Sự kiện hot
6 năm trước

Vụ “hô biến” thực phẩm chức năng Smarto thành thuốc: Trách nhiệm quản lí thuộc Ban An toàn thực Phẩm TP HCM

Theo lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trong vụ thực phẩm chức năng Smarto quảng cáo sai, trách nhiệm thuộc về Ban An toàn thực phẩm TP HCM.

Hình ảnh được sử dụng để "hô biến" thực phẩm chức năng Smarto thành thuốc chữa bệnh.

Trao đổi với PV, PGS. TS. Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế cho biết: Sau khi Pháp luật Plus vào cuộc phản ánh, chúng tôi đã mời đại diện của Công ty lên làm việc. Sau khi xác định hành vi vi phạm của công ty, Cục An toàn thực phẩm đã tiến hành lập biên bản để xử lí. Đại diện công ty cũng đã thừa nhận hành vi quảng cáo sai khi cho rằng thực phẩm chức năng là thuốc điều trị.

Mặc dù việc công ty An Minh southern lạm dụng website để quảng cáo sai sự thật, có dấu hiệu lừa dối khách hàng trong thời gian rất dài nhưng không hề bị cơ quan chức năng “sờ gáy”. Chỉ đến khi Pháp luật Plus phát hiện và vào cuộc đăng tải thì sự việc mới dừng lại, các cơ quan chức năng vào cuộc xử lí.

Website liên tục sử dụng những từ ngữ gây hiểu nhầm cho khách hàng.

Liên quan đến trách nhiệm trong việc này, Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong cho biết: Việc để Công ty An Minh Southern quảng cáo không đúng sự thật trong thời gian dài như vậy, trách nhiệm của đơn vị quản lí là Ban An toàn thực phẩm (thuộc UBND TP Hồ Chí Minh) vì để xảy ra trên địa bàn thì phải chịu trách nhiệm.

“Về phía Cục An toàn thực phẩm, khi phát hiện các trường hợp tương tự, chúng tôi lập tức vào cuộc xử lí nghiêm. Đồng thời, khi có thông tin báo chí phản ánh, chúng tôi cũng kiểm tra và xử lí ngay,” ông Phong cho biết.

Liên quan đến sự việc, Công ty TNHH An Minh Southern đã có văn bản gửi tới Pháp luật Plus về việc đính chính thông tin và xin lỗi khách hàng liên quan đến quảng cáo sản phẩm Smarto.

Theo đó, công ty thừa nhận trên Website có địa chỉ Smarto.vn và  Anminhsouthern có đăng thông tin giới thiệu về thực phẩm bảo vệ sức khỏe Smarto chưa chính xác.

Ngay khi phát hiện sai phạm, công ty đã đề nghị gỡ bỏ nội dung giới thiệu gây hiểu nhầm và đăng thông báo về việc đính chính thông tin này trên 2 website có địa chỉ trên. Đồng thời, đã báo cáo cơ quan chức năng để chịu hình thức xử lí theo quy định.

Trước đó, như Pháp luật Plus đã thông tin, theo giấy phép xác nhận công bố phù hợp an toàn thực phẩm số 5465/2015/ATTP-XNCB của Cục An toàn Thực phẩm - Bộ Y tế, Smarto là thực phẩm chức năng của Công ty Cổ phần MEOTIS Việt Nam, địa chỉ tại Ki ốt số 3, No9, Khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Sản phẩm được phân phối bởi Công ty TNHH An Minh Southern có địa chỉ tại 105, Trần Thiện Chánh, phường 12, quận 10, TPHCM.

Tuy nhiên, khi quảng cáo và đưa thông tin trên hai website của công ty TNHH An Minh có địa chỉ tại smarto.vn và anminhsouthern.vn, liên tục sử dụng những cụm từ như: “SMARTO – BÍ QUYẾT ĐIỀU TRỊ DỨT ĐIỂM BỆNH DẠ DÀY”, “Tin vui: Thuốc Đông Y SMARTO đặc trị bệnh dạ dày, tá tràng, đại tràng”, “VIÊN UỐNG THẢO DƯỢC SMARTO -  ĐẶC TRỊ BỆNH DẠ DÀY”…

Đặc biệt, những dòng chữ này còn được viết in hoa, sử dụng cỡ chữ to, in đậm và thậm chí là bôi đỏ để "hút mắt" khách hàng.

Để trấn an, Công ty An Minh còn đưa ra thông báo “thuốc đông y đặc trị bệnh dạ dày Smarto đã được Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận về chất lượng nên mọi người hoàn toàn yên tâm sử dụng”.

Liên quan đến sự việc này, Luật sư Phùng Văn Cầu, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Minh Thư - Đoàn luật sư TP Hà Nội, cho rằng, với những lời lẽ quảng cáo trên website cho rằng thực phẩm chức năng là thuốc điều trị bệnh về dạ dày, công ty THHH An Minh đang có dấu hiệu quảng cáo sai sự thật.

Theo Luật sư Cầu thì hiện nay chế tài xử phạt đối với hành vi quảng cáo trên được quy định tại điểm b khoản 5 điều 51 Nghị định 158/2013 quy định về  xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.

Tùy vào hình thức vi phạm và loại sản phẩm cụ thể được quảng cáo mà doanh nghiệp có hành vi quảng cáo sai sự thật sẽ bị xử lý bằng hình thức phạt tiền với giá trị khác nhau từ 10.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng.

Đặc biệt, đối với các sản phẩm sữa, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, sản phẩm dinh dưỡng..., doanh nghiệp còn có thể chịu thêm mức phạt từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng cho hành vi quảng cáo sản phẩm không đúng với các tài liệu về an toàn vệ sinh thực phẩm hoặc công bố hợp quy.

"Trong trường hợp quảng cáo sai sự thật có đầy đủ dấu hiệu của hành vi “quảng cáo gian dối” theo quy định của Điều 168 Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009, cơ quan có thẩm quyền sẽ căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm mà áp dụng chế tài hình sự thích hợp.

Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền đến 50.000.000 đồng, bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm," Luật sư Cầu cho biết thêm.

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.

Theo Pháp Luật Plus

Từ khóa: