Sự kiện hot
4 năm trước

Tuyên Quang: Cần tăng cường vai trò, trách nhiệm quản lý đối với hoạt động khai thác tại các mỏ đá

Trong quá trình hoạt động, nổ mìn khai thác đá và sản xuất đá làm vật liệu xây dựng, nhiều mỏ đá ở địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã “phớt lờ” các quy định về bảo vệ môi trường, công nhân thi công mất an toàn lao động.

Những năm qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã đầu tư rất lớn vào việc xây dựng cơ bản, các công trình hạ tầng trên địa bàn tỉnh đòi hỏi khối lượng lớn đá xây dựng. Để đáp ứng nguồn vật liệu cho các công trình, trên toàn tỉnh Tuyên Quang đã cấp phép cho nhiều mỏ khai thác đá.

Tuy nhiên, hoạt động khai thác ở một số nơi được thực hiện không đúng quy định, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường như: bụi, tiếng ồn trong nghiền sàng, vận chuyển đá xây dựng, nguy cơ vỡ đập bãi thải khi có mưa to, lũ quét,...

Cụ thể, năm 2017 Hợp tác xã Biển Vinh đã được UBND tỉnh Tuyên Quang cấp Giấy phép khai thác khoáng sản số 22/GP-UBND ngày 02/6/2017 cho phép khai thác đá vôi bằng phương pháp lộ thiên có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp tại mỏ đá vôi Nà Mèn, xã Lăng Can (Lâm Bình, Tuyên Quang) với diện tích là 16.600 m2 (1,66ha); Mức sâu khai thác thấp nhất: Từ mức +256,8 m xuống đến mức +165,0 m; Trong đó, trữ lượng địa chất cấp 121+122: 1.088.831 m3 (2.972.590 tấn), trữ lượng khai thác cấp 121: 607.810m3; Công suất khai thác là 20.000m3/năm và thời gian khai thác là 30 năm, kể từ ngày ký giấy phép.

Mỏ đá vôi được cấp phép khai thác bằng phương pháp lộ thiên có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp nằm ngay cạnh tuyến đường ĐT 188, dưới chân đèo Khau Lắc. (Ảnh: T.T)

Mỏ đá vôi được cấp phép khai thác bằng phương pháp lộ thiên có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp nằm ngay cạnh tuyến đường ĐT 188, dưới chân đèo Khau Lắc. (Ảnh: T.T)

Theo đó, mỏ đá vôi được Hợp tác xã Biển Vinh quản lý và khai thác nằm ngay cạnh tuyến đường ĐT 188, dưới chân đèo Khau Lắc, là con đường chính nối giữa huyện 2 vùng cao Chiêm Hóa với Lâm Bình (Tuyên Quang) dài hơn 5 km và là tuyến đường huyết mạch dẫn vào trung tâm huyện lỵ Lâm Bình. Mỗi ngày, có đến hàng trăm lượt người và phương tiện qua lại. 

Mặt khác, đèo có địa thế cao, khí hậu mát mẻ cùng những khúc cua uốn lượn qua những thung lũng xanh ngắt ẩn hiện hình dáng bản làng thanh bình. Phong cảnh ở đây mỗi mùa đều mang vẻ đẹp riêng nên hấp dẫn với khách bộ hành và các phượt thủ. Mùa thu mây bay lãng đãng, mùa đông thì lớp lớp những tầng mây, mùa lúa chín thì những thửa ruộng vàng óng đẹp như tấm thảm vàng chạy dài đến tận chân núi, cảm giác như đi giữa chốn bồng lai tiên cảnh.

Thế nhưng, từ khi mỏ đá được cấp phép, trong quá trình hoạt động lại “biến” nơi đây trở thành mối hiểm họa khôn lường, làm mất đi hình ảnh đẹp đẽ, quen thuộc vốn có.

Đại công trường khai thác đá vôi của Hợp tác xã Biển Vinh, núi đá đang bị cày xới nham nhở, lởm chởm đá. (Ảnh: T.T)

Đại công trường khai thác đá vôi của Hợp tác xã Biển Vinh, núi đá đang bị cày xới nham nhở, lởm chởm đá. (Ảnh: T.T)

Một người dân thường xuyên đi lại trên tuyên đường này cho biết: “Vì cuộc sống mưu sinh, tôi thường xuyên phải đi lại trên tuyến đường này, mà mỗi lần đi qua đèo là mỗi lần nơm nớp lo sợ, chẳng may đi qua đúng lúc đơn vị cho nổ mìn mà đá bắn ra thì không biết phải làm như thế nào”.

Cùng chung nỗi niềm, một người đàn ông chia sẻ: “Tôi làm nghề lái xe chở khách nên ngày nào cũng phải đi qua tuyến đường này, vào những ngày nắng và có gió lớn, bụi bặm do phương tiện vận tải và hoạt động khai thác đá bay mù mịt; Còn những lúc mưa lớn thì đá lớn, đá bé trôi từ mỏ đá xuống lòng đường, chặn hết lối đi; Ngoài ra, việc khai thác đá của công nhân khoan nổ tại mỏ tiềm ẩn nguy cơ tai nạn lao động.”

Sau mỗi trận mưa lớn, đá lớn, đá bé lại “kéo nhau” trôi từ mỏ đá xuống lòng đường. (Ảnh: T.T)

Sau mỗi trận mưa lớn, đá lớn, đá bé lại “kéo nhau” trôi từ mỏ đá xuống lòng đường. (Ảnh: T.T)

Có thể dễ dàng thấy được, núi đá đang dần bị bạt phẳng, lởm chởm đá, có nơi bị cày xới nham nhở. Những vạt rừng với cây cối trên núi nhìn cheo leo rất dễ đổ sập. Máy khoan, máy múc hoạt động liên tục. Các bãi đá ngổn ngang nối tiếp nhau và nham nhở như một đại công trường khổng lồ. Đáng nói, tại đây cũng không hề được lắp đặt trạm cân cũng như hệ thống camera để theo dõi, quản lý khối lượng khoáng sản, tải trọng xe.

Một người dân khác lo ngại: UBND tỉnh cấp phép cho đơn vị thực hiện khai thác với thời gian là 29 năm. Thế nhưng cho đến nay, mới chỉ được gần 03 năm mà đã nhiều bất cập, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, gây ô nhiễm môi trường như vậy, mà mỏ đá lại nằm ngay chân đéo, nơi mà tuyến đường huyết mạch đi vào trung tâm huyện chạy qua thì việc hoàn thổ sau khai thác là điều khó khả thi1

Liên quan đến vấn đề mỏ đá hoạt động gây ô nhiễm, mất an toàn lao động, gây nguy hiểm cho người dân và phương tiện tham gia giao thông. Ông Nguyễn Hồng Phong, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) cho biết: Kể từ khi được cấp phép, Hợp tác xã Biển Vinh thực hiện đầy đủ theo giấy phép, quá trình cấp phép khai thác không gây ảnh hưởng gì.

Trao đổi về vấn đề đất đá từ trên mỏ đá trôi xuống lòng đường mỗi khi mưa lũ, ông Phong thừa nhận là có đất đá tràn từ bãi bị xối ra đường, sau mưa lũ sẽ có máy móc khắc phục, không gây ảnh hưởng đến quá trình tham gia giao thông. Còn về việc theo dõi, quản lý khối lượng khoáng sản, tải trọng xe thì vị này cũng thừa nhận, đơn vị không lắp đặt trạm cân xe tải và camera giám sát tại mỏ.

Với những ảnh hưởng từ hoạt động khai thác đá của Hợp tác xã Biển Vinh, thiết nghĩ chính quyền địa phương và cơ quan chức năng tỉnh Tuyên Quang, đặc biệt là huyện Lâm Bình cần khẩn trương kiểm tra, yêu cầu lãnh đạo mỏ đá thực hiện những giải pháp để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, bảo vệ môi trường trong quá trình khai thác, sản xuất đá.

PV

Theo Kinh tế & Đồ uống

Từ khóa: