Sự kiện hot
8 năm trước

Xây dựng lại chung cư cũ B1 Giảng Võ, TP Hà Nội cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp

Bộ Xây dựng đã phúc đáp Công ty cổ phần đầu tư phát triển nhà Gia Bảo (Công ty) về đề nghị hướng dẫn việc triển khai thực hiện dự án xây dựng lại chung cư cũ B1 Giảng Võ, quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội.

 

Theo nội dung một số tài liệu mà Công ty đang triển khai lập Quy hoạch tổng mặt bằng và phương án thiết kế kiến trúc dự án xây dựng lại chung cư cũ B1 Giảng Võ, quận Ba Đình, cụ thể: Ngày 27/4/2015, Công ty có công văn số 1037/PTDA-GB gửi Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đề nghị chấp thuận thiết kế quy hoạch Dự án xây dựng lại nhà tập thể cũ B1 Giảng Võ; Ngày 21/07/2015, Sở Quy hoạch Kiến trúc Thành phố Hà Nội có công văn số 3150/QHKT-P2 báo cáo và đề xuất với Ủy ban nhân dân Thành phố về việc thiết kế quy hoạch dự án xây dựng lại nhà tập thể cũ B1 Giảng Võ; Ngày 25/12/2015, Công ty có công văn số 3106/PTDA-GB về việc đề nghị Ủy ban nhân dân Thành phố chấp thuận đề nghị của Sở Quy hoạch Kiến trúc tại công văn số 3150/QHKT-P2 về quy hoạch tổng mặt bằng và phương án kiến trúc dự án xây dựng lại nhà tập thể cũ B1 Giảng Võ, ý kiến của Bộ Xây dựng như sau:

 


Chung cư cũ D2 Giảng Võ vừa được Công ty Gia Bảo đầu tư xây dựng lại

 

Theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Nghị định 101/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức rà soát lại quy hoạch khu vực có nhà chung cư cần phá dỡ để cải tạo, xây dựng lại theo quy định sau đây:

"a) Trường hợp nhà chung cư cần phá dỡ để cải tạo, xây dựng lại nằm trong khu vực đã có quy hoạch phân khu (tỷ lệ 1/2000 hoặc 1/5000) được phê duyệt và không cần phải điều chỉnh, bổ sung thì việc triển khai quy hoạch thực hiện như sau:

Trường hợp khu nhà chung cư hoặc chung cư độc lập có quy mô diện tích đất nhỏ hơn 2 ha thì chủ đầu tư dự án không phải lập quy hoạch chi tiết mà được phép triển khai lập dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư theo quy định của pháp luật về quy hoạch xây dựng và pháp luật về xây dựng;

Trường hợp khu nhà chung cư có quy mô diện tích đất từ 2 ha trở lên thì chủ đầu tư dự án phải tổ chức lập quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500) trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị trước khi triển khai thực hiện việc lập dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.

Trường hợp nhà chung cư cần phá dỡ để cải tạo, xây dựng lại nằm trong khu vực chưa có quy hoạch phân khu (tỷ lệ 1/2000 hoặc 1/5000) và quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500) được phê duyệt hoặc đã có quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết được phê duyệt, nhưng cần phải điều chỉnh, bổ sung thì chủ đầu tư dự án thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép quy hoạch đối với các khu vực có nhà chung cư cần cải tạo, xây dựng lại theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị trước khi triển khai thực hiện việc lập dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư";

Tại khoản 5 Điều 8 Nghị định số 101/2015/NĐ-CP quy định: "Trên cơ sở quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết của khu vực có nhà chung cư cần phá dỡ để cải tạo, xây dựng lại đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc cho phép điều chỉnh tăng hệ số sử dụng đất, chiều cao công trình, bảo đảm việc đấu nối về hệ thống hạ tầng, phù hợp về không gian kiến trúc theo quy hoạch đã được phê duyệt và hiệu quả đầu tư của dự án".

Theo các quy định nêu trên, việc chấp thuận quy hoạch tổng mặt bằng và phương án kiến trúc dự án xây dựng lại nhà tập thể cũ B1 Giảng Võ thuộc trách nhiệm, thẩm quyền xem xét, giải quyết của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội; đề nghị Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội xem xét, quyết định theo thẩm quyền để tạo điều kiện cho doanh nghiệp sớm triển khai dự án.

 

Theo ông Nguyễn Bá Long – Phó Tổng giám đốc Công ty Gia Bảo – Đơn vị đã xây dựng lại nhà tập thể cũ nguy hiểm D2 Giảng Võ thành Tòa nhà mới đề nghị các giải pháp xây dựng lại chung cư cũ như sau:

Giải pháp 1:

Đề nghị Bộ xây dựng khi ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 101/2015/NĐ-CP của Thủ Tướng Chính Phủ thì phải ghi rõ quy định: “UBND cấp Tỉnh và Quận (Huyện) không phải trả lời đơn, thư về khiếu nại hoặc tố cáo của 30% các hộ dân (thiểu số) trong 1 nhà tập thể cũ đã có Quyết định cưỡng chế di dời sau khi Chủ đầu tư đã ký hợp đồng với 70% các hộ dân trong nhà tập thể cũ đó, Hợp đồng đã ghi rõ về căn hộ được tái định cư trở lại sau này có diện tích và chất lượng cụ thể và tiền hỗ trợ di dời tạm cư.”

Đây là nguyên nhân chiếm 50% trong việc chậm trễ triển khai xây dựng lại các nhà tập thể cũ trong thời gian vừa qua.

Giải pháp 2:

Đề nghị Chủ tịch UBND Thành phố có Quyết định về việc cho phép một số nhà tập thể cũ đủ điều kiện về mặt quy hoạch được phê duyệt trước để góp phần gỡ từng nút thắt trong hơn 1.000 nút thắt hiện nay (1 nhà tập thể cũ được tính là 1 nút thắt); Tổ chức nhiều buổi tọa đàm để trao đổi, phản biện những ý kiến chưa phù hợp về quy hoạch như: Phải phê duyệt quy hoạch cả một khu tập thể cũ gồm 19 nhà tập thể cũ như tập thể Giảng Võ thì mới phê duyệt được từng cái nhà tập thể cũ.

Đây là ý kiến chỉ đúng 1 phần khoảng 20% trong 100% thang điểm. Vì nếu thực hiện như vậy thì vẫn như hiện nay:

Đã hơn 8 năm mà chưa phê duyệt được quy hoạch khu tập thể Giảng Võ vì không phù hợp thực tế. Không phù hợp ở đây là người phê duyệt quy hoạch trước đây chưa quan tâm các chỉ tiêu cụ thể, không hài hòa với người dân và ngân sách nhà nước. .. Nhà “nguy hiểm cấp độ D” C8 Giảng Võ có Quyết định cưỡng chế hơn 1 năm rồi nhưng không thực hiện được thì người thực thi công vụ phải đề xuất với Lãnh đạo UBND Thành phố , đề xuất với Bộ xây dựng và Thủ Tướng Chính Phủ để gỡ vướng mắc.

Ở góc độ quy hoạch nếu làm đẹp thì quá dễ nhưng cần rất nhiều tiền nhưng hiện nay vốn ngân sách không thể đáp ứng được như vậy các kiến trúc sư này chưa thực tế và phải xem xét lại. Chính phủ và Thành phố Hà Nội cần những kiến trúc sư phải biết thêm về tài chính và dân vận. Phải đặt địa vị mình là người dân đã sống hơn 30 năm ở các nhà tập thể cũ đó, phải xuống các hộ dân khảo sát, nói chuyện ít nhất là 30 buổi, mỗi buổi 1 giờ thì mới có được cảm nhận thực tế. Thứ hai, không nên nói là hạ tầng không đáp ứng được nếu xây lên các nhà cao tầng vì thực tế hạ tầng đã được UBND Thành phố nâng cấp và đáp ứng đủ cho các nhà tập thể cũ khi xây dựng lại. Thứ ba, phải biết lo hậu quả nếu có động đất, hỏa hoạn xảy ra thì sao đây? Các nhà quy hoạch phải chịu trách nhiệm trước Pháp luật nếu tham mưu phê duyệt quy hoạch mà các Doanh nghiệp không thực hiện được Dự án xây dựng lại các nhà tập thể cũ.

Thùy Anh
theo Xây dựng

Từ khóa: