây dựng có nguy cơ chết theo từ BĐS. Và thật khủng khiếp nếu BĐS đổ vỡ.

Với lo ngại tác động rộng lớn, những tiếng kêu đầu tiên cho BĐS dù rất "lạc điệu" nhưng đã được cất lên ngay từ nửa đầu năm. Tất nhiên chừng đó chưa đủ tác động nhưng nó có ý nghĩa quan trọng để "phá băng" cho BĐS.

Từ đó, các DN lớn và đại diện của mình đã có những kiến nghị cứu BĐS ngày càng nhiều hơn. Lần đầu tiên các DN đã có đề nghị có một cái nhìn "đúng hơn" về tín dụng BĐS. BĐS không hẳn chỉ là phi sản xuất mà phải phân rõ các nhóm đối tượng có tiêu chí sản xuất đang chiếm số đông với các nhà đầu tư và xây dựng bất động sản sơ cấp; nhóm thứ cấp chỉ là số ít các dịch vụ và đầu cơ lướt sóng. Thậm chí, trong BĐS còn có những nhón đối tượng xã hội cần được ưu tiên.

Điều này đã khiến Bộ Xây dựng ưng thuận. Vì thế, trong những tháng giữa và và nửa cuối 2011, Bộ Xây dựng đã ít nhất hai lần có những đề xuất lên Thủ tướng và Ngân hàng Nhà nước có những thay đổi tín dụng cho từng nhóm BĐS.

Thế là từ chỗ bị cô lập đến có những tiếng phản biện đầu tiên, BĐS đã có được những đề xuất chính thức từ cơ quan chủ quản lên Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Lộ trình đó kéo dài đến gần nửa năm nhưng xem ra mới chỉ là bước đầu.

Nhận được những thông tin đề xuất đầu tiên, Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước một mặt vẫn kiên quyết thực hiện Nghị quyết 11 với tình thần thắt chặt với BĐS. Thời điểm đó, người ta đã nghĩ những đề xuất đó chỉ là "nói cho có" chứ không thể làm khác được.

Sau những lần đề xuất chính thức, trao đổi qua lại, tín hiệu đầu tiên đã được Ngân hàng Nhà nước phát ra khi cho biết sẽ cùng bạc bạc với các bên để có những tiêu chí đánh giá, phân loại để có điều hành tín dụng hợp lý hơn. Thế là cửa ra đã hé, điều còn lại là phải làm sao cho nó rộng hơn và có hành lang đi lại dễ hơn.

Chính phủ nhiệm kỳ mới, lãnh đạo mới của Ngân hàng Nhà nước bận rộn với lãi suất, vàng và câu chuyện tái cơ cấu. Tín dụng cho BĐS tưởng như tạm gác. Tuy nhiên, niềm vui bất ngờ đến khi trong một văn bản của Ngân hàng Nhà nước thông báo về định hướng điều hành chính sách tiền tệ thời gian tới cho biết sẽ xem xét để đưa một số đối tượng phi sản xuất.

Việc mở cửa thêm cho tín dụng BĐS gần như đã được khẳng định và nó càng được đẩy nhanh khi đến tháng 11, 4 nhóm đối tượng BĐS được đưa ra khỏi thống kê phi sản xuất. Hơn thế, trong định hướng mới đây cho chính sách tiền tệ 2012 thì Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã thể hiện một quan điểm mới về tín dụng cho BĐS. Đến đây, dù không được như trước nhưng có thể nói, lộ trình vận động và tìm vốn của BĐS gần như tới tích.

Thị trường hồi phục?

Đầu tháng 11/2011, 4 nhóm đối tượng được đưa ra khỏi phi sản xuất là: Các khoản vay phục vụ tiêu dùng như sửa chữa nhà và mua nhà để ở mà nguồn trả nợ bằng tiền lương, tiền công của khách hàng vay sẽ không bị liệt vào tín dụng bất động sản; Cho vay để xây dựng nhà để bán, cho thuê hoặc xây dựng nhà ở dành cho người thu nhập thấp, công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế; dự án phát triển nhà ở sắp hoàn thiện và sẽ được bàn giao, đưa vào sử dụng trước ngày 1/1/2012...

Nhìn vào các đối tượng này, rất nhiều nhà đầu tư đã tỏ ra chán nản vì với điều hành trên đây thì không có nhiều hy vọng cho BĐS. Và nếu chỉ thế này thì khó có chuyện BĐS sớm thoát khỏi khó khăn và ế ẩm.

Tuy nhiên, với nhiều người hiểu vấn đề, biết nhìn lại cả quá trình vận động trong gần một năm qua thì đây là điều đáng ăn mừng. Vì sau nhiều nỗ lực, thành quả đầu tiên đã được hiện thực. Kết quả tuy nhỏ nhưng hé mở những khả năng thay đổi lớn hơn khi thời điểm xây dựng chính sách cho 2012 đã đến lúc quyết định.

Đầu tuần này, khi công bố các định hướng chính sách tiền tệ, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã cho rằng, Chính phủ đã chặn đứng được cơn sốt lạm phát thì năm 2012, chính sách tín dụng cũng phải xem xét ở mức độ, điều kiện hợp lý hơn.

Đói với BĐS, năm 2011, Chính phủ đã có những bước đi cơ bản để chúng "xì hơi" và phải duy trì đà này trong năm 2012. Tuy nhiên, cũng phải lưu ý rằng, thị trường bất động sản có một vai trò rất lớn trong nền kinh tế và nếu không cẩn trọng, sẽ để lại những hệ lụy tiêu cực, Thống đốc nói.

Vì thế, theo ông Bình, một mặt không để cho bong bóng tăng thêm, nhưng mặt khác cũng phải khơi dậy tiềm năng đóng góp lớn của chúng cho nền kinh tế. Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đang tập trung nghiên cứu để có những chính sách phù hợp với thị trường này. Bên cạnh đó, chính sách với tín dụng tiêu dùng sẽ có thay đổi.
Ngân hàng Nhà nước sẽ có những chính sách phù hợp theo hướng phù hợp để kích thích sản xuất phát triển. Chẳng hạn, hỗ trợ tín dụng phân khúc thị trường căn hộ cho người thu nhập trung bình, thu nhập thấp ở thành thị và khu công nghiệp.

"Vì thế, đối với một số tỷ lệ cho vay tiêu dùng, cho vay phi sản xuất, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét ở mức độ hợp lý và phù hợp với mặt bằng kinh tế cũng như các mục tiêu kinh tế của 2012", ông Bình nhấn mạnh.

Thế là, năm 2012 mở rộng đến đâu còn chưa thể nói nhưng chắc chắn sẽ rộng hơn so với 2011. và điều kỳ vọng lớn nhất đã thành hiện thực đó là vốn sẽ về với BĐS. Nếu so sánh điều này với đầu 2011 thì chẳng khác nào tình thế đã được đảo chiều. Theo đó kỳ vọng hồi phục sẽ rõ ràng hơn.

Theo các chuyên gia BĐS, việc bơm vốn qua cả hai kênh một là cho các chủ đầu tư, nhất là đầu tư sơ cấp để tạo lập và xây dựng dự án; đồng thời thêm vốn cho người tiêu dùng qua kênh tiêu dùng... sẽ kéo khiến cho cả cung và cầu có thêm sức lực. Nhờ đó, chắc chắn thị trường sẽ gượng dậy. Bên cạnh đó, với giao dịch trở lại, cơ hội cho các nhà đầu cơ lại đến và như thế thị trường lại có thể hy vọng vào sự sôi động.

Một lộ trình vận động thành công đã đi đến đích mong muốn. Ở đó có những sự may mắn và hưởng lợi từ thành quả ổn định vĩ mô. Nhưng cũng không thể không nhìn lại lộ trình vận động và những bước đi tìm vốn của các đại gia BĐS. Đó là một "đẳng cấp".

 Lê Khắc
Theo  VEF 

Từ khóa: