Theo số liệu thống kê của các bệnh viện Nhi và các Trung tâm can thiệp sớm trên địa bàn Hà Nội cho thấy, số lượng trẻ mắc chứng chậm nói gia tăng trong các năm gần đây. Tuy nhiên nhiều gia đình cũng rất băn khoăn và chưa biết được những nguyên nhân nào khiến con mình chậm nói.
Chị Lan (HN) cho biết, quá trình nuôi và chăm sóc con rất bình thường, con ăn ngoan và chơi ngoan cùng với bố mẹ và ông bà. Tuy nhiên đến 24 tháng tuổi cũng chưa thấy con bập bẹ và phát âm gì, con hầu như như có ngôn ngữ nói. Gia đình cho con đi khám tại Bệnh viện thì được kết luận là con bị chậm nói. Lúc đó mới lo lắng và tìm các phương pháp điều trị cho con những cũng không hiểu vì sao con mình lại bị như vậy.
Những lo lắng của chị Lan cũng là băn khoăn lo lắng của nhiều gia đình có con bị chậm nói đang được học can thiệp tại các Trung tâm khác nhau và các bố mẹ có con trong độ tuổi dưới 3 tuổi. Qua tìm hiểu và trao đổi với các chuyên gia cho thấy, Trẻ có biểu hiện chậm nói có xuất phát từ những nguyên nhân khác nhau.
Có nhiều nguyên nhân về mặt thực thể khiến trẻ bị chậm phát triển khả năng nói và ngôn ngữ. Đôi khi chỉ là do trục trặc trong vòm miệng, như với lưỡi hoặc hàm ếch. Dây hãm ngắn cũng có thể hạn chế cử động của lưỡi khiến trẻ khó nói... Ngoài ra trẻ có thể bị ngắn lưỡi, dài lưỡi, bị dính thắng lưỡi… khiến trẻ khó khăn trong phát âm và lời nói.
Trục trặc trong khả năng nghe cũng thường có liên quan đến việc chậm nói, đó là lý do vì sao trẻ nên được bác sĩ tai mũi họng kiểm tra khi có vấn đề về nói. Trẻ khó nghe cũng sẽ gặp khó khăn trong việc hiểu, bắt chước và sử dụng ngôn ngữ.
Mặt khác, con bị chậm nói do bố mẹ cho con ở trong môi trường thiếu tương tác, ít có nhu cầu giao tiếp và dường như mỗi ngày con được định lịch sẵn giờ nào làm gì, ăn gì, chơi gì, thậm chí đi vệ sinh, bố mẹ cũng mang bô vào tận chỗ ngồi cho con. Khiến con gần như không có nhu cầu, động lực để thể hiện ngôn ngữ.
Mặt khác nhiều ba mẹ thường để trẻ xem Tivi hay dùng điện thoại thông minh để bé ngồi yên, ăn ngoan hay mình rảnh làm việc nhà... Tuy nhiên, đây lại là một trong những lý do phổ biến khiến trẻ chậm nói. Trẻ xem như thế trong một thời gian dài sẽ bị ảnh hưởng lớn đến khả năng phát triển ngôn ngữ, cũng như tạo tiền đề cho nhiều hội chứng khác. Bởi vì các đồ công nghệ là thông tin một chiều, không có tính tương tác, do đó trẻ không cần phải nói, không cần suy nghĩ, chỉ ngồi yên và nhìn, đưa tay chỉ, chạm vào màn hình dần tạo thói quen lười nói và giao tiếp ở trẻ.
Ngoài ra, nguyên nhân gây chậm nói còn có thể đến từ các hội chứng tự kỷ, tăng động kém chú ý. Đây là những hội chứng ảnh hưởng suốt đời đến mỗi đứa trẻ nếu không có sự phát hiện sớm và can thiệp sớm giúp định hình hành vi và phát triển một nền tảng giao tiếp nhất định.
Qua số liệu thống kê của Bệnh viện Nhi Trung ương thì trong những năm gần đây tỷ lệ trẻ chậm nói đến bệnh viện thăm khám có nguyên nhân tâm lý chiếm tới 70%, trong khi đó chỉ 30% còn lại do nguyên nhân thực thể. Theo ông Hoàng Văn Quyết – Giám đốc Trung tâm Giáo dục Trẻ em Ngày Mới, từ 3 – 4 năm gần đây, Trung tâm tiếp nhận và đánh giá với số lượng học sinh ngày càng nhiều, sau quá trình đánh giá học sinh và tư vấn cách chăm sóc tâm lý cho con với các phụ huynh học sinh, cho thấy tỉ lệ phụ huynh cho trẻ xem tivi, ipad với thời gian rất dài từ 3 đến 4 giờ mỗi ngày. Và đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ chậm nói và hạn chế khả năng tương tác cảm xúc ảnh hưởng đến các quan hệ “mẹ - con” trong quá trình chăm sóc con.
Tuy nhiên mỗi trẻ, có những đặc điểm khác nhau về nguyên nhân chậm nói, Do đó khi thấy các dấu hiệu khiến con mình có thể có nguy cơ chậm nói, bố mẹ nên bình tĩnh và cho con thực hiện các hoạt động thăm khám về mặt thực thể bởi các bác sỹ chuyên khoa và cho con tham gia các bài kiểm tra tâm lý của các chuyên gia tâm lý. Thông qua đó có thể phát hiện các dấu hiệu và nguyên nhân chậm nói của con và có những phương pháp điều trị hiệu quả, giúp con phát triển cân bằng hòa nhập tốt với môi trường xã hội.
Minh Minh