Sự kiện hot
11 năm trước

Vua săn hổ cuối cùng đất Tây Bắc: Dừng bước giang hồ

Dantin - Ngôi nhà nhỏ heo hút nằm dưới chân những ngọn núi lởm chởm thôn Dộc Yểng (Lạc Thủy - Hòa Bình) yên bình và tĩnh lặng. Ít ai có ngờ chủ nhân từng là chàng thợ săn vang bóng một thời. Ông là Trần Kim Liêu - Vua săn hổ lẫy lừng vùng Tây Bắc những năm 60 của thế kỉ trước.

Dantin - Ngôi nhà nhỏ heo hút nằm dưới chân những ngọn núi lởm chởm thôn Dộc Yểng (Lạc Thủy - Hòa Bình) yên bình và tĩnh lặng. Ít ai có ngờ chủ nhân từng là chàng thợ săn vang bóng một thời. Ông là Trần Kim Liêu - Vua săn hổ lẫy lừng vùng Tây Bắc những năm 60 của thế kỉ trước.

Khắc tinh của thú dữ

Ông Trần Kim Liên sinh năm 1925 tại xã Thanh Thủy, Thanh Liêm, Hà Nam. Năm 1953 ông lên Hòa Bình sống và  lập nghiệp từ đó đến nay.

Ông Liêu nhớ lại: "Lúc ấy, quanh đây chỉ có vài chục nóc nhà, nhưng nhà nọ cách nhà kia khá xa, lại cách núi chừng vài trăm mét. Người dân đi làm đều phải mang theo vũ khí phòng thân. Tối đến không ai dám ra ngoài, khóa kín cửa, chuồng trại gia súc gia cầm cũng được làm rất kiên cố. Vậy mà thú dữ vẫn rình rập giết chóc, nhiều lần còn tha cả người..."

Người dân trong vùng quanh năm phải đối mặt với nỗi sợ hãi mà "ông ba mươi" gây ra. Họ luôn ao ước đánh đuổi được chúng đi để an tâm sinh sống, nhưng đành bất lực bởi vũ khí thô sơ và không có một thợ săn lành nghề cầm đầu.

Không đành lòng trước tai họa hùm beo luôn rình rập tấn công người dân, ông Liên muốn làm gì đó để giúp đỡ họ. Vốn từng tham gia kháng chiến chống Pháp, công tác tại Tỉnh Đội Hà Nam nên ông sử dụng vũ khí khá thành thạo. Lúc này, nhân được một người bạn tặng cho một cái bẫy hổ do người Pháp phát minh, nhưng thấy quá cồng kềnh và không thể áp dụng trong điều kiện địa hình của địa phương, ông Liêu đã tự mình cải tiến. Sau gần một tháng mày mò, dựa vào nguyên bản của chiếc bẫy cũ, ông đã cho ra đời một loại bẫy nhỏ gọn và có tác dụng hơn.

Bức vẽ chân dung ông Liêu vào năm 1956.

Cuối năm 1953 ông đã đề xuất với chính quyền xã và được chấp thuận thành lập đội săn bắn thú dữ bảo vệ cuộc sống của người dân. Chiến công đầu của đội săn do ông Trần Kim Liên làm đội trưởng là vào cuối tháng 12/1953, bắn được một con hổ và một con gấu ngay tại Đồng Tâm, nơi thú dữ hoành hành ác liệt nhất của huyện Lạc Thủy.

Bằng tài thiện xạ và lòng can đảm, ông Liêu cùng đội săn đã tiêu diệt được hàng trăm con thú dữ. Sau một thời gian, nạn thú dữ bắt đầu giảm đi đáng kể trong vùng.

Tiếng lành đồn xa, tài săn bắn của ông Liêu đã vang xa khắp các vùng từ Tây Bắc đến Việt Bắc, nơi nào có thú dữ hoành hành họ lại mời ông đến để tiêu diệt. Ông Liêu kể: " Nhiều nơi mời mình đến lắm, có khi cả tháng trời không ăn ở nhà được một bữa cơm, hầu như nơi đâu ở miền Bắc có người bị hổ tấn công, bước chân của tôi đều đã từng bước qua, nhưng không nơi nào tôi ở quá đến một tháng mới bắn hạ được con hổ đó".

Năm 1956, Ban lãnh đạo khu tự trị Việt Bắc đánh điện về nhờ ông lên bắt hổ. Đó là giai đoạn chàng thợ săn Trần Kim Liêu tung hoành nhất, khắp nơi lưu dấu những chiến công thầm lặng của ông với người dân, từ Lạng Sơn lên Cao Bằng, từ Bắc Kạn sang Tuyên Quang, Hà Giang... "Đi đến đâu mình cũng được dân quý lắm, đấy là niềm vui lớn nhất mà mình nhận được. Bảo vệ cuộc sống cho họ chứ mình không lấy chiến tích hạ được bao nhiêu con hổ, con gấu để làm mục tiêu", ông sung sướng kể.

"Vậy trong cả cuộc đời đi săn của mình ông đã bắn được bao nhiêu con hổ ?". Ông trả lời: "Cả thảy 53 con hổ, vài chục con gấu, báo...”

“Dừng bước giang hồ” để trả nợ rừng

Trong những chuyến đi săn của mình, không phải lúc nào ông cũng "thuận buồm xuôi gió". Đối đầu với "chúa sơn lâm" chẳng khác nào chơi đùa với tử thần. Nếu không có sự nhanh trí và bản lĩnh, đã không dưới một lần chàng thợ săn  Trần Kim Liên suýt thành mồi cho thú dữ.

Ông Liêu đang chăm sóc cây cảnh trong vườn nhà.

Cuối năm 1953, trong một đợt đi săn ở Thung Gia, phát hiện có dấu vết của hổ, ông đặt 5 cái bẫy trên đường đi của chúng. Sáng hôm sau, 2 con hổ bị sập bẫy. Con thứ nhất nhỏ hơn và đã bị kết liễu, còn con thứ hai vẫn không thấy tăm hơi, mặc dù đã dính bẫy khá nặng. “Lần theo dấu vết, do bụi cây rậm rạp nên chỉ nghe tiếng thở phì phò, tôi lầm tưởng là con gấu nên quyết định bắt sống. Không ngờ đó là một con hổ hung dữ và to lớn, nó lao vụt đến. May mà tôi cúi đầu né kịp. Nếu trúng một cú vả của con mãnh hổ đó thì tôi không còn ngồi ở đây”, ông kể lại và diễn tả như con hổ vừa chồm lên.

Trong một lần khác đi săn ở Kim Bôi - Hòa Bình, đội săn của ông có 5 người nhưng chỉ có một cây súng trường tự chế và 5 viên đạn. Xác định được vết cào trên cây xẻ lăng là của một con hổ lớn, ông quyết định bắt bằng được. Bảo một người chạy về lấy thêm súng, còn ông và những người ở lại bám sát theo con hổ. Bất ngờ từ sau vách đá con hổ to lớn gần bằng con bò chồm tới. Ông nằm rạp xuống đất nổ súng. Phát súng đầu tiên trúng phần mềm, con hổ hăng máu vẫn lao tới. Ông nổ phát thứ hai vào bụng, lần này con hổ dè chừng và bỏ chạy. Về sau ông kiểm tra lại thì 3 viên đạn còn lại đều là đạn lép. "Lúc đó may mắn đã cướp tôi khỏi tay thần chết" - Ông Liêu cười.

Chiến công của những cuộc đi săn còn lại.

Ông trầm ngâm: "Tới thời điểm quyết định không săn bắn sát sinh nữa thì khi ấy nạn thú dữ quấy nhiễu người dân đã giảm đi nhiều. Diện tích rừng già không còn được như trước nữa. Tự dưng tôi bỏ nghề cũng không có một lí do nào rõ ràng. Tự thấy trong thâm tâm mình không còn muốn giết thú nữa...".

"Giờ tôi tìm đến cây cảnh như một thú vui. Cuộc đời của mình thăng trầm trên những miền đất dữ. Về già chỉ mong tìm được bình yên". Ông Liêu có 10 người con. Mỗi người đều đã thành đạt và có cuộc sống riêng. Còn hai vợ chồng già vẫn gắn bó với mảnh đất đầy kỉ niệm này. Ông bảo: " Cũng nhiều lần xuống Hà Nội thăm con cháu, bạn bè, nhưng không ở nổi một tuần, ồn ào không hợp với mình. Về đây có rừng vẫn khoái hơn". Tuy đã 87 tuổi nhưng ông vẫn khỏe mạnh, quắc thước với sự rắn rỏi của anh chàng thợ săn ngày nào. Ông ấp ủ dự định biến khu vườn của mình thành khu  sinh thái nghỉ dưỡng. Trong khu vườn của mình, không chỉ hằng ngày chiết cây, ươm giống, ông còn sưu tập nhiều loại cây và đá cảnh. Trong nhà ông vẫn còn nhiều dấu  tích đi săn của một thời vàng son. “Giờ chỉ có thế này thôi, để lại cũng chỉ là kỷ niệm đời săn bắn. Săn được bao nhiêu tôi đem chia cho bà con hết. Nếu như mình mà đi săn vì tiền thì bây giờ đã giàu to. Nhưng có mấy ai ăn không được của rừng", ông rưng rưng.

Hoàng Kông – Quý Nguyễn

Từ khóa: