Sự kiện hot
7 năm trước

Xác định mức độ chậm nói ở trẻ như thế nào?

Khó xác định mức độ chậm nói của trẻ ở giai đoạn từ 18 – 36 tháng tuổi, khiến nhiều gia đình bất đồng quan điểm giáo dục trẻ. Dẫn đến tình trạng nhiều trẻ mầm non đã lên 4 – 5 tuổi mới nói được từ đơn hoặc kém giao tiếp, khó khăn trong học tập…

Gia đình khó thống nhất quan điểm giáo dục con

Tuy nhiên điều kiện và thời điểm xác định mức độ con có bị chậm nói hay không hoặc do quan điểm khác nhau của nhiều phụ huynh cũng khiến việc chăm sóc và hỗ trợ con bị hạn chế hơn. Nhiều gia đình không thống nhất được quan điểm giáo dục, cách xác định tình trạng của con.

Chị Minh Anh – Đang làm việc cho một công ty công nghệ trên địa bàn Quận Long Biên, Hà Nội - chia sẻ: Khi con mình ở độ tuổi 21 tháng tuổi, mình đã thấy con có một số biểu hiện khác lạ như con chưa biết cách nói từ đơn, chưa biết chỉ tay thể hiện,… và rất mong muốn cho con đi khám tâm lý. Nhưng khi trao đổi với bố và ông bà thì nhất quyết bị phản đối, với lý do rằng, con ở nhà rất ngoan, bảo gì nghe nấy, xem phim và chơi với ông bà ngoan suốt cả ngày… Nên chẳng có lý do gì để phải đi khám! Lên 3 tuổi con tự khắc biết nói và phát triển tốt.

Bé Vy, theo chia sẻ của cô Mân – Giáo viên giáo dục đặc biệt của một trung tâm giáo dục trên địa bàn Hà Nội – Cô tiếp nhân con học khi 24 tháng tuổi, có nhiều hiểu hiện hành vi và chưa có ngôn ngữ, một số dấu hiệu cần theo dõi tự kỷ,… Hiện tại con đã bắt đầu biết nói từ đơn, từ đôi và những câu giao tiếp đơn giản. Tuy nhiên để đi học được cô, mẹ phải dấu gia đình và nhờ cô giáo đến trực tiếp tại trường mầm non để dạy cho con mỗi ngày một tiếng, với lí do, bố phản đối việc học cá nhân của con, bởi “con không làm sao cả, chỉ chậm nói một chút nhưng rất thông minh, nói tiếng anh rất chuẩn âm…”. Ngoài ra, mẹ còn phải tự lo lắng và trang trải các chi phí cho việc học tại trường của con.

Chị Minh Anh và Mẹ bé Vy, là hai trong số rất nhiều gia đình có con trong độ tuổi từ 18 - 36 tháng tuổi có biểu hiện chậm nói, trẻ có nét tự kỷ đang may mắn được học can thiệp cá nhân trên địa bàn Hà Nội. Việc không thống nhất được phương pháp và quan điểm giáo dục gia đình, cũng như phụ huynh chưa có nguồn thông tin chính thống để xác định mức độ chậm phát triển của con và thừa nhận đặc điểm hạn chế của phụ huynh để có những hỗ trợ can thiệp tâm lý nhất địn, khiến cho nhiều trẻ rơi vào tình trạng chậm nói khi đã lên 4 -5 tuổi và chuẩn bị đi học lớp 1.

Không phải trẻ chậm nói nào cũng tự phát triển được ngôn ngữ

Để giải đáp thông tin về mức độ và đặc điểm của trẻ chậm nói cần được đánh giá và can thiệp tâm lý, PV Báo Đời sống & Tiêu dùng đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Văn Quyết (Trung tâm Giáo dục Trẻ em Ngày Mới, Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam). Ông Quyết cho biết:

Thời đại công nghệ hiện nay, rất dễ để phụ huynh tìm kiếm được một số thông tin về trẻ chậm nói và phương pháp hỗ trợ, tuy nhiên nhiều gia đình không thống nhất được quan điểm và phương pháp giáo dục gia đình, vì chưa biết lấy đâu làm điểm chuẩn. Có một số phụ huynh thừa nhận, con có thể có chậm nói hơn các bạn nhưng lại rất thông minh vì biết thao tác trên máy điện thoại rất nhanh, hoặc nhớ đường rất giỏi,… nên không cần can thiệp tâm lý phát triển cho con.

Sự phát triển về ngôn ngữ không đồng đều ở tất cả các trẻ em và nhiều trẻ có biểu hiện phát triển chậm hơn các bạn đồng trang lứa ở một thời điểm nhất định nào đó. Do đó, có một số trẻ đến 2 tuổi mới biết nói, 3 tuổi mới phát triển từ và tập giao tiếp, nên không ít gia đình chủ quan, bỏ qua hoặc không thống nhất định quan điểm giáo dục. Tuy nhiên như thế khiến trẻ càng chậm nói.

Mặt khác khi trẻ có biểu hiện chậm nói và xuất hiện những biểu hiện như sau, nhất định gia đình phải cho con đi khám tâm lý và có những liệu pháp trị liệu càng sớm càng tốt. Để quyết định có nên cho con tham gia các chương trình học đó chưa, gia đình có thể theo dõi những biểu hiện như sau, nếu xuất hiện nhiều, con có thể cần đến sự trợ giúp bằng các chương trình can thiệp.

Trẻ có biểu hiện chậm nói và thường xuyên xuất hiện những dấu hiệu lạ về tương tác và ngôn ngữ như:

- Trẻ thích dùng cử chỉ hơn là lời nói để giao tiếp, không biết cách quan sát bắt chước âm thanh khi đến 18 tháng tuổi

- Trẻ có biểu hiện khó khăn trong việc hiểu các yêu cầu đơn giản của bố mẹ hoặc người khác, chỉ có thể bắt chước âm thanh hoặc hành động và không tự mình phát âm từ, cụm từ.

- Trẻ chỉ nói một số âm thanh hoặc từ nào đó lặp đi lặp lại và không thể sử dụng ngôn ngữ nói để trò chuyện ngoài những nhu cầu thiết yếu, không thể tuân theo các chỉ dẫn đơn giản

- Hoặc các trẻ có giọng nói khác thường (nghe như giọng mũi hoặc the thé). Trẻ nói nhiều nhưng nói vô nghĩa, bắt chước âm thanh không phù hợp và nói không ai hiểu, nói tự do, không có chủ đích…

Trẻ chậm nói và thường xuyên xuất hiện những biểu hiện hành vi lạ không phù hợp như:

- Trẻ thích chơi một mình, không biết chia  sẻ tương tác với  người khác trong quá trình chơi

- Trẻ có biểu hiện nghiện các đồ chơi điện tử: Thích điện thoại, thích tivi, quảng cáo, đĩa hát – Con có  thể ngồi tự  do chơi cả tiếng đồng hồ mà không đòi mẹ, phải  có  nhạc con mới chịu ăn,…

- Trẻ gắn bó quá mức với một người hoặc một đồ vật nào đó: Gắn bó quá mức với mẹ, bà… hoặc một  loại đồ chơi nào  đó như  xe ô tô, …

Trẻ xuất hiện các biểu hiện hành vi như ăn vạ quá  mức, tự  đập  đầu, cào cấu, tè dầm chống  đối hoặc nôn chớ khi không được đáp  ứng các yêu  cầu,…

- Trẻ hầu như không tương tác giao tiếp bằng mắt, thường lơ đãng, tránh giao tiếp mắt, gọi con ít quay đầu lại, ít  đáp  ứng các yêu  cầu  của người khác. Không chỉ tay thể hiện, Con ít  dùng ngón trỏ để chỉ vào  các đồ vật hoặc chỉ thể hiện yêu cầu, ước muốn, sở thích hoặc gây sự chú  ý.

Việc thấy trẻ xuất hiện một trong các biểu hiện trên cho thấy khả năng chậm nói và hạn chế giao tiếp của con rất lớn. Ngoài ra, hoạt động thăm khám và đánh giá tâm lý phát triển cho con cần được xem như hoạt động thăm khám sức khỏe sinh lý của trẻ, như nhiều nước trên thế giới đã áp dụng song song hai chương trình này. Vì vậy gia đình nên có tâm lý thoải mái hơn khi cho con đi thăm khá sàng lọc. Mặt khác việc học cá nhân cũng giúp thúc đẩy quá trình phát triển của con được hiệu quả hơn. Với những trẻ chậm nói đơn thuần, thời gian can thiệp rất nhanh giúp con hòa nhập tốt hơn ở trường mầm non.

MINH MINH

Từ khóa: