Sự kiện hot
7 năm trước

Nguy cơ nhiễm độc từ bát đĩa nhiều hoa văn

Hiện nay trên thị trường tràn lan những sản phẩm bát đĩa gốm sứ trôi nổi, có nguồn gốc không rõ ràng. Những sản phẩm này thường có hàm lượng chì vượt mức quy định, vì những cơ sở trên thường chạy theo lợi nhuận nên đã cắt giảm năng lượng trong quá trình nung.

Ngày nay, các mặt hàng gốm sứ bán trên thị trường hầu như không được kiểm soát một cách chặt chẽ về chất lượng cũng như nguồn gốc xuất xứ. Tất cả đều được bày bán tự do ở vỉa hè hoặc bán rong trên khắp các hang cùng ngõ hẻm. Với lợi thế giá thành rẻ, mẫu mã đẹp mắt các mặt hàng gốm sứ này đang thu hút được sự lựa chọn của khá nhiều người tiêu dùng.


Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia, từ lâu chì đã được xác định là chất độc hại đối với sức khỏe con người, nhưng với lợi thế là một kim loại có màu đẹp lại dễ kết hợp với các chất khác trong việc tạo màu nên nhiều người thường sử dụng chì để tạo màu cho các sản phẩm gốm sứ. Men chì khi sử dụng trong sản xuất gốm sứ có thể đem đến cho sản phẩm hình thức bắt mắt, màu sắc rực rỡ, bề mặt bóng đẹp.Tuy nhiên do có khả năng chống mài mòn kém nên bát đĩa tráng loại men này sau một thời gian sử dụng dễ bị mòn men, màu sắc hoa văn bị phai nhạt. Khi đó, với các sản phẩm như bát, đĩa… chúng sẽ trở nên đặc biệt nguy hiểm vì lượng chì thoát ra rất nhiều và ngấm hết vào thức ăn.

Thực tế, sản phẩm đồ sứ đạt chuẩn phải trải qua quá trình nung kỹ ở nhiệt độ trên 1200 độ C, điều này sẽ giúp loại bỏ hết các tạp chất kim loại như chì trong sản phẩm. Ly cốc tách đẹp rực rỡ là do nhà sản xuất cho thêm chì vào vừa tạo màu, vừa giảm nhiệt độ nung để tiết kiệm năng lượng. Chì còn được tráng bên ngoài để nhờ tính chất truyền sáng làm đồ thủy tinh đẹp long lanh. Nguy hiểm nhất là những sản phẩm có hình in sát mép cốc vì chì dễ xâm nhập vào cơ thể khi người sử dụng ăn, uống, đặc biệt là trẻ nhỏ.

Ngoài ra, đồ gốm sứ tráng men thủ công nếu nung ở nhiệt độ thấp cũng có thể gây nhiễm độc chì cho người dùng. Nguyên nhân là vì thông thường, gốm phải nung ở nhiệt độ từ 1.200 - 1.500 độ C. Nhưng nếu pha thêm chì chỉ cần nung ở 800 - 1.100 độ C đã được một lô thành phẩm, vừa tiết kiệm được năng lượng, vừa có sản phẩm hoa văn đẹp mắt.

Vì vậy, những sản phẩm nung thủ công càng rẻ tiền thì quy trình càng không chuẩn, thậm chí bị cắt giảm để tiết kiệm thời gian, chi phí nên đồ càng độc. Những sản phẩm độc hại này càng thôi nhiễm chì cao nếu đựng đồ ăn nóng, chua, nước hoa quả... bởi ở nhiệt độ cao, có axít, kiềm muối sẽ làm chì nhanh chóng giải phóng, thôi nhiễm vào thức ăn và gây độc cho cơ thể.

Những sản phẩm nhiễm chì, nếu đựng đồ ăn nóng hoặc đựng thức ăn chua sẽ làm chì nhanh chóng giải phóng, thôi nhiễm vào thức ăn và gây độc cho cơ thể. Hàm lượng chì ở ly, cốc, bát đĩa có thể xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp, tiêu hóa và khi cầm nắm sản phẩm người dùng cũng có thể bị nhiễm chì.

Trẻ em nhiễm chì có thể có thể bị ảnh hưởng ở hệ thống thần kinh trung ương, ngoại vi, khuyết tật, chậm lớn, suy giảm thính giác và chức năng tế bào huyết học. Trẻ lớn lên có thể gặp các vấn đề về hành vi học tập, IQ thấp…Đối với phụ nữ mang thai, chì tích tụ trong cơ thể cạnh tranh với canxi trong xương. Nó có thể vượt qua hàng rào nhau thai, phơi nhiễm vào đứa bé. Hậu quả xảy ra là thai nhi giảm tăng trưởng và bà mẹ có nguy cơ sinh non. Ngoài ra, ở người trưởng thành nếu tiếp xúc với chì cũng có thể tác dụng lên hệ tim mạch như tăng huyết áp, suy giảm đến chức năng thận hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản.

Để đảm bảo an toàn cho sức khoẻ cũng như phòng tránh nguy cơ nhiễm độc chì từ bát đĩa, theo các chuyên gia, người tiêu dùng nên mua bát đĩa, đồ dùng bằng gốm sứ màu trắng, ít hoa văn, trơn nhưng không quá bóng loáng , nên mua ở những cơ sở có uy tín, có nguồn gốc rõ ràng. Không nên sử dụng bát đĩa gốm sứ để làm chín thức ăn trong lò vi sóng vì nhiệt độ trong lò làm chất độc trong gốm sứ dễ tan hơ. Hạn chế sử dụng bát đĩa tráng các lớp men màu sắc quá sặc sỡ. Khi sử dụng nếu bát, đĩa bị sần sùi, bong tróc lớp men hoặc bị rạn chúng ta nên thay mới (bởi men chì nhanh bị mài mòn, hàng chợ càng chóng bị bong tróc men, phai màu và hàm lượng chì thoát ra nhiều và ngấm hết vào thức ăn, rất nguy hiểm cho người dùng). Các chuyên gia cũng khuyến cáo mọi người nên thực hiện thải độc chì liên tục hàng năm, tiến hành thành nhiều đợt liên tục.

Người tiêu dùng cũng có thể kiểm tra độ nung và kim loại nặng độc của bát đĩa gốm sứ bằng cách: Ngâm bát vào dung dịch dấm ăn, nếu bát có dấu hiệu trắng ra hoặc dấm đổi màu thì không nên dùng. Hoặc đổ một ít nước vào chỗ không tráng men (có thể là đế bát), nếu hút nước nhanh tức là xương bát nung không đủ nhiệt. Nếu bát không hút nước là bát tốt. Ngoài ra, thử tiếng vang của sản phẩm thủy tinh để phát hiện chì: Sản phẩm thủy tinh có chứa chì thì tiếng kêu coong coong vang tai, đồ không nhiễm chì thì tiếng kêu đục và nhỏ hơn.

Hồng Anh

Từ khóa: