Sự kiện hot
11 năm trước

Xiếc “xịn” méo mặt vì xiếc “cỏ”

Sau sự việc đoàn biểu diễn nghệ thuật xiếc ở Hải Phòng bị khán giả đuổi đánh, “gánh xiếc” lưu động của Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng bị ảnh hưởng lớn.

Sau sự việc đoàn biểu diễn nghệ thuật xiếc ở Hải Phòng bị khán giả đuổi đánh, “gánh xiếc” lưu động của Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng bị ảnh hưởng lớn.

Sau sự việc đoàn biểu diễn nghệ thuật xiếc ở Hải Phòng bị khán giả đuổi đánh, “gánh xiếc” lưu động của Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng bị ảnh hưởng lớn. Đêm diễn 21/8 của Đoàn 1 tại Quảng Ninh có rất ít khán giả đến xem bởi nhiều người lầm tưởng đây cũng chỉ là đoàn “treo đầu dê bán thịt chó”.


Rạp xiếc lưu động nặng 45 tấn của Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Ảnh: TL

“Quýt làm cam chịu”

Ngày 22/8, ông Đỗ Hùng, Trưởng đoàn 1 – Liên đoàn Xiếc Việt Nam tỏ ra khá buồn bã khi trao đổi cùng phóng viên: “Tối qua chúng tôi bắt đầu khai mạc chuyến lưu diễn tại Quảng Ninh. Nhưng cứ 10 người mua vé thì có đến 7 -8 người nghĩ chúng tôi là những diễn viên vừa bị đánh tại Hải Phòng. Ai cũng tỏ ra nghi ngờ vì nghĩ “xiếc Trung ương” lừa đảo khán giả. Tôi thực sự thấy đau lòng lắm! Bình thường, đêm khai mạc trong một chuyến lưu diễn thế này bao giờ cũng bán hết sạch vé. Sức chứa của rạp lưu động chúng tôi là 1.500 khách, nhưng cả rạp hôm qua chưa đến 300 người xem. Từ đầu năm đến giờ, chưa bao giờ có một buổi diễn mà số lượng khách thấp tệ hại đến vậy”.

Ông Đỗ Hùng cũng cho biết thêm, những người đến xem đoàn diễn hôm 21/8 đa phần là những người ở gần nơi dựng rạp. Bản thân ông Hùng và một số diễn viên của đoàn đã gặp phải những ánh mắt, lời nói không mấy thiện cảm sau vụ việc xiếc “treo đầu dê bán thịt chó” ở Hải Phòng. Khi mang các tờ rơi đi quảng cáo về chương trình, nhiều người không nhận tờ rơi và chỉ buông thõng một câu “lại lừa!”.

Theo ông Hùng, các đoàn xiếc “cỏ” thường “đến” và “đi” rất nhanh. Họ chỉ tổ chức 1 đêm diễn duy nhất vì nếu có tổ chức nhiều đêm cũng rất khó lòng lấy được khách. Họ thường thuê các điểm là nhà thi đấu, sân vận động…để diễn. Điều đáng nói là do “cơ chế” nào đó nên các đoàn xiếc “mạo danh” rất dễ dàng xin giấy phép nên diễn viên của các đoàn xiếc thuộc Liên đoàn Xiếc Việt Nam thường phải ngậm ngùi là “người đến sau”, lĩnh trọn những hậu quả mà các chương trình thiếu nghiêm túc đi trước đã gây ra.

Ế vì quá nghiêm túc?

Ông Vũ Ngoạn Hợp – Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết, mỗi lần đi lưu diễn ở các tỉnh, các diễn viên của Liên đoàn thường phải mang theo đầy đủ các đạo cụ, con thú….đi theo. Đặc biệt, để đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật, đảm bảo chất lượng của các buổi biểu diễn, “gánh xiếc” của Liên đoàn phải mang theo một chiếc nhà bạt bao gồm cả sân khấu và 1.500 ghế ngồi. Chiếc nhà bạt này nặng tới 45 tấn. Để có thể di chuyển được chiếc nhà bạt cũng như toàn bộ đạo cụ, đoàn diễn thường phải chuyên chở trên hơn 10 chuyến xe tải hạng nặng. Để phục vụ cho 5 -7 đêm diễn ở 1 địa điểm thì khâu dựng – hạ chiếc rạp kia và chuẩn bị đã mất từ 8 đến 10 ngày.

Theo ông Vũ Ngoạn Hợp, chính vì thực hiện quá nghiêm túc các quy định về thủ tục hành chính, các quy định về quảng cáo nên việc lưu diễn của Liên đoàn cũng bị ảnh hưởng.

Theo các quy định về quảng cáo, mỗi chương trình biểu diễn nghệ thuật sẽ được treo một số băng rôn nhất định. Nếu treo theo đúng số lượng thì rất khó thu hút được sự chú ý của người dân địa phương. Hơn nữa, Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng không thể cho quảng cáo chương trình bằng các xe loa vì như vậy sẽ vi phạm các quy định về quảng cáo. Theo ông  Hợp, nếu Liên đoàn vi phạm, bị phạt thì cuối năm sẽ rất ảnh hưởng đến công tác thi đua. Trong khi đó, các đơn vị tư nhân dường như ít “sợ” các quy định chung, họ vẫn cho xe loa đi quảng cáo, treo băng rôn ở khắp nơi. Và rất có thể, nếu bị phạt hoặc cấm biểu diễn tại địa phương trong một thời gian nhất định thì lần sau quay lại họ sẽ thay tên công ty khác.

Cả ông Vũ Ngoạn Hợp, ông Đỗ Hùng và nhiều diễn viên khác của Liên đoàn Xiếc Việt Nam đều cho rằng, cơ quan quản lý ở các địa phương nên làm thật nghiêm trong việc cấp phép cho các chương trình biểu diễn. Chỉ có cách quản lý nghiêm túc thì mới loại bỏ được những chương trình giả danh, lừa đảo người xem và khi ấy những chương trình nghệ thuật thực sự có chất lượng mới có chỗ đứng.

Hoàng Phương
theo GĐ&XH


Từ khóa: