Sự kiện hot
12 năm trước

Vừa lo tỉ giá vừa lo kích cầu

Thị trường vẫn khá yên ả sau lần nâng tỷ giá gần đây nhất của Ngân hàng Nhà nước (thêm 15 đồng/USD). Sức mua yếu mới là nỗi lo lớn của nhiều doanh nghiệp.

Thị trường vẫn khá yên ả sau lần nâng tỷ giá gần đây nhất của Ngân hàng Nhà nước (thêm 15 đồng/USD). Sức mua yếu mới là nỗi lo lớn của nhiều doanh nghiệp.

Để từ đầu tháng 10/2011 đến nay, sau 14 lần điều chỉnh theo hướng tăng lên, tỉ giá bình quân liên ngân hàng đã tăng thêm 175 đồng/USD. Giá USD tại các ngân hàng thương mại đã tăng vượt ngưỡng 21.000 đồng/USD, mua - bán ở khoảng 21.005-21.011 đồng/USD. Như vậy, theo cam kết không để tỷ giá tăng quá 1% của Thống đốc Ngân hàng nhà nước, tỉ giá bình quân liên ngân hàng đã tăng tương đương 0,84%.

Thị trường yên ả

Là người kinh doanh ngoại tệ, ông Hòa - chủ một quầy thu đổi ngoại tệ ở quận 1, TP.HCM theo dõi khá sít sao các diễn biến kinh tế. Nhóm bạn của ông luôn bàn luận những diễn biến mới nhất, để từ đó tự rút ra những dự báo riêng cho việc làm ăn của mình. Ông lý giải, cơ sở để ông tin chắc vào việc ngân hàng sẽ tiếp tục điều chỉnh tỉ giá là do mức chênh lệch giá đô la giữa ngân hàng và thị trường tự do ở khoảng 600 đồng/USD là bất hợp lý. Duy trì chênh lệch lâu dài sẽ dẫn đến nhiều vấn đề khác nhau trong quản lý cũng như xáo động đời sống kinh doanh. Bên cạnh đó, lạm phát đã tăng khá cao. Ghi nhận ở các quầy thu đổi ngoại tệ, tiệm vàng ở khu vực Q1, Q5 cho thấy, lượng khách đến mua bán đô la trong 5 ngày gần đây giảm khoảng 20% so với 1 tuần trước đó. Bà Hoàng, chủ doanh nghiệp tư nhân cũng có quầy thu đổi ngoại tệ ở khu vực Q1 cho biết: "So với cùng thời điểm năm ngoái thì lượng khách đến giao dịch ở các quầy thu đổi giảm khoảng 30%".

Lý giải về hiện tượng này, bằng ghi nhận cá nhân và qua các bạn hàng trong ngành, bà Hoàng cho rằng, do doanh nghiệp có đô la không mang ra ngoài bán như các năm trước, họ giữ khi nào cần mới bán. Khi bán họ tìm cách hợp tác với ngân hàng, thực hiện các biện pháp kỹ thuật để vừa bán giá cao hơn niêm yết vừa xây dựng mối quan hệ khăng khít với ngân hàng để khi cần mua được hỗ trợ thuận lợi hơn.

Sức mua yếu, thị trường ít biến động

.So với những lần ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỉ giá năm ngoái cũng như trong 6 tháng đầu năm 2011, mỗi khi ngân hàng Nhà nước tăng giá 1 đồng/USD thì giá đô la tự do biến động có khi gấp cả chục đến cả trăm lần. Giá cả thị trường hàng tiêu dùng, giá dịch vụ cũng nhảy múa theo. Nhưng hiện nay đã qua 14 lần điều chỉnh tỉ giá, giá cả hàng hóa, nhất là hàng điện tử, điện máy, mỹ phẩm, quần áo thời trang… nhập bằng đô la, gần như vẫn bình chân như vại. Bởi sức mua chậm, khiến nhà nhập khẩu, phân phối, bán lẻ không dám tăng giá, nhà sản xuất cũng không dám nhập nguyên liệu. Tại các siêu thị điện máy, do sức mua đã giảm khá mạnh, từ 20-50% tùy nhóm hàng, nên cả tháng qua vẫn chưa hề có đợt tăng giá nào, dù tính trong 1 tháng qua, giá đô la đã tăng 0,39%, còn tính 10 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ, giá đô la tăng 9,46%.
Sức mua chậm làm giảm nhu cầu mua đô la từ các doanh nghiệp, bởi họ không đầu tư quá nhiều vào việc dự trữ hàng hóa. Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, chủ hệ thống siêu thị Citimart phân tích: "Bỏ tiền mua hàng nhập bằng đô la bán không hết hàng sẽ bị lỗ, bán hết rồi mà giá đô tăng vọt cũng bị lỗ. Hàng hóa bây giờ không thiếu, cần tới đâu mua vào đến đó sẽ an toàn hơn".

Tương tự, ở Công ty Thực phẩm dinh dưỡng Miền Nam - SNFoods, theo ông Giám đốc Hoàng Thọ Vĩnh, Công ty sẽ tăng sản lượng nếu sức mua có biểu hiện tăng đột biến. "Nhân công, dây chuyền đã sẵn, nguyên liệu có thể bổ sung rất nhanh nên không cần thiết phải dự trữ quá nhiều", ông nói. Tình trạng thiếu vốn cũng ảnh hưởng khá lớn đến thị trường mua bán đô la. Với kinh nghiệm gần 25 năm trong nghề mua bán ngoại tệ, ông Hòa đánh giá: "Thị trường năm nay có nhiều diễn biến khác hẳn các năm trước. Những người đang nắm giữ đô la thấy tỉ giá tăng cũng không vội bán, họ nói với tôi giữ đô la chắc ăn hơn. Những người cần mua đô la, thấy tỉ giá tăng cũng không vội mua do họ thiếu vốn lưu động".

Ông Đào Văn Dung, chủ Công ty Thời trang Đa Gia cũng chia sẻ: "Khi nhìn thấy lạm phát tăng, giá cả hàng hóa tăng, giá vàng tăng… thì tất yếu nhà kinh doanh phải tính toán giá đô la dự phòng để dòng vốn đã đầu tư, sau một chu kỳ xoay trở về sẽ không bị thua lỗ". Tương tự, ông Phạm Ngọc Châu, Phó Tổng giám đốc Công ty thực phẩm Hancofoods cho hay: biến động tỉ giá là điều gần như tất cả các công ty có nhập nguyên liệu từ nước ngoài đều phải tính toán trong khoản dự phòng tăng giá chung là 5%. Lo nhiều nhất là làm sao "đẩy" được sức mua trong dân chúng".
Mùa kinh doanh hàng Tết cuối năm của nhiều doanh nghiệp sẽ là một thách thức lớn. DN


Bích Thảo 
DDDN

Từ khóa: