Sự kiện hot
7 năm trước

Báo động tình trạng ngộ độc rượu methanol gia tăng đột biến

Trong xu hướng gia tăng của tình trạng ngộ độc rượu nói chung thì ngộ độc rượu chứa cồn công nghiệp methanol là đáng chú ý hơn cả. Hơn 2 tuần trong tháng 3, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội đã tiếp nhận điều trị 21 ca ngộ độc methanol, trong đó có 1 trường hợp tử vong, số bệnh nhân tăng hơn hẳn so với thời gian trước, có thể nói là tăng một cách đột biến, dù đã có nhiều cảnh báo được đưa ra.

Chỉ cách đây hơn chục ngày, khi vụ ngộ độc tập thể do rượu chứa methanol ở huyện Phong Thổ, Lai Châu khiến 9 người tử vong còn khiến dư luận chưa hết lo lắng, thì ngay sau đó, liên tiếp tại Hà Nội, Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận tới 21 bệnh nhân ngộ độc rượu, trong đó có 1 người tử vong. Đáng nói, từ đầu năm, trung bình mỗi ngày bệnh viện có từ 1 đến 2 bệnh nhân, có ngày từ 3 đến 4 bệnh nhân, tăng hơn hẳn so với thời gian trước, có thể nói là tăng một cách đột biến.

Vụ việc gần nhất vào ngày 10/3, tại Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội tiếp nhận 12 bệnh nhân nhập viện vì ngộ độc methanol. Tất cả bệnh nhân đều là sinh viên Cao đẳng Sư phạm Hải Dương (cơ sở tại Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội). Tính đến ngày 11/3, có 9 sinh viên phải nằm lại bệnh viện điều trị, 6 bệnh nhân đang trong tình trạng hôn mê, thở máy và phải lọc máu, 3 bệnh nhân tỉnh táo.

Qua xác minh được biết các sinh viên đã mua 1,5 lít rượu tại ngõ 259 phố Yên Hòa, Cầu Giấy, trong ngõ này có 2 số nhà 5B và 17 có bán rượu. Rượu cung cấp cho số nhà 17 là cơ sở của bà Nguyễn Thị Hảo ở Thanh Oai, Hà Nội. Các loại rượu của cơ sở bà Hảo sản xuất dán nhãn mác rượu gia truyền - rượu Duy Hảo và đóng trong các chai thủy tinh 300 - 330ml, hoặc không có tem nhãn đóng trong chai 500ml, can nhựa đối với rượu trắng. Cơ quan điều tra, Công an Thành phố Hà Nội thông báo người dân tuyệt đối không sử dụng rượu mang nhãn mác Duy Hảo có đặc điểm như trên.

Rượu chứa cồn công nghiệp methanol không phải là mới, nhưng chỉ trong vòng một tháng trở lại đây, số ca bị ngộ độc và tử vong do rượu methanol tăng nhanh, trong đó ghi nhận nhiều ở cả những nơi thành thị như Hà Nội cho thấy mức độ nghiêm trọng của sự việc. Ngộ độc methanol khó phân biệt với chứng say rượu thông thường. Có thể có các triệu chứng nhẹ trong vòng chừng một tiếng sau khi uống như nôn mửa, đau dạ dày, tương tự như ngộ độc rượu. Nhưng sau chừng 12-24 tiếng, các triệu chứng rõ ràng hơn xuất hiện như đau đầu, chóng mặt, choáng váng, mắt mờ. Đây là khoảng thời gian rất nguy hiểm vì thường mọi người đã đi ngủ, bỏ mặc các dấu hiệu này và chẩn đoán bệnh chậm trễ. Nếu mắt đã mờ đến mức khó có thể nhìn vào ánh sáng chói, đây đã là lúc nguy hiểm cần cấp cứu gấp.

Trước tình trạng người ngộ độc methanol trong rượu liên tiếp nhập viện, ngày 10-3 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có công điện gửi các bộ ngành và Uỷ ban nhân dân tỉnh thành yêu cầu kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, đồng thời bổ sung chế tài, nâng mức xử phạt hành chính với vi phạm trong sản xuất, kinh doanh rượu. Sở Y tế cũng đã yêu cầu Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm phối hợp với các đơn vị chức năng ra quân kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống ở những xã, phường có bệnh nhân ngộ độc rượu để truy xuất nguồn gốc và lấy mẫu xét nghiệm, cảnh báo kịp thời. Mặt khác, phải tăng cường tuyên truyền, cảnh báo người dân, song song với việc bắt buộc các cơ sở nấu rượu phải cam kết đảm bảo an toàn, cấm pha cồn công nghiệp vào rượu.

Để phòng ngừa ngộ độc rượu bia, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện các nguyên tắc: không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng Methanol > 0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong. Người dân cũng không nên uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày; không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân. Người dân cũng không nên uống rượu khi không biết đó là rượu gì, không rõ nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị. Trẻ em dưới 16 tuổi không được uống rượu bia.

Khi thấy người uống rượu có biểu hiện ngộ độc rượu, chúng ta nên nhanh chóng tiến hành các bước sơ cấp cứu tại chỗ cho nạn nhân để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra. Trong trường hợp nạn nhân uống nhiều rượu nhưng vẫn đủ tỉnh táo, nói chuyện được, ngồi được nên cho ăn chất có tinh bột như gạo, bún, phở...uống nước có đường, mật ong hoặc sữa có đường và tiếp tục theo dõi bệnh nhân.

Còn với những người sau khi uống rượu có biểu hiện ú ớ, nói không rõ từ, đặc biệt gọi không biết, thở khò khè, thở yếu, tay chân tím tái, lạnh, người nhà cần sơ cấp cứu ngay tại chỗ bằng cách cho nằm nghiêng sang một bên. Tốt nhất cho bệnh nhân nằm nghiêng sang bên phải, giữ cổ ở tư thế bình thường hoặc ngửa, không để cổ bị gập, không cho dùng bất kỳ đồ ăn, thức uống nào và sau đó đưa đến bệnh viện.

Các chuyên gia y tế nhận định: Kẻ tàn sát sức khỏe người Việt ghê gớm nhất chính là rượu. Nếu không chết vì methanol thì các bợm rượu vẫn có nguy cơ cao chết vì các bệnh khác. Theo Tổ chức y tế thế giới, rượu bia là nguyên nhân trực tiếp gây ít nhất 30 bệnh và giám tiếp gây ra 200 bệnh tật, chấn thương. Nếu 10-20 năm nữa người dân Việt vẫn uống rượu như hiện nay thì gánh nặng bệnh tật sẽ khiến nhiều gia đình khánh kiệt. Do đó, mỗi người nên chủ động không tiếp nhận rượu, bia vào cơ thể, tránh rơi vào tình trạng say rượu, ngộ độc rượu để đảm bảo an toàn sức khỏe của chính mình.

Hoàng Nhung

Từ khóa: