Sự kiện hot
7 năm trước

Vừa lên sàn VietJet Air đã lọt danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất

Tên tuổi của VietJet Air sánh ngang cùng các doanh nghiệp niêm yết lâu năm nằm trong "Danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất" như: Tập đoàn Vingroup, CTCP FPT, CTCP Tập đoàn Masan, CTCP Sữa Việt Nam...

Tạp chí Forbes Việt Nam vừa công bố "Danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất" năm 2017, trong đó đáng chú ý là tên tuổi của CTCP Hàng không VietJet - VietJet Air (Mã: VJC) mới lên sàn HOSE vào cuối tháng 2 vừa qua.

Tên tuổi của VietJet sánh ngang cùng các doanh nghiệp niêm yết lâu năm nằm trong "Danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất" như: Tập đoàn Vingroup, CTCP FPT, CTCP Tập đoàn Masan, CTCP Sữa Việt Nam...

Ngay khi vừa lên sàn, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Tổng Giám đốc của VietJet trở thành người phụ nữ giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam đồng thời được Forbes vinh danh là nữ tỷ phú duy nhất của Đông Nam Á với khối tài sản khoảng 1,7 tỷ USD.

Mới đây nhất, trả lời phỏng vấn của Bloomberg, bà Phương Thảo cho biết mong muốn trở thành công ty đầu tiên tại Việt Nam niêm yết cổ phiếu tại thị trường chứng khoán nước ngoài.

Ảnh: VietJet Air

Các chuyên gia phân tích hàng không tại Trung tâm Hàng không (CAPA) cũng dự báo VietJet sẽ vượt qua Vietnam Airlines để trở thành hãng hàng không nội địa lớn nhất của Việt Nam.

Năm 2017, Vietjet Air đặt kế hoạch doanh thu 42.018 tỷ đồng, LNST 3.395 tỷ đồng, tăng lần lượt 53% và 36% so với kết quả thực hiện năm trước.

Dự kiến đến cuối năm, Vietjet sẽ khai thác 51 tàu bay với tổng sổ 98.124 chuyến bay với lượng hành khách vận chuyển dự kiến 17 triệu lượt khách. Hệ số sử dụng ghế bình quân 88%.

Tại đại hội cổ đông diễn ra cuối tháng 4 vừa qua, ông Lưu Đức Khánh - Giám đốc điều hành cho biết độ tin cậy kỹ thuật của VJC đạt 99,57%, thuộc nhóm cao nhất trong khu vực châu Á Thái Bình Dương.

HĐQT cũng xác định 13 mục tiêu lớn trong năm 2017, trong đó tăng tần suất đường bay nội địa và quốc tế, phát triển vững chắc các đường bay quốc tế; phấn đấu 100% các hoạt động khai thác dựa trên các quy trình tiên tiến và tự động hóa; tiết kiệm 5% chi phí so với năm 2016.

Bên cạnh đó, VietJet cũng sẽ tiếp nhận và khai thác hiệu quả đội bay A321NEO, hoàn thành công tác chuẩn bị sẵn sàng khai thác B737MAX giúp tiết kiệm 15% nhiên liệu; triển khai 3 dự án chiến lược về nguồn nhân lực và đào tạo, về đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng cho đào tạo, mặt đất, kỹ thuật; về hệ thống quản lý tập trung và tự động hóa.

Hoàng Kiều
Theo Kinh tế & Tiêu dùng

Từ khóa: