Sự kiện hot
7 năm trước

“Liều thuốc” đầu tiên cho trẻ chậm nói là sự tương tác

Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ có nguy cơ chậm nói, trong đó nhiều gia đình do lỗi ở mắt xích tương tác không phù hợp trong mối quan hệ giữa bố mẹ với con khiến trẻ không phát triển được ngôn ngữ.

 Khi những kênh truyền thông đã quá nhiều thông tin, và phụ huynh chưa biết lấy đâu làm điểm chuẩn. Hoặc khi những môi trường công việc ngày càng đòi hỏi sự tập trung cao, nhiều bố mẹ còn mang cả việc từ công ty về nhà, mang cả những tâm trạng căng thẳng từ công ty, thì liệu sự tương tác giữa mẹ con có đủ để trẻ phát triển ngôn ngữ và giao tiếp?

Trên thực tế, có nhiều phụ huynh phải đưa con đến các cơ sở giáo dục đặc biệt để đánh giá ở tình trạng chậm phát triển ngôn ngữ, thiếu kỹ năng chơi hoặc gắn bó với một đồ vật như ô tô, siêu nhân… Nhiều phụ huynh, khi được hỏi, đã chia sẻ rằng: “Con tôi đã gần 2 tuổi mà nói được chỉ vài từ. Vợ chồng tôi đi làm suốt, phải nhờ ông bà nội chăm sóc cháu”, hoặc các hình thức như: “Cái gì cháu nội tôi cũng hiểu nhưng không nói được, chỉ biết chào và nói “bai-bai”, khi thích thì con có thể nói liền được vài từ, nhưng không thích thì không ai bắt được cháu nói,…

Bên cạnh đó, có nhiều trường hợp con được chăm sóc và được đáp ứng quá sớm mọi nhu cầu thường ngày, khiến trẻ không còn nhu cầu được nói và giao tiếp. Chị Ly (Ngọc Hồi, Hà Nội) có chia sẻ: “Ở nhà con được chăm sóc một cách khoa học, bài bản về các hoạt động ăn uống, sinh hoạt và vệ sinh… Gia đình thường căn giờ nào con ăn, giờ nào con uống, giờ con ngủ, giờ con đi vệ sinh… và ông bà chủ động thực hiện hết mọi việc cho con. Bất cứ mọi hành động cử chỉ của con, bố mẹ có thể đoán được trước và thực hiện cho con, vì con còn mới 2 tuổi, sợ con không tự chủ động thực hiện được mọi việc”.

Tuy nhiên khi con được đánh giá tại trung tâm, và có những tư vấn sâu về hoạt động chăm sóc và dạy con. Gia đình hiểu hơn và biết được rằng, ngôn ngữ của trẻ được xuất hiện khi có sự tương tác, có nhu cầu xuất phát từ trẻ và có môi trường để trẻ giao tiếp. Việc nhiều gia đình đáp ứng quá sớm, quá chu đáo với con, khi con chưa thể hiện nhu cầu, bố mẹ đã hiểu và đáp ứng cho con, khiến con mất đi nhu cầu nói, nhu cầu trao đổi và chia sẻ thông tin.

Đặc biệt, có nhiều gia đình, bố mẹ đi làm từ khi con mới được 6 tháng tuổi và phó mặc con cả ngày cho các giúp việc ở nhà, nhiều giúp việc không biết những phương pháp, cách thức tương tác với trẻ con, ngược lại, để “nhàn nhã” hơn, nhiều người thấy bé thích nghe những âm thanh quảng cáo, tivi, trò chơi điện tử… liền bật cho con nghe cả ngày từ sáng đến tối, trong khi ăn,khi chơi cũng như lúc vệ sinh,….

Theo những nghiên cứu mới trong quan hệ tương tác của trẻ cho thấy, nếu cứ tiếp tục các tình trạng thiếu tương tác như trên, trong thời gian từ 2 – 3 tháng, trẻ đã có những biến chuyển rõ nét như không thích tương tác với người khác, không thích giao tiếp với mẹ, không hóng chuyện hoặc nhìn vào mắt người lớn khi giao tiếp,… điều này ảnh hưởng đến sự phát triển ngôn ngữ của mỗi đứa trẻ.

Theo Th.S Nguyễn Thị Hà (Giảng viên Trường ĐH Thủ đô Hà Nội) – Chia sẻ: Quá trình hình thành và phát triển ngôn ngữ của mỗi đứa trẻ, tương tác đóng vai trò rất quan trọng, từ khi cất tiếng khóc chào đời, bé đã thể hiện nhu cầu tương tác, sự gắn kết trong các mối quan hệ, đặc biệt mối quan hệ mẹ – con. Sự phát triển ngôn ngữ của con là thành quả ngọt ngào được đơm hoa của một quá trình tương tác lâu dài là từ 0 tháng đến 15 tháng tuổi và trẻ bắt đầu nói từ đơn, từ đôi, thể hiện các nhu cầu giao tiếp.

Nhiều cuộc nghiên cứu của các chuyên gia tâm lý cho thấy não của trẻ dưới 6 tuổi chưa hoàn thiện nhưng lại có khả năng nghe rồi dần dần học cách giải mã ngôn ngữ. Từ 6 tuổi trở đi, trẻ có bộ não tương tự người lớn và khả năng giải mã tự nhiên này sẽ biến mất. Vì vậy, người mẹ nên thiết lập “quan hệ sớm mẹ-con”, nói chuyện với trẻ ngay từ những ngày đầu tiên bé được sinh ra chứ không phải đợi cho đến khi trẻ biết nói.

Khi giúp bé chậm nói, người lớn đừng quên vừa nói vừa biểu cảm, ra điệu bộ (trẻ khiếm thính càng cần nhiều điệu bộ) bởi các thông điệp trong giai đoạn đầu của trẻ chủ yếu là phi ngôn ngữ. Còn khi người lớn đơn thuần nói như một cái máy, đứa trẻ có nguy cơ bắt chước như một con vẹt.

"Do đó, khi phát hiện trẻ chậm nói, gia đình nên thay đổi cách tương tác phù hợp hơn, tăng cường sự tương tác, đặc biệt là tương tác mẹ – con mọi lúc mọi nơi có thể. Trẻ không thể phát triển được ngôn ngữ một cách tự nhiên như nhiều người vẫn thường nghĩ, trẻ chỉ xuất hiện ngôn ngữ khi có sự tương tác qua lại giữa nhiều người khác nhau và phát triển giao tiếp khi xuất phát từ nhu cầu, động lực nói và mong muốn thể hiện của trẻ. Do đó, khi trẻ từ 24 tháng tuổi có dấu hiệu chậm nói, lời khuyên từ các chuyên gia tâm lý, đầu tiên nên thay đổi môi trường và phương pháp tiếp cận chăm sóc trẻ, tương tác với trẻ đồng thời theo dõi thường xuyên từng ngày sự phát triển của con", Th.S Hà phân tích.

MINH MINH

Từ khóa: