Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Fed được lợi khi đồng USD mạnh lên trông thấy

Các đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã kéo đồng USD lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ. Dù gây bất lợi cho các đối tác thương mại lớn của Mỹ, đồng bạc xanh mạnh lên có thể đang giúp ích cho Fed.

Mới đây, đồng USD đã leo lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ so với các đồng tiền chính như euro và yen Nhật. Trong tương lai, đồng tiền này được dự đoán là sẽ tiếp tục tăng cao hơn nữa.

Ông Adam Posen, Chủ tịch Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, bình luận: “Trong một thời gian dài, các giao dịch đồng USD, euro, yen Nhật và nhân dân tệ chỉ biến động trong phạm vi tương đối nhỏ. Đây là lần đầu tiên trong hàng chục năm mà mọi đồng tiền đều sụt giá so với USD”.

Mặt khác, trong bối cảnh chỉ số CPI tháng 6 của Mỹ tăng 9,1% so với 12 tháng trước - tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1981, Fed đã báo hiệu về các đợt tăng lãi suất khác. Tại cuộc họp tháng 7, ngân hàng trung ương Mỹ dự kiến sẽ tăng thêm 75 điểm cơ bản.

Washington Post nhận định, đồng bạc xanh mạnh lên chính là bằng chứng cho thấy chiến dịch chống lạm phát của Fed đang bắt đầu phát huy tác dụng, ngay cả khi giá cả nói chung vẫn tiếp tục tăng lên.

Tuy nhiên, ở nước ngoài thì lại là một câu chuyện khác. Do USD mạnh lên, đồng euro và bảng Anh đã suy yếu trong thời gian qua. Điều này khiến cuộc chiến chống lạm phát của châu Âu hay Anh đều trở nên khó khăn hơn.

Chiến thắng bước đầu của Fed

Việc đồng USD tăng mạnh trong những tháng gần đây đã góp phần giúp giảm giá hàng hoá nhập khẩu vào Mỹ. Cuối tuần trước, Bộ Lao động nước này cho biết giá hàng nhập khẩu - không bao gồm nhiên liệu, đã giảm 0,5% trong tháng 6.

Đây là tháng thứ hai liên tiếp chỉ số trên đi xuống. Để so sánh, trong một năm qua, giá hàng nhập khẩu phi nhiên liệu vào Mỹ đã tăng khoảng 4,6% - gần bằng một nửa mức tăng chung của giá tiêu dùng.

Chia sẻ với Washington Post, ông Rhea Thomas - nhà kinh tế cấp cao của quỹ đầu tư Wilmington Trust, đánh giá: “Đồng USD mạnh lên đang giúp kìm chế áp lực lạm phát tại nền kinh tế lớn nhất thế giới”.

Đà tăng vượt trội của đồng USD - thể hiện qua việc chỉ số USD Index tăng 13% từ đầu năm đến nay, cho thấy nền kinh tế Mỹ đã phục hồi mạnh mẽ ra sao sau đại dịch, đặc biệt là khi so với châu Âu và Nhật Bản.

Điều này cũng cho thấy rằng các quan chức Fed - sau khi nhận định sai về áp lực giá cả hồi năm ngoái, đã điều chỉnh chính sách tiền tệ nhanh nhạy hơn so với các đồng nghiệp ở Frankfurt và Tokyo.

Trong năm nay, Fed đã tăng lãi suất ba lần, tổng cộng 150 điểm cơ bản. Ở diễn biến khác, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) mới dự kiến tăng lãi suất lần đầu tiên sau 11 năm vào cuối tháng 7.

Cho tới tháng 9, lãi suất chủ chốt của ECB dự kiến vẫn sẽ ở mức âm, mặc dù lạm phát của khu vực đồng tiền chung euro đã chạm mức 8,6% trong tháng 6, Washington Post thông tin thêm.

Tại Nhật Bản, nơi lạm phát nhiều năm vẫn nằm dưới ngưỡng mục tiêu và chỉ mới tăng vài tháng trước, ngân hàng trung ương vào tháng 6 đã quyết định giữ lãi suất ở mức âm 0,1%.

Ông Marc Chandler - Giám đốc điều hành của nền tảng Bannockburn Global Forex, cho hay: “Các ngân hàng trung ương từng không nhận thức được sự nóng lên của lạm phát và hiện đang phản ứng với tốc độ khác nhau”.

“Mỹ đang thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh tay nhất kể từ năm 1980, trong khi ngân hàng trung ương ở châu Âu và Nhật Bản vẫn án binh bất động”, vị giám đốc rút ra kết luận.

Mặt trái khi đồng USD mạnh lên

Đồng USD mạnh lên không hoàn toàn là tin tốt. Nó đang làm căng thẳng ngân sách của các quốc gia phụ thuộc nặng nề vào nhập khẩu dầu mỏ (sản phẩm được định giá bằng đồng USD). Các nước chịu ảnh hưởng gồm Ấn Độ, Hàn Quốc và Thái Lan.

Một số quốc gia đang phát triển cần nguồn tài chính để trang trải nợ quốc tế như Ecuador và Tunisia cũng chịu tổn thương khi đồng tiền của Mỹ tăng giá quá cao so với rổ tiền tệ.

Mặt khác, các sản phẩm của Mỹ cũng đang trở nên đắt đỏ hơn đối với khách hàng ở nước ngoài. Điều này gây tổn hại cho các nhà xuất khẩu lớn như Boeing - nhà sản xuất máy bay thương mại lớn nhất thế giới.

Các tập đoàn lớn của Mỹ đang chứng kiến doanh thu ở nước ngoài sụt giảm khi quy đổi thành đồng USD. Tháng trước, Microsoft đã hạ dự báo cho quý hiện tại, hãng nói rằng đồng bạc xanh mạnh lên sẽ làm giảm doanh thu dự kiến khoảng 250 triệu USD.

Trước đó, vào tháng 4, gã khổng lồ công nghệ Mỹ là một trong những tập đoàn lớn đầu tiên cảnh báo về sức mạnh của đồng USD. Các giám đốc nói với nhà đầu tư rằng sự leo thang của USD trong ba tháng đầu năm đã khiến lợi nhuận sụt khoảng 225 triệu USD.

Dù giúp Fed, đồng USD mạnh lên lại gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp Mỹ. (Ảnh: Bloomberg).

Theo Morgan Stanley, 30% tổng doanh thu của các công ty Mỹ đến từ các mảng kinh doanh ở nước ngoài. Thu nhập bị ảnh hưởng có thể khiến các doanh nghiệp này cắt giảm chi tiêu ở những khu vực khác, qua đó làm tăng trưởng kinh tế chững lại - điều mà Fed cũng đang cố gắng thực hiện.

Một số ngân hàng trung ương đang cố gắng bắt kịp Fed. Tuần trước, ngân hàng trung ương Canada đã khiến thị trường ngạc nhiên khi tăng lãi suất 100 điểm cơ bản lên mức 2,5% và báo hiệu sẽ tiếp tục động thái tương tự.

Ngân hàng trung ương New Zealand cũng đưa lãi suất chuẩn lên mức tương đương Canada, mức cao nhất trong hơn 6 tháng. Điều chỉnh của Canada và New Zealand diễn ra sau khi ngân hàng trung ương Hàn Quốc nâng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản - động thái mạnh tay nhất kể từ năm 1999.

Áp lực cho các nhà hoạch định chính sách tiền tệ châu Âu là đặc biệt lớn. Đồng euro yếu hơn khiến lạm phát xấu đi, bởi chi phí nhập khẩu hàng hoá từ nơi khác sẽ tăng lên. Lợi ích mà hàng hoá xuất khẩu của Đức nhận được từ đồng tiền tệ yếu hơn đang bị lấn át bởi chi phí năng lượng leo thang do mất nguồn cung giá rẻ từ Nga.

Gần đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết họ đã đạt được một thoả thuận sơ bộ với Pakistan về gói cứu trợ trị giá 1,2 tỷ USD để giúp chính phủ nước này đối phó với tình hình kinh tế tồi tệ. Tuy nhiên, Pakistan sẽ phải cắt giảm trợ cấp năng lượng, dù lạm phát trong nước đang ở mức 20%.

Cơ quan này cũng đang đàm phán với các quốc gia nặng nợ khác như Tunisia, vì lo ngại rằng rắc rối kinh tế ở những nước này có thể dẫn đến bất ổn xã hội, theo Washington Post.

Đồng USD có bị thay thế?

Ở diễn biến khác, đà tăng của đồng USD đã đi ngược lại với những lo lắng được đưa ra hồi đầu năm nay. Khi đó, người ta lo ngại rằng việc chính quyền Tổng thống Joe Biden tích cực sử dụng các biện pháp trừng phạt tài chính để chống lại Nga sẽ khuyến khích các nước khác giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng tiền.

Trái lại, USD vẫn là đồng tiền tệ được nắm giữ rộng rãi nhất trên toàn cầu, chiếm gần 59% tổng dự trữ ngoại hối của các ngân hàng trung ương, số liệu từ IMF chỉ rõ.

Các đợt biến động bất thường của thị trường tiền tệ trong quá khứ đã khơi mào cho chủ nghĩa bảo hộ tại Mỹ, khi công nhân nhà máy đứng lên phản đối việc bị mất công ăn việc làm do sự cạnh tranh ở nước ngoài hoặc khi ngân hàng trung thiết lập lại giá trị của đồng USD, euro và yen.

Trong một cuộc họp năm 1985 tại khách sạn Plaza ở New York, các nước Mỹ, Nhật Bản, Đức, Pháp và Anh đã đồng ý phối hợp nhằm làm suy yếu đồng USD để giúp hàng hoá của Mỹ trở nên cạnh tranh hơn trên thị trường toàn cầu.

Khi đồng euro gặp khó khăn để xây dựng chỗ đứng vào năm 2000, các ngân hàng trung ương của Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đã nhất trí can thiệp để thúc đẩy giá trị của đồng tiền còn non trẻ sau khi nó mất gần một phần ba giá trị ban đầu.

Lần này, các ngân hàng trung ương khó có thể can thiệp như vậy. Hôm 12/7, sau cuộc họp với các quan chức hàng đầu Nhật Bản, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen đã phủ nhận về một động thái phối hợp như trong quá khứ.

“Quan điểm của chúng tôi là, các nước như Nhật Bản, Mỹ và nhóm G7 nên để tỷ giá hối đoái cho thị trường quyết định. Chỉ trong những trường hợp hiếm hoi và ngoại lệ thì chúng tôi mới can thiệp”, bà Yellen nhấn mạnh.

Theo Doanh Nghiệp & Kinh Doanh

Từ khóa: