Dạy trẻ nói tại gia đình không cần thiết là phải ngồi vào bàn, phải học… nhưng là dạy con thông qua các tình huống thường ngày, ngay cả trong các hoạt động bình thường, khi thấy trẻ có vẻ muốn hỏi (đưa mắt nhìn) ta nên nói cho trẻ biết công việc mình đang làm…
Phản ánh đến Báo Đời sống & Tiêu dùng, chị Nguyễn Như Lan (Quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, bé Bi – con trai chị, hiện đã 26 tháng tuổi nhưng chưa nói được niều, có khả năng nghe hiểu một số yêu cầu của của bố mẹ như: Cất đồ chơi đi, lấy cốc cho mẹ, đi chơi thôi… thì con hiểu và biết cách làm nhưng chỉ mới phát âm được một vài từ như bà, mẹ, cá...
Tuy nhiên, Bi ít khi nói và khi hứng lên thì con mới phát âm, còn bố mẹ yêu cầu con ít khi làm theo. Sau khi đưa con đi khám tại Bệnh viện và có kết luận về tình trạng chậm nói, bác sỹ có yêu cầu cho con về và bố mẹ tập dạy cho con nhiều hơn ở nhà cũng như cho con đi trường mầm non.
Vậy bố mẹ nên can thiệp cho con ở nhà như thế nào là tốt nhất?
Giải đáp thắc mắc của chị Lan, Chuyên gia tâm lý Hoàng Văn Quyết – Giám đốc Trung tâm Giáo dục Trẻ em Ngày Mới (Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam) cho rằng: Việc can thiệp cho trẻ chậm nói tại gia đình đóng vai trò rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thời gian trị liệu chung của trẻ. Bởi bố mẹ là những người theo sát con, chăm bẵm con hàng ngày từ nhỏ, nên không ai hiểu con bằng bố mẹ, mặt khác con ở với gia đình lúc ăn ngủ, sinh hoạt thường ngày. Do đó thông qua các hoạt động thực tế nếu được định hướng và hỗ trợ, con sẽ phát triển rất tốt.
Tại trung tâm Giáo dục Trẻ em Ngày Mới, sau quá trình đánh giá tâm lý phát triển cho học sinh, các nhà chuyên môn sẽ định hướng và tập huấn cho từng phụ huynh cũng như đưa ra các bài tập cụ thể để cha mẹ tự dạy con tại nhà. Nhờ đó kết hợp tốt giữa trị liệu trung tâm và trị liệu gia đình, các con sẽ dễ dàng hơn trong phát triển ngôn ngữ và hòa nhập theo độ tuổi.
Xây dựng lại và phát triển các kỹ năng xã hội trong can thiệp cho trẻ chậm nói là vấn đề quan trọng hàng đầu
Trẻ chậm nói cũng có nhiều yếu tố như bố mẹ chưa thống nhất cách tương tác cho con, nói quá nhiều hoặc quá nhanh khiến con không nắm bắt được thông tin, hoặc quá ít nói khiến con ít được giao tiếp và tương tác. Vì vậy, cần thiết xây dựng lại các cách giao tiếp và tương tác với con, đảm bảo con có thể tiếp nhận được thông tin, con được tương tác và được chia sẻ, được động viên và khuyến khích khi thực hiện các hoạt động.
Phát triển sự quan hệ với mọi người là một yêu cầu thiết để giúp trẻ học cách giao tiếp. Từ nhỏ, trẻ chậm phát triển ngôn ngữ thường có sự hạn chế trong việc giao tiếp với mọi người, đặc biệt là với những người thân.
Vì vậy, trẻ cần được tăng cường các hoạt động tiếp xúc gần gũi như trong các trò chơi, cười đùa, bồng ẵm, gây tiếng động và tiếp xúc qua ánh mắt, đặc biệt là đối với bố mẹ. Bố mẹ có thể tạo ra mối quan hệ thông qua một hoạt động cùng nhau (ăn chung, chơi chung, làm một việc gì đó trong nhà chung với nhau) hay thông qua một vật (cùng trò chuyện qua một câu chuyện kể với những con búp bê, con rối – cùng nhìn về một vật, một hình ảnh nào đó). Cùng xem tranh với trẻ, chỉ cho trẻ các hình ảnh và nhân vật với lời thuyết minh ngắn gọn rõ ràng, cụ thể và đơn giản.
Dạy trẻ nói tại gia đình không cần thiết là phải ngồi vào bàn, phải học… nhưng là dạy con thông qua các tình huống thường ngày, ngay cả trong các hoạt động bình thường, khi thấy trẻ có vẻ muốn hỏi (đưa mắt nhìn) ta nên nói cho trẻ biết công việc mình đang làm: Mẹ đang nấu cơm, đang soạn bài, đang xếp quần áo, đang đánh vi tính … Khi trao đổi, cha mẹ nên nói một cách chậm rãi, kiên nhẫn chờ trẻ trả lời dù rất ngắn với thái độ vui vẻ, khích lệ.
Với một số trẻ tỏ ra thờ ơ trong việc bắt chước, ta hãy kiên nhẫn tập cho trẻ lập lại những động tác trên bằng cách nắm lấy tay trẻ sờ vào mũi, vào tai của ta – Sự tiếp xúc trực tiếp giữa hai cơ thể là điều kích thích cảm giác nơi trẻ.
Khi trẻ đã bắt đầu có hứng thú trong việc bắt chước các hành động, ta sẽ chuyển dần sang sự bắt chước các âm thanh. Cũng bắt đầu với âm thanh mà trẻ tự phát ra hay tự bắt chước. Việc khen thưởng và động viên bằng hành động (vuốt ve, xoa đầu, ôm vào lòng, cười hài lòng) hay bằng lời nói (khen ngợi) là điều quan trọng, cần tiến hành thường xuyên trong việc tập cho trẻ các hành vi bắt chước.
Thường xuyên tương tác và giao tiếp với con thông qua các tình huống thực tế, có thể những ngày đầu, bố mẹ cảm thấy mất thời gian và sự tiến bộ của con rất chậm. Nhưng bố mẹ hãy kiên trì, thực hiện thường xuyên hơn nữa. Quá trình phát triển tâm lý của trẻ có thể kéo dài đến 3 tháng một để thay đổi một nền tảng kỹ năng. Do đó, quan trọng nhất là bố mẹ phải kiên trì, tương tác mọi lúc mọi nơi, thường xuyên và đều đặn tất cả các ngày.
Can thiệp cho trẻ chậm nói tại gia đình cũng cần dựa trên những cơ sở và nguyên tắc nhất định
Việc chăm sóc cho trẻ chậm nói là một tiến trình lâu dài, cần phải có một kế hoạch cụ thể, qua đó cha mẹ phải tìm ra được những gì mà trẻ có thể làm, ta xem trẻ đang cố gắng giao tiếp bằng cách nào: Dùng điệu bộ, từ hay âm.
Khi biết trẻ có ý định giao tiếp ta hãy giúp trẻ có khả năng giao tiếp với từng loại thông tin khác nhau. Khi trẻ chỉ có phản ứng, ta vẫn chấp nhận phản ứng của trẻ nhưng cố gắng giúp trẻ chủ động hơn trong sự giao tiếp. Trong trường hợp trẻ tỏ ra không biết hay không muốn giao tiếp, ta cần có những tác động kích thích (ôm ấp, vỗ về, hỏi han, cười, nhìn trẻ) Và khi trẻ đã có phản ứng, hãy khích lệ trẻ để trẻ có thể nói (bằng lời hay bằng dấu hiệu) các nhu cầu của mình.
Trẻ có thể có những phản ứng đồng ý hay không đồng ý, đôi khi chúng ta cần có những tác động để trẻ phản đối (lấy đồ chơi, bắt trẻ ngưng làm điều mà trẻ thích) nhưng là để quan sát cách biểu lộ bằng hành vi hay ngôn ngữ để phản đối của trẻ chứ không nên kéo dài, hay cố gắng trêu chọc dể trẻ phải phản ứng mạnh hơn.
Trong cuộc sống, trẻ sẽ có sự quan sát và ghi nhận những hoạt động bằng hình ảnh và ngôn ngữ xảy ra chung quanh mình. Vì vậy bố mẹ cần tích cực trong việc :
– Chào hỏi nhau, chào hỏi bạn bè, họ hàng, con cái … để trẻ học và hiểu ý nghĩa các lời chào hỏi này. Và thường xuyên tác động khi gặp trẻ bằng những câu chào hỏi.
– Mô tả, nói ra những nhu cầu của trẻ, những yêu cầu và hành động của bố mẹ, của những người xung quanh, giúp trẻ tăng cường vốn từ, sự hiểu biết.
– Khi chơi với trẻ, hãy thường xuyên đặt câu hỏi và tự trả lời (vì trẻ sẽ không thể trả lời ngay, hay chỉ có thể phản ứng bằng hành động: gật đầu, lắc đầu, đẩy ra, đưa tay tóm lấy…)
– Thỉnh thoảng có thể dấu một món đồ đi và đặt ra câu hỏi : Con búp bê đâu rồi ?
Can thiệp cho trẻ chậm nói tại gia đình đóng vai trò quan trọng, và bố mẹ vừa đóng vai trò là người chăm sóc vừa phải là giáo viên, nhà trị liệu cho chính con mình. Khả năng phát triển với những liều thuốc tương tác và tăng cường các kỹ năng giao tiếp xã hội trên cơ sở những nguyên tắc can thiệp nhất định đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của trẻ ở những giai đoạn phát triển ban đầu. Việc thực hiện được các nguyên tắc và kiên trì thực hành trên trẻ thông qua mọi tình huống, giao tiếp với trẻ nhiều hơn, giúp trẻ phát triển tốt hơn.
“Đối với trẻ chậm nói ở mức độ trung bình hoặc có các dấu hiệu hành vi tự kỷ, cần kết hợp giữa trị liệu tâm lý của các giáo viên trị liệu và can thiệp gia đình, việc kết hợp can thiệp này giúp con phát triển tốt nhất và nhanh hòa nhập cộng đồng. Còn đối với trẻ chậm nói đơn thuần ở mức độ nhẹ, bố mẹ hoàn toàn có thể thực hành các bài tập tương tác và tuân thủ thường xuyên các nguyên tắc can thiệp cũng có thể giúp con phát triển tốt hơn chứ không nhất thiết phải hỗ trợ trị liệu cá nhân với giáo viên chuyên biệt” – chuyên gia tâm lý cho biết.
Minh Minh