Sự kiện hot
11 năm trước

6 tháng đầu năm 2013 là “vũ môn” của nền kinh tế

Kinh tế Việt Nam vừa phải trải qua một năm khó khăn và triển vọng trong năm tới cũng không hề dễ hơn. Triển vọng kinh tế 2013 sẽ phụ thuộc rất lớn vào việc thực thi các giải pháp chính sách mạnh mẽ nhằm hiện thực hóa các lĩnh vực cải cách ưu tiên, đặc biệt trong xử lý đồng thời các vấn đề liên quan đến tồn kho cao – nợ xấu – tái cấu trúc hệ thống các tổ chức tín dụng. Thời điểm mấu chốt chính là 6 tháng đầu năm 2013.

ĐÀ PHỤC HỒI DỰA VÀO CÁC NƯỚC ĐANG PHÁT TRIỂN

Sau hơn 4 năm hứng chịu tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, kinh tế thế giới vẫn còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Tuy vậy, so với tình hình các năm 2011-2012, kinh tế thế giới đang có những chuyển biến tích cực. Một mặt, nền tảng thị trường tài chính thế giới đã được cải thiện đáng kể, do tác dụng của các biện pháp nhằm cải thiện tình hình tài khóa ở khu vực EU, những thỏa thuận nhằm tránh vách đá tài khóa và nâng trần nợ công ở Hoa Kỳ… Các thị trường chứng khoán chủ chốt trên thế giới ít nhiều có sự phục hồi, qua đó giúp điều tiết các dòng vốn một cách hiệu quả hơn. Mặt khác, các nước đang phát triển, đặc biệt là ở khu vực châu Á và khối BRICS (Nga, Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ, Nam Phi), tiếp tục phát triển năng động trong những năm tới. Xu hướng tự do hóa thương mại song phương và khu vực vẫn tiếp diễn. Đà phát triển này nếu được duy trì trong năm 2013, sẽ có thể là một điểm sáng chính giúp tạo thêm động lực cho kinh tế thế giới. 

Tăng trưởng kinh tế thế giới nhìn chung sẽ phục hồi trong năm 2013, dù mức tăng không nhiều so với năm 2012. Dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy tăng trưởng kinh tế thế giới có thể đạt 3,5% vào năm 2013, chỉ tăng nhẹ một chút so với mức ước tính cho năm 2012 (3,2%). Trong khi đó, theo Ngân hàng Thế giới (WB), tăng trưởng kinh tế thế giới dự báo đạt 2,4% vào năm 2013, tăng nhẹ so với mức 2,3% của năm 2012.

Xu hướng phục hồi tăng trưởng diễn ra chủ yếu nhờ khối nước đang phát triển. Các nước đang phát triển ở Đông Á và khu vực Thái Bình Dương vẫn tăng trưởng nhanh nhất, dự báo đạt 7,9% năm 2013 so với 7,2% năm 2012.

Cùng với các nỗ lực tự do hóa thương mại, thương mại hàng hóa vẫn tiếp tục tăng trưởng trong năm 2013, với mức phục hồi đáng kể so với năm 2012. Theo WB, lượng hàng hóa được trao đổi trên thế giới dự báo sẽ tăng xấp xỉ 6% trong năm 2013, trong khi mức thực hiện năm 2012 chỉ là 3,5%. Đây chính là một nguyên nhân quan trọng giúp lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới.

Dòng vốn đầu tư nước ngoài vào các nước đang phát triển dự báo vẫn tiếp tục tăng trưởng. Dòng vốn vào các nước đang phát triển ở Đông Á và Thái Bình Dương dự báo cũng tăng nhanh hơn đáng kể so với tăng trưởng kinh tế ở các nước này, khiến các dòng vốn tư nhân (ròng) vào các nước này sẽ tăng từ 3,5% GDP năm 2012 lên 3,8% GDP năm 2013. Triển vọng này tạo cái nhìn lạc quan về dòng vốn đầu tư vào khu vực, mặc dù cạnh tranh giữa các nước ở khu vực nhằm thu hút các dòng vốn này có thể sẽ tăng mạnh.

Một điểm tích cực nữa là giá nhiều hàng hóa cơ bản có xu hướng đi xuống trong năm 2013, sau nhiều năm đứng ở mức cao. Giá dầu thô được WB dự báo giảm từ 105 USD/thùng năm 2012 xuống còn 102 USD/thùng trong năm 2013. Giá các mặt hàng phi dầu thô cũng giảm trung bình khoảng 2%. Ngược lại, giá hàng kim loại cho công nghiệp sẽ tăng khoảng 5,8%, phù hợp với xu hướng phục hồi tăng trưởng kinh tế.

6 THÁNG BẢN LỀ

 Trong những năm gần đây, vốn đăng ký đã giảm, song phần vốn thực hiện giảm không đáng kể. Theo chiều hướng ngược lại, các doanh nghiệp Việt Nam cũng bắt đầu cân nhắc đầu tư ra nước ngoài nhằm tận dụng cơ hội và tăng tiếp cận đối với nguồn tài nguyên (đặc biệt là khai khoáng) ở nước ngoài.

Việc chuyển thắt chặt kinh tế vĩ mô từ đầu năm 2011 theo Nghị quyết 11 mới chỉ nhằm giải quyết vấn đề bất ổn kinh tế vĩ mô trong hướng ngắn hạn, chứ chưa giúp tập trung xử lý các nguyên nhân căn bản của tình trạng này – vốn là điểm yếu cố hữu của mô hình tăng trưởng dựa nhiều vào tăng trưởng tín dụng và đầu tư.

Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn chịu tác động đáng kể của các cú sốc từ bên ngoài. Việc giá gạo và giá năng lượng tăng trên thị trường thế giới trong nhiều thời điểm có thể sẽ gây thêm áp lực đáng kể đối với giá cả trong nước. Trong khi đó, những diễn biến khó lường của các dòng vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các dòng vốn ngắn hạn, cùng với việc neo tỷ giá cũng tạo thêm nhiều áp lực đối với tình hình lạm phát và bất ổn kinh tế vĩ mô trong nước. Trong khi đó, các nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản, EU – những đối tác thương mại và đầu tư chính của Việt Nam – mới ra khỏi khủng hoảng, tốc độ tăng trưởng phục hồi còn khá chậm.

Năm 2011 bắt đầu thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020, và Kế hoạch 5 năm 2011-2015. Tuy vậy, dấu ấn lớn nhất cho đến nay chỉ là việc Chính phủ liên tục phải thực hiện các biện pháp mang tính tình thế nhằm giải quyết các vấn đề kinh tế vĩ mô.

Môi trường kinh doanh đã và đang bộc lộ nhiều yếu tố bất lợi, cả về thủ tục hành chính, hạ tầng. Tồn kho của nhiều ngành, nhất là các ngành công nghiệp, còn ở mức cao. Áp lực lạm phát mới chỉ được đẩy lùi, song vẫn còn hiện hữu trong bối cảnh chính sách được nới lỏng và một số loại giá (điện, tiền lương) tiếp tục được điều chỉnh. Như đã trình bày ở trên, triển vọng kinh tế năm 2013 sẽ phụ thuộc rất lớn vào việc thực thi các giải pháp chính sách mạnh mẽ nhằm hiện thực hóa các lĩnh vực cải cách ưu tiên, đặc biệt trong xử lý đồng thời các vấn đề liên quan đến tồn kho cao – nợ xấu – tái cấu trúc hệ thống các tổ chức tín dụng. Thời điểm mấu chốt chính là 6 tháng đầu năm 2013.

Cho đến nay đã có nhiều dự báo của các cơ quan, tổ chức, và định chế tài chính đối với triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2013. Các dự báo cho đến nay đều chung một nhận định về triển vọng phục hồi chậm của kinh tế Việt Nam trong năm 2013. Theo phần lớn các dự báo, Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra vào năm 2013 (5,5%). Dự báo mới nhất của WB cho thấy Việt Nam suýt soát thực hiện được mục tiêu này. Trong khi đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và IMF lạc quan hơn một chút, với mức tăng trưởng dự báo lần lượt là 5,7% và 5,9%. Ngay cả các dự báo mới nhất của Bộ KH-ĐT cũng cho thấy trong hầu hết các kịch bản, mục tiêu tăng trưởng 5,5% là khả thi.

Tuy nhiên, đi kèm với tăng trưởng cao hơn có thể sẽ là lạm phát cao. Điều này không còn là bất ngờ, nếu xét đến thực tiễn tăng trưởng kinh tế và lạm phát trong thời gian vừa qua. IMF cho rằng lạm phát sẽ ở mức 6,2%, trong khi dự báo lạm phát của ADB lên tới 8,6%. Bản thân dự báo của Bộ KH-ĐT, cũng cho thấy tương quan này, khi mà tăng trưởng cao đi kèm với lạm phát cao. Dù vậy, xác suất xảy ra kịch bản thấp là không lớn, cho thấy mục tiêu lạm phát thấp đề ra là khó đạt được. Hầu hết các dự báo đều cho thấy mục tiêu lạm phát khoảng 6-6,5% cho năm 2013 là khó khả thi.

PGS.TS - Lê Xuân Bá
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế TƯ

Từ khóa: