Sự kiện hot
12 năm trước

Xem xét “hạ cánh an toàn”

Các CTCK cho rằng, thị trường sẽ tiếp tục điều chỉnh, vì vậy NĐT nên xem xét “hạ cánh an toàn”, nhất là những mã cơ bản và bất động sản.

Các CTCK cho rằng, thị trường sẽ tiếp tục điều chỉnh, vì vậy NĐT nên xem xét “hạ cánh an toàn”, nhất là những mã cơ bản và bất động sản.

Lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 3/5.


Có thể xảy ra 1 nhịp điều chỉnh

(CTCK BIDV - BSC)

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 1,31 điểm (-0,28%) xuống 472,46 điểm; HNX-Index giảm 0,51 điểm (-0,64%) xuống 79,35 điểm. Khối lượng giao dịch tăng mạnh so với phiên trước với 118,2 triệu (thỏa thuận 3,4 triệu) trên HOSE và 89 triệu đơn vị (thỏa thuận 1,85 triệu) trên HNX. Tổng giá trị giao dịch trên cả 2 sàn tăng lên mức 2.500 tỷ đồng.

Khối ngoại mua ròng khá mạnh trên HOSE với giá trị ròng 108 tỷ đồng. Trên sàn HNX, họ mua ròng gần 16 tỷ đồng.

Về xu hướng chung, cả 2 sàn vẫn tiếp tục giao dịch giằng co ở vùng đỉnh ngắn hạn. Thanh khoản tăng mạnh, có thể coi phiên giao dịch 2/5 đã thỏa mãn được đáng kể cả bên bán lẫn bên mua.

Tuy nhiên, điểm tiêu cực là thị trường đang thiếu cổ phiếu trụ cột dẫn dắt trong khi các mã thị giá thấp mang tính đầu cơ ngắn hạn lại đang thu hút được dòng tiền. Ngoài ra, các nhóm cổ phiếu tăng nóng trong thời gian qua đang có dấu hiệu phân phối khá mạnh.

Điểm tích cực trong phiên 2/5 đến từ sự nâng đỡ từ khối ngoại tại các mã bluechip lớn trên HOSE, tuy nhiên động thái này cần thêm thời gian để xác nhận xu thế.

Trên góc độ phân tích kỹ thuật, các chỉ báo động lượng vẫn đang cho thấy tín hiệu phân kỳ. Chỉ số HNX-Index đang dao động trong kênh có xu hướng thu hẹp dần, ở cuối giai đoạn này nhiều khả năng xảy ra đột biến về mức giá. Tuy nhiên với bối cảnh hiện tại, chúng tôi thiên về kịch bản thị trường có thể xảy ra 1 nhịp điều chỉnh nhiều hơn là bứt phá tăng điểm.

Xem xét “hạ cánh an toàn”

(CTCK Mirae Asset)

Lực cầu giá cao yếu khiến bên bán lựa chọn hành động chốt lãi là nguyên nhân chính khiến thị trường giảm điểm phiên 2/5. Hành động bán chốt lãi thường sẽ giảm đi nhanh chóng khi giá cổ phiếu giảm. NĐT nên hạn chế bán ra giá thấp trong phiên 3/5 vì vẫn còn cơ hội bán giá cao trong phiên.

Nhà đầu tư nên xem xét “hạ cánh an toàn”, giảm tỷ trọng cổ phiếu nhất là những mã cơ bản và bất động sản - là nhóm đã tăng mạnh thời gian qua. Hành động mua mới nên hạn chế thực hiện khi cả hai chỉ số đang ở vùng đỉnh cũ.

Sự phân hóa sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn

(CTCK FPT - FPTS)

Phiên giao dịch đầu tiên của tháng 5 tiếp tục chứng kiến sự ‘rung lắc’ mạnh trên cả 2 sàn chứng khoán. Có thể thấy ngưỡng kháng cự tâm lý tại vùng 475 - 480 điểm vẫn tỏ ra là ngưỡng cản lớn khiến chỉ số VN-Index hiện khó có thể bứt khỏi ngưỡng này.

Với mức giảm nhẹ 1,31 điểm vào cuối phiên ngày 2/5, một lần nữa thị trường không tỏ ra quá bi quan khi lực bán chốt lời chỉ tập trung ở một nhóm các mã đã có chuỗi tăng điểm khá mạnh trước đây, điển hình là nhóm khai khoáng.

Bên cạnh đó, qua quan sát của chúng tôi thì dòng tiền đầu cơ đang được duy trì khá tốt, giúp thanh khoản vẫn đạt được hơn 110 triệu cổ phiếu với tổng giá trị hơn 1.700 tỷ đồng chỉ tính cho sàn HOSE.

Kết hợp cùng tâm lý hiện tại của nhà đầu tư vẫn tỏ ra khá lạc quan vào khả năng tăng trưởng trong ngắn hạn của thị trường chứng khoán, chúng tôi cho rằng khả năng cao VN-Index có thể trụ vững trong vùng giá 460 - 470.

Trong các phiên tới, thị trường khả năng tiếp tục giằng co và sự phân hóa các cổ phiếu tốt - xấu sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn. Theo đó khuyến nghị nhà đầu tư đã chốt lời thận trọng trong các phiên tiếp theo và việc giải ngân có thể cân nhắc ở các mã cơ bản tốt sau khi VN-Index test thành công các ngưỡng hỗ trợ dưới trong khu vực 460 - 470 điểm.

Sẽ tiếp tục giằng co

(CTCK ACB - ACBS)

Mặc dù VN-Index mở cửa với một gap-up và dao động trong sắc xanh trong phần lớn thời gian, nhưng lực bán gia tăng về cuối phiên khiến VN-Index đóng cửa giảm nhẹ ngày 2/5. Khối lượng giao dịch tăng cho thấy áp lực bán mạnh.

Do đang dừng ở vùng kháng cự 470-480, VN-Index có thể tiếp tục giằng co trong các phiên tới.

Nếu giảm xuống dưới mức 470, VN-Index có thể giảm tiếp về mức 460. Dưới 460, VN-Index có thể rơi tiếp về 440 hoặc xa hơn là 415-425.

Ở chiều tăng, nếu vượt 480, chúng ta có thể chứng kiến một breakout quan trọng của VN-Index. Theo đó, VN-Index có thể tiếp tục hồi phục về vùng kháng cự tiếp theo ở 520-530.

Tương tự VN-Index, đợt bán mạnh cuối phiên khiến HNX-Index đóng cửa mất điểm ngày 2/5.

Trong các phiên tới, HNX-Index có thể tiếp tục giằng co.

Ở chiều tăng, nếu vượt 81, HNX-Index có thể tiếp tục tiến về mức giá mục tiêu ở 89. Nhà đầu tư lướt sóng có thể mua vào với mức cắt lỗ dưới đáy nhỏ trước ở 77.

Ở chiều giảm, HNX-Index có thể giảm về 77 trong các phiên tới. Dưới 77, HNX-Index có thể giảm sâu hơn về 72 hoặc xa hơn là 69-70.

Rủi ro bước vào một đợt điều chỉnh sâu sẽ dần hiện hữu

(CTCK Bảo Việt - BVSC)

Thị trường có phiên rung lắc mạnh khi thử thách lại vùng đỉnh cũ, xấp xỉ 81 điểm đối với HNX-Index và 480 điểm đối với VN-Index.

Khối lượng giao dịch tăng lên đi kèm tín hiệu đuối sức của cả 2 chỉ số cho thấy một phiên phân phối của thị trường.

Áp lực bán tập trung chủ yếu vào những mã đã tăng nóng, cũng chính là nhóm có vai trò dẫn dắt thị trường trong nhịp tăng điểm vừa qua như HSG, BMC, DRC, VNE và khá nhiều cổ phiếu ngành bất động sản, khoáng sản…

Trong khi đó, tín hiệu dòng tiền luân chuyển sang các mã cổ phiếu “hạng hai”, đặc biệt là những mã mang tính đầu cơ, thanh khoản tốt trên sàn Hà Nội lại tỏ ra khá yếu.

Như vậy, mặc dù xu thế tăng của thị trường hiện vẫn đang được duy trì nhưng rủi ro bước vào một đợt điều chỉnh sâu sẽ dần hiện hữu nếu trong một hai phiên tới không có dòng cổ phiếu nào đủ sức giữ nhịp cho thị trường trong khi nhóm “đầu tàu” sụt giảm.

Chiến lược chốt lời từng phần đối với nhóm cổ phiếu tăng nóng tiếp tục là khuyến nghị của BVSC cho nhà đầu tư. Việc bán đuổi tại vùng giá thấp là chưa cần thiết trong những phiên tới và nhà đầu tư vẫn có thể giữ lại một tỷ trọng cổ phiếu ở mức trung bình, nên ưu tiên các mã chưa tăng nóng bên sàn Hà Nội, khi xu hướng tăng chủ đạo vẫn đang được bảo lưu trên phương diện kỹ thuật.

Hoạt động chốt lời sẽ tiếp diễn

(CTCK Rồng Việt - VDSC)

Sau một thời gian tăng nóng liên tục thì dấu hiệu chốt lời đã bắt đầu xuất hiện trong phiên giao dịch 2/5, điển hình nhất là ở các mã khoáng sản. Với cường độ tăng mạnh trong giai đoạn vừa qua thì chỉ cần tín hiệu chốt lời xuất hiện ở một mã cũng sẽ kéo theo áp lực bán gia tăng mạnh ở nhiều mã còn lại. 

Đáng chú ý có mã KSS và BMC bị bán mạnh khiến biên độ dao động của mã này bị ép từ trần xuống sàn trong phiên chiều, biên độ tăng của các mã khác cũng thu hẹp và cuối phiên chỉ còn KSA và KSB giữ được mức giá trần. Thanh khoản theo đó cũng gia tăng mạnh ở nhóm cổ phiếu này khi các NĐT cho rằng các mã này đang đi vào vùng đỉnh.

Với diễn biến nhanh vào lực bán dứt khoát như vậy, chúng tôi cho rằng hoạt động chốt lời sẽ tiếp diễn đối với các cổ phiếu đã tăng nóng trong thời gian qua, đồng thời, dòng tiền có khả năng sẽ dịch chuyển vào các nhóm ngành còn lại hoặc các mã có KQKD quý I khả quan. Tình thế giằng co ở các mã bluechips sẽ phần nào tác động đến tâm lý giao dịch của NĐT, do đó, chúng tôi kiến nghị NĐT nên thận trọng và tránh mua đuổi cổ phiếu giá cao trong các phiên giao dịch tiếp theo.

Xu hướng tăng vẫn chưa mất hiệu lực

(CTCK Kim Eng - KEVS)

Cả hai sàn giảm điểm nhẹ. Một số cổ phiếu vốn hóa nhỏ, nóng trong đợt tăng mạnh như HSG, KSS, TTF đã chịu áp lực chốt lời mạnh mẽ. Các nhóm chính như ngân hàng, bất động sản, chứng khoán đều yếu. Khối lượng giao dịch tăng trên cả hai chỉ số, đồng loạt vượt qua mức trung bình 10 ngày gần nhất.

Xu hướng tăng trên hai chỉ số vẫn chưa mất hiệu lực, dù đà đi lên đang có phần chậm lại.

Xác suất giảm điểm có thể sẽ cao hơn

(CTCK Sài Gòn - SSI)

VN-Index có phiên tăng điểm trong hầu hết thời gian giao dịch, nhưng cuối cùng lại giảm điểm vào cuối phiên. Chốt phiên chỉ số giảm 1,31 điểm (-0,28%) xuống mốc 472,46 điểm với 135 mã tăng giá, 53 mã giữ tham chiếu và 123 mã giảm giá.

Một lần nữa chỉ số tiến sát vùng kháng cự 475- 479 điểm và chưa vượt được vùng này. Cầu áp đảo trong cả phiên giao dịch buổi sáng và yếu dần vào giao dịch buổi chiều với nhiều mã dư bán khá lớn kể cả các mã tăng nóng cũng dư bán trần. Đồ thị tạo cây nến Bearish Engunfing kèm khối lượng gia tăng đáng kể ở mức gần 114,9 triệu đơn vị, tăng mạnh 43,47 % so với phiên trước ngày nghỉ lễ.

Như vậy thị trường có 3 phiên giằng co ở vùng 465 điểm sau đó bứt phá  lên trên vùng 470 điểm và tiếp tục giằng co tới 4 phiên ở quanh vùng 473 điểm. Cây nến ngày 2/5 có dấu hiệu lực bán tăng mạnh ở cả những mã tăng nóng và như vậy, xác suất giảm điểm có thể sẽ cao hơn trong những ngày giao dịch tới, nhà đầu tư lướt sóng hạn chế mua đuổi theo giá cao trong phiên.

Theo DTCK

Từ khóa: