Sự kiện hot
12 năm trước

Vụ ụ nổi bỏ hoang: Lộ diện các đối tác của Vinashin “con”

Như đã phản ảnh trong bài “Ụ nổi hàng trăm tỷ đồng bị bỏ hoang”, trong phi vụ mua bán ụ nổi Venture Dock 2 có rất nhiều “đối tác”. Vậy các “đối tác” này là ai?

Như đã phản ảnh trong bài “Ụ nổi hàng trăm tỷ đồng bị bỏ hoang”, trong phi vụ mua bán ụ nổi Venture Dock 2 có rất nhiều “đối tác”. Vậy các “đối tác” này là ai?

Mẹ - con và bạn hàng ruột

Sau 4 năm ụ nổi Venture Dock 2 nằm ỳ trên vịnh Cam Ranh mà chủ hàng không làm thủ tục hải quan, Cục Hải quan Khánh Hòa đã truy tìm chủ hàng và mời được bà Trần Thị Hiền – Giám đốc Công ty CP Thương mại và Vận tải biển Long Sơn (gọi tắt là Công ty Long Sơn, trụ sở ở TP.Hồ Chí Minh), đến làm việc.

Ụ nổi Venture Dock 2 bị bỏ mặc cho gỉ sét trên vịnh Cam Ranh.

Tại biên bản làm việc, bà Hiền cho biết đã thỏa thuận bán ụ nổi Venture Dock 2 cho Công ty Việt Hải. Công ty này hợp tác với Công ty TNHH một thành viên Đóng tàu Cam Ranh (gọi tắt là Vinashin Cam Ranh) để sử dụng ụ nổi vào việc sửa chữa tàu biển nhưng tỉnh Khánh Hòa không đồng ý.

Trong khi đó, tại văn bản của UBND tỉnh Khánh Hòa nói về sự vụ này ghi rõ: “UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo dự án đầu tư sửa chữa tàu biển trên Dock (Venture Dock2-PV) nổi tại Nhà máy Đóng tàu Cam Ranh (Vinashin Cam Ranh - PV) của Công ty cổ phần dịch vụ Hàng hải Nam Việt…”. Trước đó, Công ty cổ phần Đầu tư và Vận tải dầu khí Vinashin (ĐTVTDK – thuộc Vinashin) đã gửi câu hỏi đến Tổng cục Hải quan về thủ tục mua và nhập khẩu Venture Dock 2.

Sáng 14.6, ông Phạm Xuân Quang – Đội trưởng Đội kiểm soát Cục Hải quan Khánh Hòa, cho biết, những công ty còn lại có quan hệ mẹ - con và đều trực thuộc Vinashin. Cụ thể, Công ty Việt Hải tên chính thức là Công ty CP Vận tải biển và bất động sản Việt Hải trước đây chính là Công ty CP ĐTVTDK Vinashin hoạt động từ ngày 8.8.2002.

Sau 10 lần thay đổi giấy đăng ký kinh doanh, ngày 5.7.2010 công ty này đổi thành Công ty CP Vận tải biển và bất động sản Việt Hải. Công ty CP Dịch vụ hàng hải Nam Việt chính xác là Công ty TNHH một thành viên Vận tải biển Nam Việt, là công ty con với 100% vốn của Công ty Việt Hải, chính thức hoạt động ngày 15.8.2008. Còn Công ty Long Sơn là bạn hàng chuyên làm ăn với Công ty Việt Hải có tên trong danh sách khách hàng liên quan tài chính trong báo cáo tài chính của Công ty Việt Hải.

Thua lỗ đầm đìa

Theo tìm hiểu của NTNN, ngành nghề kinh doanh của Công ty Việt Hải đếm không xuể, gồm hàng trăm ngành nghề từ dưới biển, trên rừng đến xuống ruộng, như các dịch vụ hàng hải trong nước và quốc tế, đóng tàu, nuôi trồng thủy sản, trồng rừng, khai thác khoáng sản, xây dựng… Thậm chí cả câu lạc bộ thể hình, trò chơi điện tử, hồ câu cá, nhà hàng, khách sạn… Nhưng công ty này đang thua lỗ đầm đìa, có thể nói đang dẫn đầu danh sách lỗ và có nguy cơ cụt vốn trong nay mai.

Trong “phi vụ” này xuất hiện ít nhất 3 công ty và theo điều tra riêng của phóng viên NTNN, một trong các công ty này là bạn hàng ruột của Vinashin “con”.

Trong báo cáo tài chính của Công ty Việt Hải (mã chứng khoán VSP) vừa mới công bố, lỗ gộp của công ty trong kỳ là 379,3 tỷ đồng, hoạt động tài chính trong kỳ cũng lỗ hơn 107 tỷ đồng.

Cùng với các chi phí khác, kết thúc quý I.2012, Công ty Việt Hải lỗ ròng từ hoạt động kinh doanh 492 tỷ đồng, lỗ gấp 11,5 lần cùng kỳ năm trước. Hiện nay, Công ty Việt Hải còn nợ hơn 1.800 tỷ đồng, trong đó, có tới 363,445 tỷ đồng là tiền lãi vay chưa trả. Tình hình kinh doanh ảm đạm, thua lỗ đầm đìa đã đẩy giá trị sổ sách của cổ phiếu VSP từ 10.000 đồng xuồng còn 1.900 đồng/cổ phiếu.

Công ty con của Công ty Việt Hải là Công ty Nam Việt còn thê thảm hơn. Theo báo cáo tài chính của công ty mẹ, sau hơn 4 năm đi vào hoạt động, hiện Công ty Nam Việt đang trong giai đoạn quyết toán thuế và hoàn tất các thủ tục giải thể doanh nghiệp.

Từ khóa: