Sự kiện hot
10 năm trước

An Giang phát triển nghề trồng nấm với công nghệ cao

Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang vừa phê duyệt kế hoạch và triển khai chương trình phát triển nghề trồng nấm ăn ứng dụng công nghệ cao, trong đó thực hiện việc quy hoạch vùng sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.


Chăm sóc nấm. (Ảnh: Trọng Sinh/TTXVN)

Từ năm 2013-2020, An Giang phát triển sản xuất nấm rơm trong nhà, trang trại theo hướng công nghệ cao, để tăng năng suất trung bình từ 5% lên 10-15% nấm rơm thành phẩm/khối lượng rơm nguyên liệu.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ hình thành và phát triển các dịch vụ cung cấp phôi giống, phụ liệu trồng nấm để hỗ trợ nghề trồng nấm rơm. Tại mỗi huyện, hình thành cơ sở cung cấp phôi giống kết hợp thu mua sản phẩm; tạo việc làm cho hơn 20.000 lao động thường xuyên và khoảng 50.000 lao động thời vụ, tăng 1,5 lần so với năm 2010.

Đến năm 2030 , tỉnh đặt mục tiêu năng suất nấm đạt từ 15-20% nấm thành phẩm/khối lượng rơm nguyên liệu trên cơ sở hoàn thiện nhà trồng theo hướng hiện đại, tạo việc làm cho 30.000 lao động thường xuyên và 80.000 lao động thời vụ, tăng hai lần so với năm 2010, trong đó, tay nghề lao động được nâng cao ngang tầm với công nghệ sản xuất.

Ngoài ra, An Giang thực hiện ứng dụng công nghệ cao từ năm 2013 đến năm 2020 để tăng năng suất các loại nấm có giá trị kinh tế khác như nấm bào ngư, nấm mèo, nấm linh chi từ 15-20% do cải thiện chất lượng giống và ứng dụng công nghệ tiên tiến. Từ sau năm 2015, tỉnh bắt đầu phát triển các loại nấm có giá trị khác như nấm đùi gà, kim châm, ngọc châm, và đến năm 2020 đa dạng hóa và hoàn thiện quy trình sản xuất các loại nấm có giá trị kinh tế, giá trị dinh dưỡng.

Tỉnh An Giang cũng đã thực hiện quy hoạch địa điểm, quy mô thực hiện ứng dụng công nghệ cao phát triển nghề trồng nấm ăn, nấm dược liệu giai đoạn 2013-2015; giai đoạn 2015-2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, giai đoạn từ 2013-2015, tỉnh thực hiện tập huấn, trình diễn mô hình trồng nấm công nghệ cao ở ba huyện Thoại Sơn, Châu Thành, An Phú.

Mỗi năm, tổng diện tích trồng nấm là 2.800m2, trong đó huyện Thoại Sơn thực hiện 1.000m2; huyện Châu Thành trồng 1.000m2; huyện An Phú trồng 800m2; đưa tổng diện tích nuôi trồng theo hướng phát triển công nghệ cao đạt 9.600m2/năm (do quay vòng 2-4 vụ/năm).

Giai đoạn từ 2016-2020, tỉnh sẽ thường xuyên thực hiện nhân rộng mô hình đến các địa bàn trọng điểm trong tỉnh; phối hợp giữa các doanh nghiệp với các địa phương mở rộng vùng nguyên liệu, đưa tổng diện tích nuôi trồng theo hướng phát triển công nghệ cao đạt 220.000m2/năm (tương đương 2,2 ha trại/năm, quay vòng 2-4 vụ /năm ).

Tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện nhân rộng mô hình đến hầu hết các huyện, thị, thành trong tỉnh, mở rộng quy mô trang trại, hình thành những vùng nguyên liệu tập trung hiện đại, gắn với nhà máy chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng từ nấm; phấn đấu tổng diện tích nuôi trồng theo hướng phát triển công nghệ cao đạt 1,5 triệu m2/năm (tương đương 150ha trại/năm, quay vòng 2-4 vụ /năm).

Vương Thoại Trung
theo TTXVN

Từ khóa: