Sẵn sàng ra tay giết người khi gặp chuyện không vừa ý hoặc thất tình; từ ý đồ đến thực hiện tội phạm diễn ra rất nhanh, không thể trở tay..., điều gì đang xảy ra trong một bộ phận giới trẻ?
Sẵn sàng ra tay giết người khi gặp chuyện không vừa ý hoặc thất tình; từ ý đồ đến thực hiện tội phạm diễn ra rất nhanh, không thể trở tay..., điều gì đang xảy ra trong một bộ phận giới trẻ?
Bị cáo Châu Quốc Việt (SN 1992, sinh viên, ngụ quận 3 - TPHCM) giết người tình, bị TAND TP xử phạt tù chung thân. Ảnh: Phạm Dũng
TS Trương Văn Vỹ, giảng viên xã hội học tội phạm - Trường ĐH KHXH&NV TPHCM, kiến giải về hiện trạng này.
Người trẻ đang chịu áp lực nặng nề
Tội phạm ở Việt Nam gia tăng và đang trẻ hóa, nhất là tội giết người, mức độ ngày càng ghê rợn, hung bạo. Nhiều vụ án diễn ra thời gian qua báo hiệu trật tự xã hội “có vấn đề”. Dưới góc độ một nhà xã hội học tội phạm, ông đánh giá như thế nào về hiện trạng đó?
TS Trương Văn Vỹ: Đúng là chúng ta phải nhìn nhận một thực tiễn đáng buồn là hiện nay xã hội đang rất phức tạp, tội phạm phức tạp chứng minh cho một xã hội phức tạp. Nếu chúng ta không đánh giá đúng hiện thực, không dám thừa nhận thực tế và có biện pháp kịp thời thì sẽ ảnh hưởng to lớn và lâu dài về mặt xã hội.
Nếu trước đây, từ ý đồ thực hiện một hành vi nào đó đến tội phạm là một quá trình dài thì hiện nay nó diễn ra rất nhanh, không kịp trở tay. Có những vụ giết người dã man mà nguyên nhân chỉ do bất đồng suy nghỉ, nói tiếng trước tiếng sau đã ra tay. Chính vì vậy, các bậc phụ huynh, nhà chức trách khi nhận thấy một người nào đó có biểu hiện sẽ phạm tội thì phải có biện pháp ngăn chặn ngay, nếu chậm trễ thì sẽ dẫn đến hậu quả đáng tiếc.
Ai cũng nói nguyên nhân khiến một bộ phận giới trẻ phạm tội là do thiếu sự quan tâm, quản lý của gia đình; nhà trường thiếu những môn học về đạo đức cũng như kỹ năng sống; xã hội thiếu những sân chơi lành mạnh nhưng thừa cạm bẫy cho giới trẻ; pháp luật không đủ sức răn đe... Theo ông, nguyên nhân thật sự nằm ở đâu?
Đúng là chúng ta có rất nhiều cái thiếu và người trẻ đang phải chịu một áp lực rất nặng nề, những người trẻ tuổi không đủ hiểu biết, thiếu kiên nhẫn, kiềm chế nên hành động nông nổi.
TS Trương Văn Vỹ.
Về giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng giải quyết vấn đề, chúng ta đã bàn rất nhiều, tranh luận rất nhiều nhưng đó chỉ là những lời nói suông, chưa hành động hiệu quả. Chưa chỉ ra chính xác cơ quan nào, cá nhân nào sẽ chịu trách nhiệm việc giúp cho học sinh, sinh viên những kỹ năng sống hiệu quả.
Về phía gia đình, ai cũng biết gia đình là cái nôi quan trọng, quyết định việc hình thành nhân cách một con người. Tuy nhiên, cần nhìn nhận chúng ta còn nghèo nên nhiều bậc phụ huynh phải bươn chải kiếm tiền, ít có thời gian, điều kiện chăm sóc con cái, chưa quan tâm con trẻ đúng mức.
Trong xã hội có 3 kiểu gia đình tiêu biểu là truyền thống, trung dung và tự do. Những gia đình theo kiểu truyền thống ngày càng thu hẹp, gia đình tự do ngày càng tăng và có xu hướng thịnh hành. Những đứa trẻ sinh ra trong những gia đình tự do thường dễ hư hỏng hơn những trẻ ở gia đình truyền thống và trung dung. Trong gia đình tự do, chỉ cần con giận là cha mẹ đã “sợ xanh mặt”. Chính vì cuộc sống thoải mái, tự do, được nuông chiều nên hành vi của những đứa trẻ lớn lên trong gia đình tự do cũng tinh vi, khó kiểm soát hơn.
Cái tôi quá lớn
Con người sinh ra vốn tính bản thiện nhưng trên thực tế vẫn có những vụ trọng án xảy ra mà hung thủ là những kẻ có vẻ hiền lương trong mắt những người xung quanh. Vì sao lại như vậy?
Tất cả những người phạm tội đều có dấu hiệu tâm thần nhưng với đối tượng phạm tội giết người, vấn đề thần kinh của họ nặng hơn. Người bình thường không ai dám cầm dao giết người cả.
“Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, từ lúc sinh ra đến khi lớn lên là một quá trình và không người nào giống người nào. Cái này gọi là quá trình xã hội hóa. Những người sống lệch chuẩn, phạm tội thì gọi là xã hội hóa không thành công. Trong gia đình, ngoài xã hội, mỗi người phải gánh nhiều vai trò khác nhau, rất áp lực và một số trường hợp đã không làm theo mong đợi, yêu cầu của xã hội. Ví dụ, xã hội mong đợi mỗi con người phải sống trung thực nhưng người ta lại gian dối…
Hung thủ Đặng Văn Khuyến vừa ra tay giết người yêu dã man vì cho rằng bị “bội tình”, trong khi giữa họ đã từng có thời gian dài gắn bó yêu thương. Đáng nói là, trước đó anh ta có những hành vi hành hung, đe dọa, tung hình ảnh nhạy cảm lên mạng, thậm chí bỏ không ít tiền để mua “bùa yêu” với hy vọng cô gái quay lại với mình... Vì sao một người có học lại hành động ngu muội, đê hèn như vậy?
Trường đại học chỉ đào tạo về chuyên môn, còn kinh nghiệm sống phải trải qua một quá trình ứng xử, giao tiếp và cả những va vấp trên đường đời. Nói tóm lại, học giỏi chưa chắc đã sống tốt.
Có những người học lực rất tốt, được đào tạo từ những trường đại học hàng đầu, danh tiếng nhưng ứng xử với người khác rất tồi tệ. Vì đâu? Do cái tôi của họ quá lớn, kỹ năng ứng xử, giao tiếp còn hạn hẹp và thiếu sự quan tâm đến những người xung quanh.
Lời khuyên của ông đối với những người lỡ yêu phải người có tâm lý không bình thường là gì? Họ cần phải làm gì để bảo vệ an toàn tính mạng khi bị đe dọa, hành hung?
Nếu rơi vào trường hợp này, phải hết sức khôn khéo, hiểu biết tính cách, quan sát đối tượng của mình. Một khi người nào đó thề quyên sinh vì mình thì họ không thể chấp nhận bị chia tay đột ngột. Nếu không khôn khéo sẽ dễ đưa đối phương vào con đường phạm tội vì họ sẵn sàng hành động điên cuồng, mặc dù biết rằng hậu quả xảy ra rất tồi tệ cho cả hai.
Nếu gặp những kẻ cuồng yêu thì phải nhờ đến sự giúp đỡ của bạn bè, người thân, gia đình cùng với cơ quan công an giải quyết vấn đề. Đừng đơn phương chống chọi vì điều đó rất nguy hiểm.
Theo NLĐ