Sự kiện hot
11 năm trước

Xăng giảm giá, nhưng giá vé xe vẫn tăng

Cho dù giá xăng đã giảm 500 đồng/lít, nhưng nhiều DN vận tải vẫn thông báo đến Cty quản lý bến xe Hà Nội về việc tăng giá vé.

Cho dù giá xăng đã giảm 500 đồng/lít, nhưng nhiều DN vận tải vẫn thông báo đến Cty quản lý bến xe Hà Nội về việc tăng giá vé. Các ngày lễ được nghỉ dài ngày, nhu cầu đi lại lớn, hành khách khó tránh được tình trạng quá tải và nhà xe bắt chẹt giá.


Dịp nghỉ lễ là nhà xe tranh thủ tăng giá, nhồi thêm khách.

Tăng giá từ 7 – 27%

Ông Nguyễn Hoàng Trung - GĐ Cty quản lý bến xe Hà Nội - cho biết: Đã có 5 DN gửi thông báo xin tăng giá cước xe khách, gồm: Cty TNHH Hưng Thành, Cty CP vận tải ôtô Ninh Bình, Cty Bảo Yến, HTX vận tải ôtô Ninh Bình, XN xe khách Nam Hà Nội. Mức giá tăng từ 7 - 27%. Cụ thể: Hà Nội - Sơn La sẽ tăng từ 180.000 - 220.000 đồng; Hà Nội - Hà Giang tăng từ 180.000-220.000 đồng (giường nằm); Hà Nội - Lai Châu tăng từ 300.000 - 320.000 đồng; Hà Nội - Tuyên Quang tăng từ 80.000 -100.000 đồng; Hà Nội - Kim Sơn (Ninh Bình) tăng từ 75.000 - 90.000 đồng; Hà Nội - Na Hang tăng từ 110.000 - 140.000 đồng... Những ngày tới sẽ tiếp tục có DN gửi văn bản thông báo tăng giá cước.

Để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách, Cty sẽ tăng trên 280 lượt xe khách/ngày và 400 lượt xe buýt, trong đó tại bến xe Phía Nam 150 lượt, bến xe Gia Lâm 100 lượt xe, bến xe Mỹ Đình 150 lượt xe.

Điều chỉnh một số tuyến ra khỏi bến Mỹ Đình

Nhằm chấm dứt tình trạng mất trật tự an toàn giao thông và ùn tắc giao thông, đặc biệt là hiện tượng “xe dù,” “bến cóc” đang gia tăng dọc khu vực các bến xe, nhất là bến xe Mỹ Đình, gây bức xúc cho hành khách, Sở GTVT Hà Nội đã có phương án trình TP điều chuyển một số tuyến vận tải hành khách liên tỉnh ra khỏi bến Mỹ Đình về một số bến khác. Theo đó, tuyến đi các tỉnh phía Tây Bắc như Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu sẽ bố trí ở bến xe Yên Nghĩa. Các tuyến đi tỉnh Nam Định, Thái Bình được chia đều cho hai bến Yên Nghĩa và Gia Lâm. Tổng số 525 phương tiện sẽ được điều chuyển; số chuyến xe điều chuyển 433 chuyến/ngày thuộc 59 đơn vị vận tải.

Như vậy, tới đây sau khi điều chuyển, bến Mỹ Đình chỉ còn 800 lượt xe/ngày; bến xe Yên Nghĩa tăng lên 626 lượt xe/ngày; bến xe Gia Lâm 667 lượt xe/ngày. Việc bố trí điều chỉnh các tuyến như trên vẫn đảm bảo hợp lý, vì từ bến xe Yên Nghĩa đi phía Tây Bắc theo quốc lộ 6, còn tuyến Thái Bình, Nam Định đi theo đường 70 hoặc đường Lê Trọng Tấn - Lê Văn Lương kéo dài - đường trên cao vành đai 3 để vào bến xe Yên Nghĩa và đi theo quốc lộ 1 - cầu Thanh Trì hoặc quốc lộ 39, quốc lộ 5 vào bến xe Gia Lâm. Việc phân bổ như vậy sẽ hạn chế tình trạng bắt khách dọc đường, gây mất trật tự an toàn giao thông trên tuyến đường vành đai 3 và đường Lê Văn Lương kéo dài.

Theo ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó GĐ Sở GTVT Hà Nội - có thể đến tháng 5.2013 phương án này sẽ được triển khai. Thời gian đầu, để người dân quen với việc chuyển bến mới, có thể sẽ phải bố trí xe buýt miễn phí chở người dân từ bến Mỹ Đình tới các bến được điều chuyển.

theo Lao động

Từ khóa: