Sự kiện hot
11 năm trước

Xây đập rồi để... lũ cuốn trôi

Để giải quyết tình hình khô hạn, nhiễm mặn ở Quảng Nam- Đà Nẵng hiện nay, Bộ NNPTNT và địa phương phải bỏ tiền để xây dựng tới 3 con đập nhằm điều tiết nước trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn.

Để giải quyết tình hình khô hạn, nhiễm mặn ở Quảng Nam- Đà Nẵng hiện nay, Bộ NNPTNT và địa phương phải bỏ tiền để xây dựng tới 3 con đập nhằm điều tiết nước trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn.

 Thiết kế đập xả đáy cho vui

Ngày 14.4, tại buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Chống hạn trên hạ lưu sông Vu Gia-Thu Bồn” diễn ra ở TP.Đà Nẵng, ông Đặng Duy Hiển- Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý công trình thuỷ lợi, Thư ký Tổ Điều hành công tác phòng chống hạn của Chính phủ cho hay, dự báo các tỉnh ở Nam Trung Bộ sẽ hạn hán tới tận tháng 8. Hiện nước trong hồ chứa thủy lợi ở Nam Trung Bộ rất thấp, khoảng 20% diện tích cây trồng có nguy cơ mất trắng, phần còn lại phải rất tích cực bơm tát mới duy trì được.

Riêng TP.Đà Nẵng có gần 3.000ha lúa thì phải chống hạn 2.500ha, còn 300ha đã mất trắng. Ngoài ra, gần 1 triệu dân của thành phố luôn đứng trước nguy cơ thiếu nước sinh hoạt. Ông Huỳnh Vạn Thắng- Phó Giám đốc Sở NNPTNT Đà Nẵng cho biết như vậy.


Hạ lưu sông Vu Gia cạn kiệt do Thủy điện Đăk Mi 4 chặn dòng không xả nước.

Tại Quảng Nam, nước sông Vĩnh Điện đã bị nhiễm mặn lên đến 5.000mg/lít, vượt mức cho phép 3.000mg/lít, nên trạm bơm ở đây phải dừng hoạt động và ảnh hưởng nghiêm trọng đến 2.000ha lúa. Còn các huyện Điện Bàn, Đại Lộc phải tốn thêm nhiều tỷ đồng ngân sách để duy trì sự sinh trưởng cho hơn 3.000ha hoa màu vụ đông xuân này, ông Võ Văn Điềm - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Quảng Nam cho hay.

Trao đổi với NTNN, ông Huỳnh Vạn Thắng và ông Võ Văn Điềm thông tin, sau cuộc họp giải quyết vụ đòi nước từ Nhà máy Thủy điện Đăk Mi 4 giữa Đà Nẵng và Quảng Nam trước sự chứng kiến của Tổng cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT), các bên thống nhất tạm thời sẽ chặn dòng Quảng Huế để giải quyết ngay việc khô hạn trước mắt cho dân Đà Nẵng và một số xã của huyện Đại Lộc, Điện Bàn (Quảng Nam). Đến nay tỉnh Quảng Nam đã duyệt kinh phí gần 1 tỷ đồng để làm đập tạm từ bao cát ngăn sông Quảng Huế trong tháng 4.2012, hướng nước về cho Đà Nẵng. Đập tạm này sẽ tự trôi đi khi lũ về, ông Thắng cho hay.

Tuy nhiên, Thủy điện Đăk Mi 4 là “thủ phạm” quan trọng gây thiếu nước ở hạ lưu sông Vu Gia lại đứng ngoài việc này. Công ty Cấp nước Đà Nẵng phải chi hơn 5 tỷ đồng để bơm nước từ đập phòng mặn An Trạch sản xuất nước cho người dân. “Thủy điện Đăk Mi 4 tích nước bán điện, gây hạn hán thì ngó lơ, trong khi chính quyền địa phương phải bỏ tiền túi để tìm mọi cách giải hạn cho Đà Nẵng, Quảng Nam” - ông Huỳnh Vạn Thắng bức xúc.

Ông Thắng còn nói: Thủy điện Đăk Mi 4 thiết kế cửa xả đáy để dùng cho việc xả 25m3/s vào mùa kiệt cho sông Vu Gia nhưng lại đóng im ỉm. Điều này thật vô lý khi hiện nay lượng nước về hồ thủy điện này nằm ở mức trên 25m3/s... Còn theo ông Điềm, không thể trách thủy điện Đăk Mi 4, bởi nếu thủy điện này xả 25m3/s ở cửa xả đáy thì đến 20.6 hồ chứa sẽ cạn sạch nước, khi đó vụ hè thu sắp tới không chỉ Đà Nẵng mà cả Quảng Nam sẽ hạn hán kinh khủng hơn hiện nay.

Bộ Công Thương và EVN làm sai quy trình?

Bên lề buổi tọa đàm, ông Điềm cho biết thêm, nếu như Thủy điện Sông Bung 4 (Quảng Nam) được xây dựng xong trước Thủy điện Đăk Mi 4 như kế hoạch ban đầu của Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thì việc thiếu nước ở hạ lưu sông Vu Gia sẽ không diễn ra nghiêm trọng như hiện nay. Nhưng không hiểu vì lý do gì mà Thủy điện Đăk Mi 4 lại được xây trước.

Ông Huỳnh Vạn Thắng quả quyết: “Không có cách nào ngoài việc Thủy điện Đăk Mi 4 phải xả nước lại cho sông Vu Gia. Chứ bỏ biết nhiêu tiền để chi phí cho nhiên liệu chạy máy, xây đập tạm... tất cả chỉ là biện pháp tạm thời mà thôi. Cũng giống như làm đập bao cát với chi phí tiền tỷ rồi cũng để lũ cuốn trôi”.

Mọi vấn đề liên quan, rồi trách nhiệm trong việc gây khô hạn cho các vùng hạ lưu đang được đưa qua đẩy lại. “Trong khi hiện nay Đà Nẵng luôn trong tình trạng thấp thỏm lo âu trước việc thiếu nước sinh hoạt cho người dân” - ông Thắng lo lắng.

Theo ông Nguyễn Trường Ảnh- Giám đốc Công ty Cấp nước Đà Nẵng, nguồn nước ở sông Cầu Đỏ (vốn cung cấp 95% nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân thành phố) không thể dùng vì bị nhiễm mặn nghiêm trọng. Đập phòng mặn An Trạch phải trưng dụng để thay thế cho nguồn nước sông Cầu Đỏ. Tuy nhiên, con đập này được thiết kế không phải để sản xuất nước sinh hoạt nên luôn tiềm ẩn nguy cơ bị quá tải, hư hỏng.

Theo ông Đặng Duy Hiển, Bộ NNPTNT không đủ thẩm quyền để yêu cầu Thủy điện Đăk Mi 4 xả nước ở cửa xả đáy. Trong quý III/2013, Bộ NNPTNT sẽ tiến hành xây dựng đập điều tiết nước ở sông Quảng Huế, ngoài đập tạm cũng ở sông Quảng Huế và đập ngăn mặn tại sông Vĩnh Điện do tỉnh Quảng Nam xây dựng. 

Đình Thiên
theo Dân việt

Từ khóa: