Sự kiện hot
12 năm trước

Vụ phá rừng nghiêm trọng: Che giấu thông tin?

Chủ trì cuộc họp tại huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) về vấn đề rừng đầu nguồn biên giới bị tàn phá, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Đình Sơn đã nói rằng, đây là vụ việc cực kỳ nghiêm trọng, tỉnh kiên quyết chỉ đạo xử lý triệt để.

Chủ trì cuộc họp tại huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) về vấn đề rừng đầu nguồn biên giới bị tàn phá, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Đình Sơn đã nói rằng, đây là vụ việc cực kỳ nghiêm trọng, tỉnh kiên quyết chỉ đạo xử lý triệt để.

“Hết sức nghiêm trọng”

Sau khi VietNamNet thông tin về vụ phá rừng lớn chưa từng có ở Hà Tĩnh, ngày 5/3, ông Lê Đình Sơn đã đến tận hiện trường vụ phá rừng nghiêm trọng tại biên giới để kiểm tra thực tế.

Sau khi tận mắt chứng kiến số lượng gỗ khủng khiếp đã bị lâm tặc chặt hạ, một cuộc họp khẩn với các cơ quan ban ngành liên quan đã diễn ra.

Theo thông tin tổng hợp từ các cơ quan chức năng, đến ngày 5/3, lực lượng chức năng đã tổ chức truy quét, phát hiện và thu giữ 955 phiến, lóng gỗ (chủ yếu là bê gỗ dài 3-4 mét, rộng 30-40 cm, dày 20 cm trở lên), ước tính số lượng khoảng 250m3 gỗ từ nhóm 2 đến nhóm 8, tập kết rải rác ở tiểu khu 2, 12,22 thuộc rừng đầu nguồn do Công ty TNHH MTV LN&DV Hương Sơn quản lý .

“Tinh thần chỉ đạo của tỉnh đợt này sẽ là một đợt làm triệt để nhất, chúng ta phải thu hết. UBND tỉnh sẽ chỉ đạo công an điều tra làm rõ nguyên nhân. Nếu đủ điều kiện sẽ cho khởi tố. Tất cả gỗ thu hồi sẽ công khai bán đấu giá và sung công quỹ”, ông Lê Đình Sơn nói.


Cuộc họp khẩn cấp được tiến hành sau lần thực tế của ông Phó chủ tịch tỉnh. Tại đây, sau khi nghe chủ rừng báo cáo về số lượng gỗ được phát hiện năm 2011 (93 khối), thì rất nhiều cơ quan đã “ngớ người” trước thông tin trên.

Sau khi nghe các cơ quan chức năng báo cáo, ông Sơn kết luận: Việc quản lý bảo vệ rừng của Công ty Lâm nghiệp Dịch vụ Hương Sơn mặc dù đã có chấn chỉnh, nhưng tình hình vẫn chưa có gì mới hơn.

Diễn biến phức tạp về chặt phá rừng, buôn bán, tàng trữ vận chuyển vẫn tiềm ẩn vấn đề hết sức nghiêm trọng.

Số lượng gỗ giữ và đếm từ 14/2 đến nay là 955 bê (gỗ thành khí) và lóng, mà chủ yếu là bê. Nếu như thế ước tính tương đương với xấp xỉ 250 khối. Trong số 955 bê, và lóng chủ yếu khai thác, chặt hạ trước năm 2012 và chủ yếu trước tháng 6/2011.

Ông Sơn nhận định, ngoài số gỗ bị triệt hạ từ lâu được phát hiện thì có khoảng 20% số gỗ bị khai thác là mới. Tức việc phá rừng vẫn tiếp diễn liên tục.

“Điều đáng nói ở đây là có 5 nhà tạm của lâm tặc nằm bên bờ đường đi lên biên giới Lào. Vậy chủ quản lý rừng ở đâu, chủ rừng ở đâu, kiểm lâm ở đâu, biên phòng ở đâu?”, ông Sơn nghi vấn.

Vấn đề nữa là báo cáo số lượng gỗ bị khai thác từ tháng 6/2011 đến tháng 01/2012 nhưng số liệu này không được cập nhật trong 2 lần thanh tra và chuyên án của công an.

Kể cả số lượng 141 khối mà chủ rừng và kiểm lâm báo cáo cũng chưa đúng. Thực tế cho đến hiện nay tính cả lực lượng biên phòng thu gom nữa là khoảng 250 khối. Từ đó có thể thấy con số 955 cũng có thể chỉ mới là bước đầu.

Khoảng 250 khối gỗ đã được phát hiện và chưa dừng lại, cộng với khoảng 100 khối gỗ mà các đoàn thanh kiểm tra thu được vào năm 2011, thì không biết rừng Sơn Hồng bị tàn phá dã man đến mức độ nào?

“Việc truy quét sẽ tiếp tục được tiến hành, do lực lượng biên phòng làm tổng chỉ huy. Thời gian khoảng 1 tuần nữa hoàn thành để báo cáo UBND tỉnh và chờ ý kiến chỉ đạo”, ông Sơn nói tiếp.

Thông tin bị che giấu?

Đáng chú ý, theo báo cáo của chủ rừng là Cty Dịch vụ và Lâm nghiệp Hương Sơn thì trong năm 2011, công ty này đã nhiều lần phát hiện hàng chục khối gỗ và đã báo cáo lên lực lượng kiểm lâm, lần báo cáo đầu tiên vào 6/2011 và lần cuối cùng vào tháng 2/2011.

Thế nhưng sự việc dường như đã không được các lực lượng xử lý trong năm 2011.

Theo điều tra của phóng viên, khu vực rừng Sơn Hồng bị phá trong nhiều năm qua, trong năm 2011, một chuyên án đã được thành lập để điều tra, xử lý.

Tuy nhiên, khi đưa ra kết luận, thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện Hương Sơn đã kết luận, không thể khởi tố vụ án mà chỉ kiến nghị xử lý hành chính.


Theo lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh thì có khoảng 20% số gỗ được khai thác mới đây, chứng tỏ việc phá rừng vẫn diễn ra liên tục trong thời gian qua.

Đến tháng 11/2011, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo thành lập đoàn kiểm tra liên ngành 24 người gồm kiểm lâm, biên phòng, quân sự, các phòng cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ, phòng cảnh sát môi trường để... kiểm tra, đánh giá mức độ thiệt hại của rừng do bị khai thác trái phép tại từ năm 2010-2011 tại địa bàn xã Sơn Hồng.

Tuy nhiên, đợt kiểm tra lần này của đoàn liên ngành cũng không phát hiện thêm nhiều gỗ và các khu rừng bị tàn phá, và cũng không biết đến con số gần 100 khối gỗ mà chủ rừng phát hiện đã được báo cáo (những thông tin chi tiết về 2 lần kiểm tra này chúng tôi sẽ nói rõ trong những ngày tới.)

Việc truy quét rồi cũng đến lúc kết thúc, điều khiến dư luận quan tâm là tại sao rừng biên giới Sơn Hồng bị phá tàn khốc như vậy trong nhiều năm qua mà các cơ quan không hay biết? Mặc dù trên địa bàn có sự “góp mặt” đầy đủ của chủ rừng, kiểm lâm, chính quyền cơ sở và biên phòng?

Và ai sẽ chịu trách nhiệm?

Duy Tuấn
Theo vietnamnet

Từ khóa: