Sự kiện hot
7 năm trước

Hiroshima và Nagasaki - hơn 70 năm sau tang thương vì bom nguyên tử

Hơn 70 năm trôi qua, Hiroshima và Nagasaki vẫn là những cái tên nhắc nhở nhân loại sức tàn phá kinh hoàng của vũ khí hạt nhân.

Toà triển lãm công nghiệp Hiroshima nằm gần cầu Aioi tan hoang sau khi hứng chịu trận bom nguyên tử trút xuống thành phố Hirosima 72 năm trước. Ngày nay, toà nhà được gọi là Mái vòm bom nguyên tử là minh chứng cho mất mát, tang thương mà người dân Nhật Bản phải trải qua khi đó. Đây là toà nhà hiếm hoi không đổ sập vì sức công phá của quả bom được đặt tên là Little Boy.

Ngày 6/8/1945, Mỹ thả trái bom nguyên tử đầu tiên xuống thành phố Hiroshima khiến 70.000 người thiệt mạng ngay lập tức. Tính tới cuối năm 1945, tổng số người tử vong lên tới 140.000 trong tổng số 350.000 cư dân thành phố. Tưởng niệm 70 năm cuộc tấn công đầu tiên bằng bom nguyên tử trên thế giới, nhiếp ảnh gia Issei Kato đã tìm các ảnh tư liệu ở Hiroshima và Nagasaki và ghi lại hình ảnh tại cùng một địa điểm vào năm 2015. Trong ảnh là cảnh mặt đường trên cầu Yorozuyo vẫn còn in bóng một người qua đường do ảnh hưởng của sức nóng từ vụ nổ. Địa điểm này cách tâm vụ nổ 860 m .

Toà triển lãm công nghiệp Hiroshima trơ khung đằng sau cầu Airoi sau cuộc tấn công của quân đội Mỹ và khung cảnh êm đềm của Nhật Bản hiện đại.

Ba ngày sau khi tấn công Hiroshima, không quân Mỹ tiếp tục ném quả bom thứ hai "Fat Man" xuống Nagasaki khiến 75.000 chết.Trong ảnh, nhà thờ Urakami được xây dựng từ đống đổ nát sau trận bom nguyên tử ngày 9/8/1945.

Mặt trước nhà thờ Urakami ngổn ngang, đổ vỡ năm 1945 và bây giờ. Vài ngày sau khi hai thành phố tan hoang vì bom nguyên tử, Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng quân Đồng minh vô điều kiện, đánh dấu sự kết thúc của Chiến tranh thế giới lần thứ II.

Bóng các bao lơn trên cầu Yorozuyo tại thành phố Hiroshima in hằn trên mặt cầu do sức nóng vụ nổ. 70 năm sau, một cây cầu mới hiện đại được xây dựng ngay tại địa điểm cũ. Hơn bảy thập kỷ trôi qua, Nhật Bản nói chung và hai thành phốHiroshima và Nagasaki nói riêng không ngừng vươn lên bằng ý chí, nghị lực để khôi phục và phát triển ngoạn mục sau tang thương chiến tranh.

Cao đẳng Y tế Nagasaki Medical College đổ nát sau vụ nổ. Các nhân chứng của cuộc tấn công bằng bom nguyên tử tại Nhật Bản ngày nay đều hơn 70 tuổi. Nhiều người không muốn quay về quê hương vì muốn quên quá khứ đau thương không thể nào bù đắp.

Người dân địa phương đi lại gần cầu Aioi, Hiroshima sau trận bom nguyên tử kinh hoàng.

Trường quốc gia Shiroyama tại Nagasaki vào ngày 9/8/1945 và bây giờ. Đầu tháng 8 hằng năm, người dân Nhật Bản tổ chức lễ tưởng niệm những nạn nhân vụ nổ bom nguyên tử năm 1945 tại Đài tưởng niệm Hoà bình Hiroshima. Phát biểu tại lễ tưởng niệm năm nay, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe khẳng định Nhật Bản duy trì nguyên tắc 3 không, gồm không sản xuất, không sở hữu và không cho phép sự hiện diện của vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ.

Lan Chi (Ảnh: Reuters)
Theo ĐSPL, Vietnammoi

Từ khóa: